Bản sắc văn hóa là những giá trị tinh thần lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã trở thành đặc trưng vùng miền của cả đất nước ta. Để tiếp nối những nét tinh hoa đó, lớp 11 chuyên Hóa (HK23) đã có một chuyến hành trình trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Định.
1. Làng muối Cát Minh:
Điểm đến đầu tiên của tập thể HK23 là làng muối Cát Minh – một trong những địa phương có diện tích ruộng muối lớn nhất tỉnh. Khi về thôn Đức Phổ 1, các bạn học sinh đã được chiêm ngưỡng nhiều đồng muối rộng mênh mông, bạt ngàn.
Làm muối chia làm 2 loại: muối sạch và muối truyền thống. Nguyên liệu hầu hết đều từ các giếng ngầm do người dân đào, một phần được lấy từ nước biển. Để tạo ra hạt muối, người dân xã Cát Minh phải trải qua quá trình làm việc vất vả bởi quy trình gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi sự cẩn trọng của người làm muối. Lắng nghe những chia sẻ của người diêm dân, tập thể HK23 không khỏi thấm thía câu nói: “kết tinh trong muối có cả mồ hôi và nước mắt”. Sau khi được tìm hiểu quy trình sản xuất, các bạn học sinh đã có cơ hội đi cạnh các thửa ruộng muối và quan sát từng hạt muối tinh khiết đã được kết tinh.
Dưới cái nắng chói chang của tháng năm, cánh đồng muối xõa trắng lấp lánh. Học sinh HK23 đã có trải nghiệm chân thực về những khó khăn của nghề làm muối và càng tôn trọng người dân Cát Minh vẫn ngày đêm gìn giữ truyền thống tốt đẹp này.
2. Làng gốm Cát Hanh:
Rời cánh đồng muối Cát Minh, chuyến xe HK23 di chuyển đến thôn Vĩnh Trường để gặp gỡ và học hỏi các nghệ nhân làm gốm. Nếu làm muối, người dân “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”, phơi mình dưới cái nắng gay gắt thì người làm gốm ngày ngày kề cạnh bếp lò đỏ lửa hừng hực.
Để làm nên thành phẩm, nghệ nhân phải làm theo quy trình phức tạp và tỉ mỉ. Đất dùng để tạo hình phải trải qua nhiều giai đoạn kĩ càng để đạt được độ dẻo cao, khó hòa tan trong nước. Được giảng giải những thắc mắc xong, các học sinh HK23 đã quan sát quá trình tạo hình nồi đất và tự tay làm gốm thông qua sự hướng dẫn của nghệ nhân. Tự mình trải nghiệm, các bạn mới hiểu được cái khó của nghề. Vì vậy, khi thấy thành phẩm, tập thể HK23 rất vui và càng cảm phục những đôi bàn tay khéo léo đã gìn giữ nét đẹp truyền thống địa phương. Tuy nghề làm gốm đã không còn thịnh hành như trước, người dân Cát Hanh vẫn bền bỉ tiếp nối tinh hoa văn hóa Bình Định.
Kết thúc cuộc hành trình đầy bổ ích, toàn thể học sinh HK23 không chỉ được biết thêm nhiều điều về các nghề truyền thống tại Bình Định mà còn được truyền ngọn lửa nỗ lực, kiên trì từ người dân. Chuyến hành trình tháng năm sẽ là một buổi học, một kỉ niệm đẹp đẽ trong lưu bút của HK23.
Tác giả: Bùi Gia Uyên, học sinh lớp 11 chuyên Hóa – HK23