Kỷ nguyên số là thời đại mà các công nghệ thông minh, hiện đại, các máy tính, trí tuệ nhân tạo được sử dụng để thay thế hoặc bổ trợ cho các hoạt động thường ngày của con người.
Trong bối cảnh này, tuổi trẻ – với sức trẻ và khả năng tiếp cận nhanh chóng với công nghệ – đang và sẽ là những người tiên phong, tận dụng những cơ hội mà kỷ nguyên số mang lại. Tuy nhiên, cùng với đó là những thách thức không nhỏ, khi công nghệ có thể dần thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Liệu tuổi trẻ có thể vượt qua và chuyển hóa những thách thức này thành động lực phát triển hay không?
Cơ hội đi liền với thách thức
Sự phát triển của công nghệ số đã mang lại nhiều lợi ích vượt bậc trong khả năng giao tiếp và kết nối giữa con người với nhau. Trước hết, công nghệ số đã xóa nhòa những khoảng cách về địa lý, giúp chúng ta dễ dàng giao tiếp mà không cần gặp mặt trực tiếp. Những ứng dụng như “Zalo”, “Messenger” và “WhatsApp” cho phép gửi tin nhắn, hình ảnh, và video miễn phí, giúp việc duy trì liên lạc và chia sẻ những khoảnh khắc, kỉ niệm đáng nhớ với gia đình, bạn bè trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, ngay cả khi họ ở cách xa hàng nghìn cây số.
Ngoài ra, công nghệ số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ làm việc từ xa, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách thức làm việc của nhiều người. Các nền tảng như “Zoom”, “Microsoft Teams” hay “Google Meet” giúp trao đổi công việc dễ dàng hơn, cho phép chúng ta kết nối và cộng tác với đồng nghiệp một cách hiệu quả, thuận lợi và tiết kiệm.



Mặc dù mạng xã hội ban đầu được thiết kế để kết nối con người, nhưng trên thực tế, nó đang có tác động ngược lại. Nhiều người dành quá nhiều thời gian cho các kết nối ảo mà quên đi việc xây dựng mối quan hệ với gia đình, bạn bè thân thiết. Kết quả là, giới trẻ có xu hướng sống khép kín hơn, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, và dần dần xã hội mất đi sự gắn kết cộng đồng.
Sự bùng nổ ứng dụng công nghệ, thiết bị thông minh và xu hướng dùng robot vào sản xuất kinh doanh như hiện nay cũng đang đặt ra thách thức đối với thị trường lao động với trình độ kỹ năng còn nhiều hạn chế. Từ đó, làm giă tăng tình trạng thất nghiệp.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đe dọa đến bản sắc văn hóa dân tộc của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một số nước lợi dụng quá trình toàn cầu hóa để tìm cách truyền bá, thực hiện mưu đồ “bá quyền văn hóa”, làm phai nhạt các giá trị truyền thống của các dân tộc khác. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong… Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa mới chỉ dừng ở mức tiếp cận ban đầu như: số hóa các dữ liệu, tư liệu hiện vật dưới dạng thông tin, bản chụp hình ảnh, một số công trình di tích, cổ vật, bảo vật đã được số hóa, quét hình ảnh 3D nhưng rất ít, mới chỉ mang tính thử nghiệm, chưa có mô hình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực văn hóa di sản (Theo Truyền hình nhân dân).



Trong kỷ nguyên số hiện nay, tuổi trẻ cần làm gì?
– Kỹ năng thích nghi với sự thay đổi
– Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình
– Kỹ năng quản lý cảm xúc
– Kỹ năng IT
– Tư duy sáng tạo
– Kỹ năng nói “Không”
– Kiến thức Lịch sử và Văn hóa



Có thể khẳng định rằng tuổi trẻ và công nghệ số có mối quan hệ chặt chẽ, sẽ không sai nếu chúng ta nói: Kỷ nguyên số chính là kỷ nguyên của tuổi trẻ. Thế hệ trẻ cần biết tận dụng và phát triển công nghệ để mang lại lợi ích tối ưu cho cá nhân và cộng đồng, hãy nhớ “Tận dụng không lợi dụng”.
Tác giả: Nguyễn Tuệ Nhi, Nguyễn Văn Gia Bảo – Lớp 12 chuyên Anh