Tuổi trẻ là khoảng thời gian thích hợp nhất để con người ta có được những trải nghiệm, dùng sức trẻ len đến đỉnh núi của tri thức, mở rộng tầm mắt để học hỏi, để ngắm nhìn, để biết thế giới ngoài kia to lớn đến nhường nào. Chính vì thế, những cuộc hành trình là thứ để khiến cái nhiệt huyết cất giấu bấy lâu được mang ra và cũng là cơ hội để những trái tim ưa khám phá, chinh phục có thể gắn kết bền chặt cùng nhau.

Chuyến đi thăm quan, học tập, trải nghiệm làng nghề bún song thằn ở thôn An Thái, làng nón ngựa Phú Gia, và Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn của lớp 10 chuyên Toán không chỉ là khoảng thời gian giúp chúng em tìm hiểu về nét đẹp văn hóa trường tồn của địa phương mà còn là viên ngọc quý bồi dưỡng niềm tự hào nơi nguồn cội, cảm nhận được sự bền bỉ, tinh tế trong lao động, sản xuất của người dân quê mình.

Tiếng còi xe vang lên trong tiết trời xe lạnh. Bánh xe chầm chậm lăn. Cuộc hành trình của chúng em chính thức được bắt đầu.

Trạm dừng chân thứ nhất: Làng nghề làm bún song thằn An Thái (An Nhơn, Bình Định)

Bình Định chúng ta có một loại bún mang đậm nét đặc trưng của miền “đất võ trời văn” mà không phải nơi nào cũng có, một loại bún rất đặc biệt chất chứa trong mình cái nắng cái gió nơi xứ Nẫu. Đó chính là bún song thằn hay dân gian còn gọi là bún tiến vua. Tên gọi bún song thằn bắt nguồn từ cách làm bún. Khi sản xuất bún, người thợ thường bắt những sợi bún thành từng đôi một với chiều dài nhất định trông như những sợi dây (“hai”: song; “dây”: thằn). Bún song thằn được được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, không pha trộn với cất cứ loại bột nào khác, không sử dụng chất phụ gia vì thế mà bún có hương vị thơm ngon, mang giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe. ( “song” có thể hiểu là đôi, “thằn” là dây, mô tả sợi bún được cuộn lại như một cặp dây). Bún song thằn được được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, không pha trộn bất kì chất phụ gia vì thế mà bún có hương vị thơm ngon, mang giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe.

Đặt chân đến làng nghề làm bún, vài tia nắng dần hiện lên trên con đường dẫn đến cơ sở làm bún, đâu đó trong hương gió nhệ phảng phất một mùi hương dịu dàng, dễ chịu của những tấm khay phơi. Bước vào trong là một cơ sở giản dị nhưng sạch sẽ chúng em được xem các nghệ nhân trộn bột với đôi bàn tay điêu luyện nhanh thoăn thoắt khiến khối bột trắng đục dần trở nên dẻo mịn sau đó bột được chia nhỏ đưa vào ray có đục những chiếc lỗ lớn. Khối bột chảy thành dòng vào nồi nước sôi và được vớt ra ngay lập tức cho chúng em thưởng thức trực tiếp. Sợi bún có kết cấu dẻo dai, trong veo không quá khô cũng không quá ướt mang đến một sự thanh tao mới mẻ.

Những thành viên của lớp TK26 còn được tự tay tạo hình những sợi bún trên ray để đem phơi, công việc này nghe tưởng chừng đơn giản nhưng phải thực hiện mơi có thể thấy những bước đầu chật vật, mới có thể biết được những người nghệ nhân có đôi tay kinh nghiệm và khéo léo đến nhường nào.

Trạm dừng chân thứ 2: Làng nghề nón ngựa Phú Gia (Phù Cát, Bình Định)

Ấn tượng đầu tiên về nơi đây chắc có lẽ là sự choáng ngợp, trước mắt chúng em là một gian nhà rộng với một dãy những chiếc nón nhã nhặn được điểm xuyết những hoa văn tinh xảo được thêu lên từng chiếc mũ qua đôi bàn tay tinh tế của người nghệ nhân.

Chúng em cảm thấy thật sự khâm phục trước sự kiên trì và tỉ mỉ của những người nghệ nhân. Để làm ra một chiếc nón phải trải qua 10 công đoạn: từ tạo sườn đến thuê thuyền, kết lá… Để tạo thành mỗi chiếc nón tùy theo mức độ lớn, nhỏ khác nhau phải từ 500-700 chiếc lá được sơ chế dẻo dai và bền bỉ. Không những thế, những chi tiết hoa văn trên nón ngựa còn tượng trưng cho các ý nghĩa khác nhau.

Mỗi một chi tiết hoa văn trên nón sẽ thể hiện chức vị, phẩm hàm cũng như thứ bậc trong xã hội của người đội ở thời bấy giờ, chẳng hạn như: người có chức vị từ xã trưởng trở lên sẽ đội nón ngựa có chụp chóp bằng đồng hay bạc, được chạm trổ hình dáng của long, lân, quy, phụng,…; hoặc như giới thượng lưu, địa chủ sẽ đội các loại nón có hình mai, cúc, trúc, tùng,…

Chúng em cảm thấy thật may mắn khi được chứng kiến, được tận tay sờ và đội những chiếc nón ngựa giá trị, được nghe nghe nghệ nhân kể về lịch sử hình thành cũng như quy trình làm nón. Có một câu nói khiến chúng em rất tâm đắc của nghệ nhân Đỗ Văn Lan đó là: ‘Nghề làm nón ngựa sẽ không xảy ra chuyện không bao lâu nữa sẽ thất truyền bởi hiện nay dù kinh tế có khó khăn những vẫn còn hơn 100 hộ dân giữ nét văn hóa truyền thống này, nó sẽ mãi trường tồn theo thời gian không bao giờ bị mai một…’.

Trạm dừng chân thứ 3: Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn

Thật bất ngờ khi nhận ra giữa dòng chảy xô bồ của xã hội vẫn còn một nơi yên bình và thanh thản đến lạ. Vừa bước đến giữa sân đền thờ chúng em đã cảm nhận được một sự trang nghiêm, ấm áp dưới ánh nắng giờ đây đã trải dài trên từng viên gạch và được tận mắt xem những hiện vật vẫn còn được lưu giữ và phục dựng đến tận bây giờ.

Đền thờ Đào Tấn – nơi ghi dấu công lao của Đào Tấn (1845–1907). Ông là một danh sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XIX và được xem là người sáng tạo bậc thầy của nghệ thuật tuồng Việt Nam thế kỷ XIX. Đào Tấn không chỉ là nhà soạn tuồng lỗi lạc mà ông còn là một đạo diễn nhiệt thành với nghệ thuật hát bội. Nhờ ông mà hát bội Bình Định có một thời cực thịnh. Với tài năng và tâm huyết, ông đã đưa hát bội Bình Định phát triển rực rỡ. Ông cùng với Đào Duy Từ được giới nghệ sĩ hát bội Bình Định tôn là Tổ nghề.

Không chỉ viết thơ và từ khúc, Đào Tấn đặc biệt nổi bật với sự nghiệp tuồng. Trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ quan trọng, ông vẫn sáng tác hàng chục vở tuồng, tiêu biểu như Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng. Những tác phẩm này không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn truyền tải tinh thần dân tộc, được trình diễn qua nhiều thế hệ.

Người ta thường nói: “Trăm hạt mưa rơi, không hạt nào rơi nhầm chỗ. Những người ta từng gặp, không một người ngẫu nhiên”. Chuyến hành trình kết thúc với những kỉ niệm đẹp, những nghệ nhân mà chúng em đã được dịp gặp sẽ mãi còn đọng lại trong tâm trí chúng em tựa như một bản giao hưởng trầm lắng tuy ngắn ngủi nhưng thật sâu sắc. Lớp lớp kiến thức ùa vào được cất giấu nơi con tim, những nét văn hóa đầu tiên được ghi nhớ một cách tỉ mỉ, những thành viên của lớp dường như đã sát lại gần nhau hơn.

Bình Định nơi “đất võ, trời văn” đã khắc sâu trong tâm hồn chúng em những dấu ấn khó phai. Mỗi bước chân chúng em đặt trên mảnh đất này đều như được chạm vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Chuyến đi đã giúp chúng em hiểu rõ hơn về ý nghĩa, lịch sử hình thành và đặc trưng nổi bậc của các làng nghề truyền thống và tinh thần đoàn kết của người dân Bình Định. Chúng em mong rằng: trong tương lai, chúng em lại có được những cuộc hành trình như thế để giúp chúng em có thêm những trải nghiệm, hiểu biết thêm về cội nguồn của quê hương, dân tộc mình.

Tác giả: Tập thể lớp 10 chuyên Toán – TK26

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *