Tuổi trẻ là những ngày ta sống hết mình với tất cả nhiệt huyết  và tận hưởng trọn vẹn tuổi thanh xuân. Chúng tôi đã gửi một phần tuổi trẻ của mình ở mái trường chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định. Ở nơi đây, mở trang giấy trắng chúng tôi viết tuổi trẻ bằng những con chữ, đóng cuốn tập đầy chữ kia chúng tôi viết tiếp thanh xuân bằng những chuyến đi. Sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa hè, chúng tôi cùng nhau khoác trên vai chiếc ba lô nặng trĩu, môi cười hớn hở gặp nhau nơi căn phòng số 01 thân quen để cùng nhau bắt đầu một chuyến đi.

Chuyến xe thanh xuân mang số hiệu VK23 đã dừng chân ở thị xã An Nhơn – vùng đất của những làng nghề truyền thống, của những trầm tích lịch sử. Nơi đây từng là thủ phủ Bình Định một thuở xa xưa. Đằng sau sự lấp lánh của phố thị có một An Nhơn bình yên với những cánh đồng lúa ươm vàng, những món ăn dân dã, những ngành nghề truyền thống được gìn giữ từ bao đời nay…

Làng Bánh Tráng – Điểm hẹn đầu tiên

Chúng tôi dừng chân ở xã Nhơn Lộc, nhìn đâu chúng tôi cũng thấy những vỉ bánh tráng phơi dọc hàng rào hai bên đường. Trong số sáu thôn của xã, Trường Cửu là nơi sản xuất bánh tráng nhiều nhất nên được mệnh danh là làng bánh tráng Trường Cửu. Bánh tráng ở đây không trắng, mỏng như loại thường thấy ở các chợ, mà dày và đen hay vàng còn tùy vào loại mè người ta bỏ vào bánh. Cũng như bao làng quê khác làm nghề tráng bánh ở Bình Định, người phụ nữ ở Trường Cửu đóng vai trò chính trong công việc này. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng, họ đã thức dậy, ngâm gạo, xay và pha bột. Kế đến là đốt lò và đặt lên đó một nồi nước lớn có căng tấm vải trên miệng nồi để làm khuôn. Đợi nước sôi, họ dùng một vá dừa nhỏ, múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy nắp lại; bột “quây” phải đều, nếu không chiếc bánh sẽ bị chỗ thật dày, chỗ thật mỏng. Một lát sau, họ dùng cái nẹp tre hay chiếc đũa lớn vớt bánh ra, trải lên vỉ tre, mang đi phơi. Tuy vất vả là vậy nhưng nghề bánh tráng được xem là nghề ổn định của những những vùng nông thôn thuần nông.

Chúng tôi đã có cơ hội được tự tay mình làm nên những chiếc bánh tráng và được trải nghiệm hương vị của chiếc bánh mới ra lò, những chiếc bánh nóng hổi còn bốc hơi khói thật sự mang một hương vị thật đặc biệt. Có lẽ, nó đặc biệt bởi chúng tôi được thưởng thức những chiếc bánh do chính mình làm ra, những chiếc bánh mang hương vị của sự vất vả. Tuy vất vả là vậy nhưng nghề bánh tráng được xem là nghề ổn định của những những vùng nông thôn Bình Định.

Làng Gốm – Trạm dừng chân kế tiếp

Tạm biệt những chiếc bánh tráng thơm ngon, chúng tôi ghé sang làng gốm đất nung Vân Sơn nổi tiếng ở Nhơn Hậu. Đây chính là làng nghề cổ nhất của Bình Định còn đến bây giờ. Gốm Vân Sơn trải bao thăng trầm vẫn mang vẻ đẹp ấm trầm, tươi như màu gạch tháp. Làng nghề Vân Sơn chuyên sản xuất gốm đất nung với những sản phẩm phong phú phục vụ đời sống thường ngày như chum, chậu, ang, khạp, chậu kiểng các loại, vò, nồi, siêu, ấm, lò, om đất, heo đất,… Gốm Vân Sơn vẫn theo những chuyến xe đi khắp mọi miền đất nước.  Ở đây, chúng tôi cũng có cơ hội tự mình nặn nên những món đồ gốm, tự mình hiểu rằng sự tỉ mỉ trong làm gốm thật sự rất quan trọng. Những đôi bàn tay phải thật sự thoăn thoắt, mềm dẻo tạo hình cho những viên đất sét thô, phải rất khéo léo mới có thể làm nên được. Chỉ có đến tự mình đến nơi đây chúng tôi mới có thể trải nghiệm những điều mà trước giờ bản thân chỉ nhìn thấy qua sách báo, để hiểu được những vất vả của những người  thợ làng nghề truyền thống.

Cứ ngỡ, sang thế kỷ 21 sẽ không còn chỗ cho đồ đất. Ấy vậy mà làng nghề vẫn túc tắc sống bởi đất với người Việt Nam không chỉ còn là đất mà “đất đã hóa tâm hồn”. Chẳng phải vậy mà có những người xa quê, bay cả nửa vòng trái đất vì nỗi nhớ quay quắt niêu cơm đất của mẹ ta lưng còng tóc bạc, những nhà hàng theo lối “hoài cổ” ngày càng ăn nên làm ra. Trải qua hàng trăm năm với bao thăng trầm cùng những biến thiên của thời cuộc, làng gốm Vân Sơn vẫn tồn tại. Những người thợ Vân Sơn với niềm tự hào về nghề truyền thống, vẫn chăm chỉ vượt qua những gian khổ nhọc nhằn của nghề nghiệp để đem lại cho đời những sản phẩm tươi nguyên màu gốm đỏ, rất đỗi đời thường mà gần gũi, thân thương…

Làng Nón An Nhơn

“Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè”

(“Quê Hương– Đỗ Trung Quân)

Không biết tự bao giờ nón lá đã trở thành một trong những di vật quen thuộc của người dân Việt Nam ta. Nón đi vào thi ca, đi vào những bài hát hoài niệm và thông qua những bàn tay đan nón, chúng tôi biết rằng để làm ra sản phẩm như thế, quả thật không dễ dàng.  Để làm được 10 chiếc nón trong ngày, chị em phải ngồi liên tục trong 14-15 giờ đồng hồ không nghỉ ngơi. Đôi bàn tay cầm kim phải dùng lực của ngón cái và ngón trỏ để cắm và rút kim, cũng ê ẩm nặng nhọc chẳng khác gì người gánh lúa. Những cô gái tuổi trăng tròn với mái tóc xõa bên vành nón, miệt mài với từng mũi kim đường nức, bàn tay mềm mại vuốt lên từng thếp lá như truyền thêm vẻ hấp dẫn cho một nét đẹp dân tộc.

Cánh đồng lúa chín – Hương vị quê hương

Sau những giây phút trải nghiệm những làng nghề truyền thống chúng tôi dừng chân bên cánh đồng lúa chín vàng ươm. Những bức ảnh tập thể, những giây phút cười nói bên nhau đã khép lại chuyến đi của chúng tôi. Tạm quên đi cái ồn ào, nhộn nhịp thành phố ngã mình bên những cây lúa chín, chúng tôi đã có phút giây yên bình nhất bên quê hương. Đến tận bây giờ khi viết lại chuyến trải nghiệm nhỏ này hương lúa chín vẫn còn đâu đó trong chúng tôi, đó là hương thơm của làng quê, hương thơm của những ngày thanh bình!

Tháp Bánh Ít – Cuộc gặp gỡ cuối cùng

Kết thúc cuộc hành trình, VK23 dừng chân tại một công trình thuộc văn hóa Champa – Tháp Bánh Ít. Tại đây, chúng tôi có thể chứng kiến những kiến trúc cổ kính. Đặc biệt, khi đứng ở nơi cao nhất, thậm chí chúng ta có thể trông thấy toàn cảnh cả một huyện Tuy Phước. Đến đây chúng tôi được tận mắt chứng kiến toàn thể kiến trúc tháp Bánh Ít đều mang phong cách kiến thiết, xây dựng tiêu biểu và đặc trưng của thời kì văn hóa Chăm pa. Lối kiến trúc Gopura, Posah, Kalan đã làm nổi bật lên nét đẹp kiến trúc của tháp Bánh Ít, tín ngưỡng quan trọng của người dân Chăm pa xưa.

Đôi điều trăn trở từ chuyến đi

Từ làng nghề truyền thống trở về, chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để làng nghề truyền thống phát triển? Làm thế nào để những sản phẩm truyền thống của Bình Định phổ biến trong cả nước và vươn tầm thế giới? Bước ra từ cuộc hành trình ấy, chúng tôi hiểu và thêm yêu mến và tự hào về mảnh đất Bình Định quê hương mình.

Tác giả: Tập thể học sinh lớp 11 chuyên Ngữ văn – VK23

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *