Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Học để hành, học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Thật vậy, xuyên suốt ba năm cấp ba, bản thân là những học sinh chuyên, chúng ta đã được cung cấp một nền móng kiến thức vững chắc về lý thuyết và các bài tập cơ sở về lĩnh vực chuyên môn của chính mình. Tuy nhiên để đạt được sự hoàn thiện, có những sự hiểu biết sâu và biết cách áp dụng những kiến thức đó vào cuộc sống, việc trải nghiệm thực tế, học hỏi chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành là thật sự cần thiết. Vì vậy, để khép lại những chuyến hành trình trải nghiệm đầy ý nghĩa của lớp 12 chuyên Lý (LK22) xuyên suốt ba năm qua, các phòng thí nghiệm bộ môn Vật Lý tại Đại học Quy Nhơn được chọn làm đích đến cuối cùng để mỗi chúng em có những cơ hội tiếp xúc với những điều thú vị chưa được dạy và thực hành tại trường.
Cùng theo chân LK22 để biết qua các “trạm” để có những cái nhìn mới lạ về bộ môn Vật lý trong thực tế và biết thêm về những ứng dụng khoa học có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống chúng ta nhé!
Trạm 1: Vật Lý đại cương – (Phòng 102 – A6)
Được hướng dẫn nhiệt tình và cụ thể bởi thầy Trường, mọi người được có cơ hội tiếp cận và thí nghiệm thực tế các định luật, tính chất vật lý quan trọng trong chương trình chuyên bao gồm:
- Khảo sát sự giãn nở vật rắn
- Các định luật chất khí
- Va chạm của 2 vật trên đệm không khí (kết nối máy tính)
- Xác định momen quán tính của vật rắn bằng phương pháp dao động trên con lắc xoắn và máy đo thời gian chính xác
Với những phần lý thuyết nền tảng đã được nắm vững ở lớp 10, 11 chúng em có cơ hội được quan sát trực tiếp và đo đạc sự giãn nở vật rắn ở các nhiệt độ khác nhau, hay các định luật bảo toàn ở môi trường thực tế sẽ cho kết quả như thế nào và có những điểm khác nhau ra sao so với trên sách vở. Ngoài ra, chúng em còn được thầy giáo hướng dẫn cách xử lý và làm việc với các số liệu được đo đạc với độ chính xác rất cao bằng máy tính – một kĩ năng quan trọng cho đa số những bạn học sinh sẽ theo đuổi ngành kĩ thuật trong tương lai.
Trạm 2: Vật lý chất rắn – điện tử (Phòng 101 – A6)
Xoáy sâu vào một mảng quan trọng của vật lý, thầy Nghĩa với tâm thế phấn khởi, vui vẻ đã đưa mọi người đến với các thí nghiệm tưởng chừng đã cũ theo những hướng tiếp cận mới đầy sáng tạo và thú vị. Các thí nghiệm:
- Nhiễu xạ qua cách tử
- Mạch RLC
- Mô hình kính hiển vi và thiên văn
- Đo từ trường trái đất
- Mạch cầu cân bằng
Với tinh thần đưa đến các thí nghiệm bám sát với kiến thức của học sinh, thầy đã nhiệt tình hướng dẫn những thí nghiệm từ dễ đến khó, nhắc lại cái điểm kiến thức quan trọng và cho học sinh có cơ hội xem những thí nghiệm trên sách vở bằng những dụng cụ thí nghiệm hiện đại, có độ chính xác cao và rõ ràng hơn. Chẳng hạn với thí nghiệm khảo sát dòng điện xoay chiều mạch RLC, học sinh được xem và tìm hiểu cách làm việc của các máy đo đạc thế hệ mới với những cải tiến vượt bậc so với vôn kế, ampe kế thường thấy.
Trạm 3: Vật liệu nano (Phòng 111, 112 – A6)
Là một trong những chuyên gia đầu ngành, thầy Hiếu đã giới thiệu chúng em đến vật liệu nano – vật liệu của tương lai hay những vấn đề, kiến thức tưởng chừng như xa tầm với của một học sinh cấp ba. Tưởng chừng khó hiểu nhưng thầy đã truyền tải đến với mọi người một cách đơn giản, gắn liền chúng với những kiến thức đã học trên ghế nhà trường như: tia X, hiện tượng nhiễu xạ, giao thoa,…qua việc quan sát sự làm việc và thao tác các tác vụ đơn giản trên các máy, dụng cụ phục vụ cho việc nghiên cứu:
- Hệ nhiễu xạ tia X
- Kính hiển vi quang học kết nối máy tính
- Mô hình sản xuất H2 từ H2O
- Các thiết bị chế tạo vật liệu như (1) lò nung, (2) tủ sấy, (3) hệ quay li tâm, (4) hệ quay phủ, (5) hệ lắng đọng hơi hoá học…
Trong đó có lẽ ấn tượng nhất chắc hẳn là mô hình sản xuất H2 từ H2O. Thí nghiệm này cho thấy chính nước ta đã có những phương hướng chính xác và hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, năng lượng. Đồng thời, qua mô hình này, học sinh cũng được hiểu rõ về nguyên lí hoạt động và cách thức sản xuất của một trong những nguồn nguyên liệu bền vững sẽ thay thế trong tương lai – năng lượng H2
Khép lại hành trình trải nghiệm đầy bổ ích tại Đại học Quy Nhơn, chúng em, tập thể LK22 xin được gửi những lời cảm ơn chân thành nhất đến với trường Đại học Quy Nhơn, các giáo viên đã tạo điều kiện và dành thời gian hướng dẫn thật tận tình chúng em qua từng thí nghiệm và mô hình. Cảm ơn thầy cô trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã cho chúng em những cơ hội trải nghiệm thực tế đầy quý giá, không chỉ là những cơ hội học hỏi những điều mới mẻ mà còn là những kỉ niệm đáng nhớ trong quãng thời gian cấp ba của mọi người. Xin chân thành cảm ơn.
Tác giả: Em Lê Doãn Thịnh, học sinh lớp 12 chuyên Lý – LK22