Thực hiện công văn số 1358 /SGDĐT- GDTrH ngày 23 tháng  5  năm 2024 của Sở giáo dục và Đào tạo V/v phối hợp tổ chức hoạt động truyền thông Ngày vệ sinh kinh nguyệt thế giới năm 2024, y tế trường học trường THPT chuyên Lê Quý Đôn triển khai nội dung tuyên truyền như sau:

A. PHẦN MỞ ĐẦU

Sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục là những yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của vị thành niên, thanh niên nói chung và học sinh nói riêng. Trong chiến lược toàn cầu vì sức khoẻ phụ nữ, trẻ em và vị thành niên năm 2016, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục cho vị thành niên, thanh niên thông qua tăng cường đầu tư cho chăm sóc sức khoẻ, tăng độ bao phủ phổ cập, phát huy vai trò của các cấp chính quyền, sự tham gia của các cá nhân và cộng đồng trong chăm sóc sức khoẻ.

SKSS VTN nữ là tình trạng khoẻ mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội của tất cả những gì liên quan đến cấu tạo và hoạt động của hệ thống sinh sản của nữ giới ở tuổi VTN, chứ không chỉ là tình trạng không có bệnh hay khuyết tật của hệ thống đó. Hiện nay, VTN nữ ở các trường THCS, THPT đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến SKSS như kinh nguyệt, tiền kinh nguyệt, nhiễm khuẩn đường sinh sản, quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn, mang thai ngoài ý muốn,… Chăm sóc SKSS sẽ giúp các em biết cách đối phó với những vấn đề này một cách an toàn và hiệu quả, có thể giảm nguy cơ gia tăng các bệnh liên quan đến SKSS trong tương lai; đảm bảo cho các em có môi trường và cơ hội tốt nhất để phát triển.

B. VỆ SINH KINH NGUYỆT Ở TUỔI VỊ THÀNH NIÊN

Thời kỳ kinh nguyệt được xem là điều kiện thuận lợi giúp vi khuẩn gây bệnh phát triển. Với hiện tượng cổ tử cung hé mở nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào trong âm đạo, buồng tử cung và gây viêm nhiễm ở đây. Vì vậy, các bé gái ở tuổi dậy thì và phụ nữ khi có kinh cần biết giữ vệ sinh vùng kín đúng cách để giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm vùng kín.

Hiện nay, độ tuổi dậy thì của trẻ ngày càng giảm, dẫn đến việc dậy thì sớm ở bé gái trở nên phổ biến. Trong giai đoạn này, trẻ gặp phải những lo lắng kèm theo sự ngại ngùng, bối rối. Vì vậy, bé gái cần được hướng dẫn chăm sóc kỹ lưỡng hơn từ mẹ khi trải qua giai đoạn này. Một trong những điều cần lưu ý ở giai đoạn này dành cho cả các bé gái và phụ nữ trưởng thành bao gồm:

I. Dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng:

1. Kinh nguyệt bình thường khi:

– Tuổi bắt đầu có kinh: Từ 11-18 tuổi.

– Vòng kinh từ 22-35 ngày, trung bình là 28-30 ngày.

– Thời gian hành kinh từ 3-7 ngày.

– Lượng máu kinh: thay 3-5 lần băng vệ sinh mỗi ngày.

– Máu kinh có màu đỏ tươi, không đông, có mùi hơi nồng, không tanh.

* Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên, gây ra do sự thay đổi giải phẩu và sinh lý bình thường của tuổi dậy thì, không phải do bệnh mà lo sợ. Khi hành kinh có thể đau bụng, cảm giác choáng váng.

2. Kinh nguyệt không bình thường còn gọi là rối loạn kinh ngyệt:

– Rong kinh: Hành kinh kéo dài trên 7 ngày.

– Kinh ít: Lượng máu kinh ra rất ít.

– Kinh nhiều: Lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường, trên 60ml trong cả ngày kinh.

– Kinh thưa: Vòng kinh dài trên 35 ngày.

– Kinh mau: Vòng kinh ngắn dưới 21 ngày.

II. Giữ vệ sinh vùng âm hộ:

Vì máu kinh nguyệt ra liên tục cả ngày lẫn đêm, kể cả lúc làm việc lẫn lúc nghỉ ngơi. Kinh nguyệt là máu không đông, thường đọng trong âm đạo và ngay cả khi ra đến âm hộ vẫn còn có thể đọng lại ở vùng tiền đình, giữa các môi sinh dục, làm cho người phụ nữ cảm giác khó chịu, nhớp nháp, ngứa ngáy.

III. Thay rửa nhiều lần khi có kinh nguyệt:

– Mỗi ngày tùy lượng máu ra ít hay nhiều nhưng ít nhất 3 lần, cần phải rửa âm hộ, lau khô. Sử dụng nước sạch, dùng nước ấm cho mùa đông, tuyệt đối không được ngâm vùng kín vào chậu. Rửa cả vùng âm hộ và tầng sinh môn, có thể sử dụng xà phòng hoặc nước rửa phụ khoa được khuyên dùng. Rửa âm hộ rồi tới bẹn, đùi rồi mới tới mông và hậu môn.

– Sau khi rửa xong dùng khăn sạch lau khô vùng âm hộ và tầng sinh môn.

IV. Sử dụng băng vệ sinh:

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại băng vệ sinh, các em có thể chọn loại phù hợp với nhu cầu và điều kiện của bản thân, điều này giúp cho máu kinh ngấm vào băng, không tràn ra đùi, bẹn. Tuyệt đối, không sử dụng các loại băng vệ sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Nếu không cần thiết cũng không nên sử dụng tampon (loại băng vệ sinh dùng để thấm hút bằng các đưa vào sâu bên trong khoang âm đạo) vì nó rất dễ gây viêm nhiễm.

V. Chú ý khi có kinh nguyệt:

– Các bé gái ở tuổi dậy thì và phụ nữ khi đến ngày hành kinh cần làm việc nhẹ, đi lại nhẹ nhàng, không tập các môn thể thao đòi hỏi sử dụng nhiều sức lực. Các môn thể thao được khuyến khích tập luyện trong ngày có kinh bao gồm: đi bộ nhẹ nhàng, tập thể dục tay không, bóng bàn… Và cần tránh thực hiện các môn thể dục thể thao còn sử dụng nhiều sức lực như các môn đẩy tạ, bơi lội…

– Trong giai đoạn này, nữ giới không nên đi xa vì cơ thể rất dễ mệt mỏi. Nếu trong giai đoạn chu kỳ kinh nguyệt, bạn xuất hiện các triệu chứng đau bụng, thì cần được nằm nghỉ ngơi, chườm ấm vùng bụng dưới để giảm cảm giác đau.

– Các em nên tắm bằng vòi hoa sen hoặc dội nước, không nên ngâm mình trong bồn tránh bị nhiễm khuẩn ngược dòng, mùa đông nên tắm nước ấm và không nên tắm quá lâu.

– Những ngày có kinh nguyệt các em không nên ăn những thức ăn chua và uống nước có đá.

– Đặc biệt các em phải có ý thức giữ vệ sinh trong nhà vệ sinh học sinh, khi mình thay băng vệ sinh phải biết gói băng vệ sinh vào tờ giấy nháp, rồi bỏ vào sọt rác, không được xả ở bồn tiểu hoặc bồn cầu.

VI. Cách phòng tránh các bệnh vùng kín:

Vùng kín của phụ nữ như một bộ phận khá nhạy cảm và quan trọng đối với sức khoẻ nên cần được vệ sinh và chăm sóc kỹ lưỡng đúng cách. Như vậy sẽ tránh được các nguy cơ gây viêm nhiễm, khí hư có mùi hôi… hoặc các bệnh phụ khoa.

Việc sử dụng dung dịch vệ sinh là một trong những cách vệ sinh vùng kín khi có kinh nguyệt và hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có khá nhiều dung dịch vệ sinh vùng kín có chứa nhiều chất tổng hợp và chlorine có hại cho sức khỏe. Hơn nữa, nhiều sản phẩm lại còn không thể tái sử dụng gây nên tình trạng lãng phí và ô nhiễm môi trường. Vậy nên, bạn nên tìm hiểu và lựa chọn những sản phẩm vệ sinh vùng kín tự nhiên vừa đảm bảo sức khỏe vừa dễ sử dụng và không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Có thể nói, trong thời kỳ kinh nguyệt, vi khuẩn có thể di chuyển từ âm hộ, âm đạo và đi ngược lên tử cung, vòi trứng, gây ra các ảnh hưởng bất lợi đến sức khoẻ sinh sản của người phụ nữ. Do đó, vệ sinh vùng kín khi có kinh nguyệt quan trọng và cần thiết nhằm tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục.

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Loan, Nhân viên y tế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *