Gió

Bùn

Mưa

Cái lạnh…

Không sao cả, những điều trên chẳng thể ngăn những bước chân của các bạn học sinh lớp 12 chuyên Toán khóa 22 (12T) lội bùn, lội đất, mặc áo mưa để đi trải nghiệm thực tế ở các làng nghề. Chúng tớ được nghe bác nghệ nhân chia sẻ về quá trình làm nón có tuổi đời hơn 300 năm và được tận tay thêu những họa tiết xinh xinh lên chiếc nón ấy. Qua đến làng gốm Vân Sơn, chúng tớ được cùng các cô chú nghệ nhân tự tay nặn lên những tác phẩm gốm. Chuyến đi ấy là chuyến đi cuối cùng nhau, là chuyến đi của những kỷ niệm và là một trong điều chúng tớ sẽ trân quý trong năm học cuối cùng này.

Làng nón ngựa Phú Gia – người giữ lửa và truyền lửa:

Đã từ lâu, Nón ngựa được xem là “kiệt tác” của nón lá, là niềm tự hào của người con xứ Nẫu. Nó không mang cái tên duyên dáng như “nón quai thao” của làng quê quan họ Bắc Ninh hay lãng mạn như “nón bài thơ” của xứ Huế, mà nó có tên là “nón ngựa”, cái tên nghe rất “cao bồi”.

Hỏi về nguồn gốc cái tên của nón ngựa, chúng tớ được các bậc cao niên ở làng Phú Gia cho hay, ngày xưa, loại nón này chỉ được dành cho giới có chức sắc và những người thuộc giới thượng lưu, quyền quý. Những mẫu hoa văn “long, lân, quy, phụng” được thêu trên nón là biểu hiện quyền uy của người đội trong thời đại phong kiến. Chỉ cần nhìn vào hoa văn trên chiếc nón ngựa là biết phẩm hàm của những vị quan trong triều đình phong kiến. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nón ngựa Phú Gia giờ không còn là vật dụng để che mưa che nắng, mà đã trở thành món hàng thủ công mỹ nghệ có bề dày thời gian gắn với nét đẹp văn hóa độc đáo một thời.

Theo lời của các nghệ nhân, để làm được chiếc nón ngựa phải rất dày công với những nguyên vật liệu cũng khá độc đáo. Trước tiên là chọn lá kè, hay còn gọi là lá cọ. Tiếp đến là chọn cây giang tươi chẻ ra từng miếng cật dày; cật giang được nạo sạch vỏ, phơi khô và chẻ ra thành cây tăm thật nhỏ, đều để làm sườn nón. Thứ đến là rễ dứa rừng chẻ thành thẻ, phơi khô và chuốt tròn dùng để làm sòi và làm vành nón. Để thêu hoa văn, thợ chằm nón ngựa còn chuẩn bị chỉ thêu đủ màu.

Dành hơn ¾ cuộc đời để gắn bó với nghề làm nón, những chia sẻ của các bậc nghệ nhân chính là những bài học để chúng tớ càng thêm yêu, thêm trân trọng nét đẹp quê hương.

2. Làng gốm Vân Sơn – bám trụ giữ nghề.

Nằm khuất sâu trong con đường đất sét, chúng tớ phải đi hơn 100 mét nữa mới vào được đến ngôi nhà chuyên sản xuất gốm của làng gốm Vân Sơn. Làng gốm Vân Sơn, một trong những làng nghề truyền thống cổ nhất của Bình Định vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Gốm Vân Sơn không mượt mà, sắc sảo như gốm Bát Tràng cũng không cổ kính như gốm Bầu Trúc; đây chỉ là một dòng gốm bình dân nhưng vẫn ẩn chứa và thể hiện được nét tinh tế, tài hoa của người thợ gốm đất võ.

Và trong lần ghé thăm này, chúng tớ đến một xưởng sản xuất chỉ vọn vẹn… 3 nghệ nhân.

Chúng tớ được những nghệ nhân đón tiếp nồng hậu, tận tay hướng dẫn quy trình tạo ra một cái bát gốm. Thì ra, để làm ra những sản phẩm gốm có chất lượng tốt, người thợ phải mất nhiều công sức, qua nhiều khâu khác nhau như: Nhồi đất, nắn đất, tạo hình sản phẩm rồi đem nung ở nhiệt độ cao. Đất sét phải được lấy dưới ruộng cách bề mặt khoảng 1m thì mới có độ dẻo và chất cao lanh chịu nhiệt tốt.  Khi đất đã đều và quánh lại, thợ đất xắn chúng ra thành từng tảng, phơi cho khô và đưa về tập kết gần nơi sản xuất. Sau đó người ta lại đập nhỏ chúng ra và lấy bao nylon phủ lại cẩn thận.

Thứ đất nguyên liệu này nếu chẳng may bị ngấm nước sẽ làm độ dẻo của đất không ổn định và làm sản phẩm dễ bị nứt khi nung. Qua một lượt bàn xoay, gốm thành hình, vật dụng còn thô mộc giữ nguyên màu vàng nhạt của đất ấy là bán thành phẩm chờ làm nguội, trang trí. Chẳng hề dễ dàng như những gì chúng tớ đã từng nghĩ.

Tuy nhiên, Đến làng gốm Vân Sơn, điều dễ nhận thấy đầu tiên là sự chuyên cần lao động của người dân trong từng thôn xóm. Hiện nay, dù nhiều làng nghề gốm ở Nam Trung bộ đã “đóng lò”, nhưng làng gốm đất nung Vân Sơn vẫn đỏ lửa mỗi ngày. Giá thành nguyên liệu cao, quá trình sản xuất kéo dài hàng tháng trời và sự bấp bênh của nghề là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến các nghệ nhân bỏ nghề. Hi vọng rằng, trong một ngày nào đấy, chúng tớ lại thấy sự hồi sinh của làng gốm Vân Sơn vang bóng một thời như đã từng.

3. Thành cổ Đồ Bàn

“Thành Đồ Bàn cũng không thôi nức nở

 Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe

Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ

Tan dần trong yên lặng của đồng quê”…

Đó là những câu thơ của Chế Lan Viên mà 12T chúng tớ được nghe qua và để lại những ấn tượng sâu sắc về nơi thành cổ. Chế Lan Viên kết hợp với 3 nhà thơ nổi tiếng khác trên đất Bình Định là Hàn Mặc Tử, Quách Tấn và Yến Lan tạo thành nhóm thơ rất nổi tiếng. Nhóm này lấy tên “Bàn Thành tứ hữu” nghĩa là bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Nhìn trực diện từ ngoài vào, lớp chúng tớ có thể thấy lũy bằng đá bao quanh kinh thành. Điện vua thì cao và rộng, phần mái ở trên lớp ngói nhỏ hình thuẫn. Bốn bức tường bao quanh có đắp trang trí công phu bằng gạch và hồ, rất gọn ghẽ. Các cánh cửa được làm bằng gỗ cứng, chạm trổ hình thù dã thú và cầm súc.

Học sinh chúng tớ đã được anh hướng dẫn viên kể về những câu chuyện cũ tang thương, chuyện triều đại Chiêm Thành vong quốc, nhà Nguyễn đoạt Tây Sơn trong hoang phế thành cũ. Qua đó, chúng tớ hiểu rõ thêm về lịch sử, đặc biệt là lịch sử địa phương. Cũng nhờ vậy mà chúng tớ càng yêu tổ quốc hơn, biết trân trọng những gì mình đang có ở hiện tại.

Tác giả: Tập thể học sinh lớp 12 chuyên Toán – Khóa 22

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *