Khi năm học gần kết thúc cũng là lúc VK24 chúng mình sẵn sàng “xách ba lô lên và đi”. Để giải tỏa căng thẳng sau kỳ thi cũng như phục vụ cho mục đích học tập, chúng mình về thăm lại di tích, dấu vết xưa – nơi bắt nguồn cho cảm hứng thi ca của “những người con Bình Định”.
1. Bắt đầu cho chuyến đi trải nghiệm lần này, nơi đầu tiên chúng mình ghé qua là Tháp Bình Lâm – một ngôi tháp cổ Chăm Pa tại thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách Quy Nhơn 22km. Đây là một ngôi tháp tương đối đặc biệt ở Bình Định, vì khác với các tháp khác nằm trên đồi thì tháp Bình Lâm nằm ngay trên đồng bằng và như hòa mình vào thiên nhiên và khu dân cư bao quanh. Tại đây, chúng mình đã được anh Hòa (hướng dẫn viên du lịch dễ thương của VK24) giới thiệu về niên đại của nó với nhiều thông tin hữu ích khác nhau. Nhờ việc tham quan Tháp Bình Lâm, chúng mình được hiểu thêm nhiều điều về văn hóa Chăm Pa, về những tập tục và những tín ngưỡng độc đáo mà họ đã tạo dựng nên gắn liền với ngôi tháp.
2. Sau khi được đi tìm hiểu một đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc Chăm pa, địa điểm thứ hai chúng mình được đặt chân đến chính là Gò Bồi- Tuy Phước, nơi diễn ra cuộc tình của “ông đồ nho lấy cô hàng nước mắm”. Dừng chân bên cầu Gò Bồi, chúng mình cùng thầy Nam đi bộ khoảng 100m bên con sông Gò Bồi uốn lượn, nơi gắn với biết bao trận chiến lịch sử kiêu hùng của mảnh đất Bình Định, để được cảm nhận rõ thêm, được sống lại khoảnh khắc một thời của nhà thơ Xuân Diệu. Tiếc rằng, nhà lưu niệm, nơi cất giữ những món đồ thuở còn sống của ông đang được đập đi xây lại nhưng chúng mình vẫn còn may mắn khi được đặt chân đến Khu Phố Chợ Gò Bồi để cùng nhấm nháp một ly nước mía mát lạnh giữa cái hè chói chang đang tới và cùng nhau tìm hiểu về món đặc sản “nước mắm” nơi đây để biết thêm vì sao cha của Xuân Diệu lại mê mẩn món “nước mắm” này đến vậy!
3. Sau khi được uống ly nước mía mát lạnh, đứng trên bờ chiêm ngưỡng dòng sông Gò Bồi và tìm hiểu về “Ông hoàng thơ tình” – Xuân Diệu, lớp 11V có cơ hội được đến thăm Nhà lưu niệm thi sĩ Yến Lan tại khu phố Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giữa cái nắng 35 độ, đi bộ vào con đường nhỏ khoảng chừng 100m, các bạn học sinh lớp 11V được ngồi nghỉ ngơi trước nhà lưu niệm, dưới rặng tre già ngả bóng mát. Trên cây, những chú ve kêu râm ran như gọi hè, làm rạo rực bao tâm hồn bạn trẻ. Đón tiếp đoàn tham quan là chú Lâm Trường Định, cháu nội thi sĩ Yến Lan. Chú đón tiếp chúng mình rất nhiệt tình, chú dắt chúng mình vào nhà lưu niệm và giới thiệu cho chúng mình rất nhiều điều mới mẻ và ý nghĩa về cuộc đời, con người và sự nghiệp nhà thơ Yến Lan.
Bấy giờ, chỉ có một nhóm bốn người bạn yêu thơ ở thành Đồ Bàn, được đặt tên là “Bàn Thành tứ hữu” tương ứng với tên mỗi con vật trong Tứ Linh. Nếu Hàn Mặc Tử là Long, Chế Lan Viên là Phụng, Quách Tấn là Quy thì nhà thơ Yến Lan là Lân. Và nếu ba người bạn của mình đều có những phong cách viết thơ rất tiêu biểu và đặc biệt, Yến Lan cũng sở hữu cho mình hồn thơ với nỗi buồn kỳ ảo với những dòng thơ trác tuyệt về một bến My Lăng huyền hoặc, về một Bình Định “rượu ân tình – hoa tư tưởng – xứ lên men”
Từ lúc sinh ra cho đến lúc trở về cát bụi, hơn 80 năm cuộc đời thì có đến gần 60 năm ông sinh sống trên đất Bình Định, có lẽ vì thế mà ông mang một tình nghĩa sâu nặng với quê hương.Những hình ảnh, sự kiện diễn ra trên quê hương đã được ông viết bằng thơ với những cảm xúc dạt dào, vẻ đẹp của ngôn từ đã theo ông đến suốt cuộc đời, khẳng định lại tên tuổi và tình yêu mà nhà thơ Yến Lan đã ưu ái dành cho mảnh đất Bình Định.
Chúng mình đã có dịp lật lại những hình ảnh cũ khi nhà thơ Yến Lan còn sống. Thế nhưng, khi đã về già, ông mới có thể được trở lại Bình Định và tiếp tục tận hưởng những quãng đời còn lại của mình trong này. Vì lẽ đó, đa số tấm ảnh chúng mình thấy đều là khi ông đã có tuổi, ông mặc bộ đồ trắng với đường sọc ngang màu đen, ông nhìn trông rất ốm, không biết có phải vì ông đã cống hiến cho thơ văn, cho đất nước mà phải hy sinh sức khoẻ như vậy hay không.
Có một điều đặc biệt gắn liền với tên ông mà chúng mình muốn chia sẻ ở đây. Có vẻ ai cũng nghĩ, cuộc đời con người tài hoa ấy chắc có lắm nỗi đa tình và niềm đa đoan với các bóng hồng. Vậy mà, thi sĩ Yến Lan chỉ tìm thấy hạnh phúc ấm êm hơn nửa thế kỷ bên người vợ tảo tần hết lòng yêu thương mình. Từ tên thật Lâm Thanh Lang, bút danh Yến Lan ra đời từ hai người phụ nữ. Số là nhà thơ có quen hai cô bạn gái, một tên là Thái Thị Bạch Yến, một nữa tên là Nguyễn Thị Lan. Khi Bạch Yến chuyển nhà về thành phố Nha Trang, thì bà Nguyễn Thị Lan xuất hiện và gắn bó với ông qua bao nhiêu giông bão áo cơm lẫn ân tình. Quý trọng mối tình của vợ và cô bạn gái xưa, thi sĩ đã lấy bút danh là Yến Lan, tức tên của hai cô gái đã qua trong cuộc đời của nhà thơ.
4. Địa điểm dừng chân tiếp theo của 11V chúng mình là thành Đồ Bàn, thuộc vùng đất Nhơn Hậu, An Nhơn. Đây vốn là kinh đô cũ của vương quốc Chiêm Thành và là nơi đóng đô của Nguyễn Nhạc ngày xưa, từng được gợi tả qua câu thơ của Chế Lan Viên:
“Thành Đồ Bàn cũng không thôi nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi báo tiếng mõ
Tan dần trong yên lặng của đồng quê”
(tập Điêu tàn, Chế Lan Viên)
Trước hết, chúng mình được giới thiệu về các tượng voi đá sa thạch, hai tác phẩm mang phong cách nghệ thuật điêu khắc tháp Mẫm có niên đại khoảng thế kỷ XII – XIII. Nếu voi cái mang vẻ đẹp mềm mại với vương miện hình hoa và chiếc yếm rộng có hai vòng lục lạc, thì voi đực lại tràn đầy sự khỏe khoắn, mạnh mẽ. Ngắm nhìn từng đường nét, hình khối, chi tiết được trau chuốt, chạm khắc tỉ mỉ, cẩn thận từ đá lớn nguyên khối, chúng mình càng ngưỡng mộ sự khéo léo, nhẫn nại và tài hoa của người xưa. Và dẫu mang vẻ đẹp nghệ thuật, dẫu là những chứng nhân thăng trầm của thành cố đô, nhưng khi được biết cặp voi này là một trong những báu vật quốc gia, chúng mình có hơi bất ngờ trong thoáng chốc. Bởi lẽ, khác với nhiều “bảo vật quốc gia” mà mình từng được tham quan với những dây rôn đỏ rào chắn cẩn thận hay những dòng nhắc nhở du khách xung quanh, hai chú voi này lại có vẻ chơ vơ giữa đất trời.
Sau đó, tập thể chúng mình tiếp tục tiến vào bên trong thành, nơi dù chỉ còn một vài di tích hoang sơ nhưng mọi thứ đều chứa đựng nhiều câu chuyện. Bao bọc Tử Cấm Thành là bức tường đắp đất và đá ong, hiện tại dẫu đã nhuốm màu hoen bạc, cổ kính của thời gian nhưng trông nhìn vẫn khá kiên cố. Đặc biệt, ngay chính giữa thành cố đô chính là miếu Song Trung, khu lăng thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, hai viên quan đã tự vẫn tại đây để giữ lòng trung thành với Nguyễn Ánh. Lặng ngắm hai lăng mộ đã bạc màu, trong lòng chúng mình bồi hồi sự xót xa, tiếc nuối, xen lẫn niềm kính trọng, khâm phục trước tấm lòng son sắt của thế hệ tiền nhân. Và có chăng, linh hồn của thiên nhiên cỏ cây nơi đây cũng mang theo nỗi mặc niệm ấy mà nhuộm một màu xanh vàng nhạt đầy hiu hắt, xác xơ, tiêu điều ? Chúng mình đã cùng thầy, mỗi thành viên thắp một nén hương trầm; khói hương bay đi và tan ra giữa cái nắng gắt của ngày hè, lưu giữ phần nào những tâm tư gửi gắm.
Tại nơi tàn tích cố đô, chúng mình còn được nghe và cảm nhận rõ hơn những câu chuyện quá khứ về triều đại Chiêm Thành vong quốc, về cách “đánh” vào thành đầy mưu trí của Trần Quang Diệu cũng như sự tôn trọng ông dành cho kẻ đối đầu với mình. Sự cảm phục, tự hào xen lẫn một chút bồi hồi chính là những cảm xúc của chúng mình khi ấy. Để rồi, dẫu thời tiết nắng gắt ban ngày chưa cho chúng mình cơ hội được cảm nhận sự rùng rợn, bí ẩn của làn “sương mờ huyền ảo” – một trong những cảm hứng làm nên “Điêu tàn”, nhưng trên hết, dấu ấn của thời gian 1000 năm lịch sử đọng lại, như một sự nối kết vô hình, giúp chúng mình đến gần hơn với quá khứ dân tộc và lưu giữ nhiều kỷ niệm khó quên.
5. Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn chúng mình là làng Phong Quy Hòa, tọa lạc tại khu vực ngoại ô nằm tách biệt hoàn toàn với thành phố. Rời Tây Sơn, khi về lại Quy Hòa đã ngót nghét 4 giờ chiều, nắng đã dịu đi, chúng mình phải đi một đoạn đường nhỏ để vào khu vực trung tâm và viếng thăm phòng bệnh Hàn Mặc Tử đã từng ở trong những ngày cuối đời. Ấn tượng đầu tiên của chúng mình khi bước vào căn nhà là mùi hương thoang thoảng từ những cây nhang được du khách thắp trên gian thờ nhà thơ. Căn nhà nhỏ được chia làm hai gian: gian tiếp khách và gian sinh hoạt (tạm gọi thế). Bức tường đối diện cửa ra vào là tủ sách lưu giữ bút tích của Hàn Mặc Tử, phía trên là tấm gỗ khắc lại câu nói của Chế Lan Viên về người bạn thân của mình: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử”. Quả thật, trong thời kỳ thơ Mới, thi sĩ họ Hàn là người có diện mạo thơ vô cùng phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn. Cái làm làm nên dấu ấn của Hàn Mặc Tử, cái khiến người ta nhớ đến ông nhiều nhất là những vần thơ điên. Nhưng có lẽ, nhớ đến Hàn Mặc Tử, chúng ta còn tiếc thương cho kiếp người “tài hoa bạc mệnh”. Nhờ tấm bảng được treo trong phòng bệnh của ông, chúng mình mới biết hóa ra thi sĩ chỉ ở đây trong 11 ngày (30/10 – 11/11/1940). Gian phòng bệnh của ông còn lưu lại chiếc giường mà ông từng nằm, xung quanh bốn phía là bút tích viết tay, hình ảnh của ông và cả hình ảnh từ thời điểm đầu tiên khi cha xứ và các nữ tu tìm địa điểm xây dựng bệnh viện. Một trong số chúng là bức thư tay cùng chữ ký tên thật của Hàn Mặc Tử gửi từ Quy Hòa về cho mẹ ở Quy Nhơn:
Lá thư tay với chữ viết nguệch ngoạc bởi tay phải bị cùi nên ông viết bằng tay trái.
Rời căn nhà, chúng mình theo chân thầy Nam đến thăm tượng đức mẹ Maria với nét kiến trúc độc đáo khi bao quanh tượng là khung vòm được dựng lên từ đá. Dọc con đường, là dãy nhà của người dân (những người đã điều trị khỏi bệnh), mỗi căn nhà là một công trình có thiết riêng biệt do chủ nhân chúng sáng tạo nên. Những căn nhà đã hư hỏng khá nhiều, còn có cả những căn bỏ hoang. Khung cảnh thanh bình, yên ắng ở đây như đưa mình vào thế giới khác, khác hoàn toàn với cái nhộn nhịp của thành phố biển Quy Nhơn.
Bức tượng đức mẹ nằm trong cùng một khuôn viên với khu điều trị dành cho bệnh nhân (hầu hết họ là những ông, bà, cô, chú lớn tuổi). Sự có mặt của bức tượng cùng những hàng ghế đá phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo như lời nhắc nhở về sứ mệnh của ngôi làng: để xoa dịu và truyền động lực cho những mảnh đời bất hạnh. Có vài bệnh nhân ra nhìn chúng mình từ ban công phòng bệnh. Vì niềm vui, sự nhộn nhịp, và cả chút hy vọng về quà từ thiện. Vô tình gặp một bệnh nhân lớn tuổi, ông cười hiền, bảo: “thấy đoàn đến thăm nên quay về xem có cho đồng nào không”. Ông là cựu chiến binh, vào làng chữa bệnh từ năm 78 đến nay. Hầu hết bệnh nhân tại đây sống nhờ vào các khoản chu cấp và từ thiện từ nhà hảo tâm. Chuyến thăm và cuộc gặp gỡ chóng vánh khiến chúng mình thêm đồng cảm, ai đó trong chúng mình cũng thầm nhủ rằng mai sau sẽ trở thành một trong những nhà từ thiện để quay trở lại đây, san sẻ phần nào cùng các bệnh nhân, cùng đồng bào mình.
Rời khuôn viên, đoàn chúng mình quay trở lại nghỉ chân dọc bờ biển Quy Hòa, lúc này trời cũng đã chuyển sang hoàng hôn. Xung quanh mọi người tắm biển, tổ chức ăn uống, hát ca vui đùa. Nhưng trở về trước năm 2000, khung cảnh nơi nay không rộn ràng đến vậy, bởi người ta xem làng Phong là thế giới của sự đau khổ, họ sợ bị “lây” khi đến đây. Trong sự hoài niệm, trước mắt mình chỉ còn là bãi biển xanh với những con sóng rì rào (tưởng chừng yên bình nhưng lại có thể cuốn con người ta theo dòng biển chết bất cứ lúc nào), con người dần biến mất, cạnh bên mình như tồn tại một Hàn Mặc Tử, cùng ngắm biển, cùng chờ mặt trời lặn xuống, cùng đón trăng lên. Giữa biển khơi mênh mông rộng lớn, giữa đất trời phản chiếu trên mặt biển, mình thấy sợ, thấy cô đơn. Trời trong mắt mình bỗng tối sầm, mình thấy trăng, thấy trăng tan trong sóng nước, mình thấy rợn ngợp. Nhưng với Hàn Mặc Tử không phải thế, trăng trong mắt ông, hồn ông là “trăng vàng trăng ngọc”:
“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!’
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Trăng, biển, sự đau đớn, sự cô đơn, niềm khát khao sống, khát khao yêu là những gì Quy Nhơn đem lại cho thi sĩ họ Hàn.
Dứt ra khỏi dòng cảm xúc cũng là lúc chúng tôi đến thăm mộ của nhà thơ. Băng qua vườn tượng, đi một đoạn đường ngắn là đến nơi. Phía trên phần mộ gốc là tượng quyển sách và cây bút – thứ đại diện cho sự nghiệp văn chương của ông. Được biết phần hài cốt của ông đã được chuyển về đồi Thi Nhân theo nguyện vọng của gia đình vào năm 1959. Cũng vì vậy mà du khách cũng ít đến thăm nơi này. Điều còn lại nơi đây có chăng là hương hồn ông. Thầy thắp nén hương, chúng con cùng cầu nguyện, tưởng nhớ. Cầu cho con đường văn chương, nhớ về một thời của người.
Đây là chuyến đi thực tế đầu tiên của chúng mình, về thăm lại di tích, nguồn cảm hứng của nhóm “Bàn thành tứ hữu”, hoài niệm về một thời “tung hoành” của trường thơ Loạn nổi danh. Qua sự quan sát, trải nghiệm, chúng mình hiểu sâu hơn về quê hương mình, xứ sở mình, và cũng hiểu nhau hơn. Hy vọng rằng, trong tương lai chúng mình sẽ có cơ hội đi cùng nhau nhiều hơn – VK24 nhé!
KỶ NIỆM THANH XUÂN.
Tác giả: Tập thể lớp 11 chuyên Văn – VK24