Bất cứ học sinh nào đều có lòng mãnh liệt yêu nước và yêu lịch sử nước nhà. Những câu chuyện về thời hào hùng, dũng cảm của cô cậu thanh niên hi sinh vì nước hiện lên rõ ràng và máu lửa trong từ trang sách trang văn luôn thổi bùng lên trong tâm trí một niềm tự hào cháy bỏng. Nhưng, với chúng em nhiêu đó là chưa thỏa lòng mong ước hiểu thêm và sâu về những con người thời kháng chiến, chính điều đó đã thôi thúc bản thân chúng em đi xa hơn để thật sự cảm nhận lịch sử từ những thứ có thật đã xảy ra tường tận. Và dưới cái nắng đã dần nhạt khi vào đầu thu, tập thể TK25 và HK25 đã cùng nhau trải qua buổi trải nghiệm tham quan Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định (12 Mai Hắc Đế, phường Ghềnh Ráng) vào chiều ngày 19 tháng 9 năm 2023.

Tập thể lớp 11T chụp hình lưu niệm trước Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định

Bước chân vào trung tâm, tập thể lớp bị choáng ngợp bởi sự đồ sộ của các tài liệu và nhiều hiện vật mang giá trị lớn về lịch sử như Lịch sử Bình Định trong mộc bản triều Nguyễn (Di tích thành Chà Bàn, Lược sử thừa tuyên Quang Nam dưới thời vua Lê Thánh Tông (1471), Chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn làm phủ Quy Nhơn …); Sắc phong của các vua Quang Trung, Thái Đức, Cảnh Thịnh, Chiếu thư cho ông Đào Duy Từ được gia tặng Khai Quốc công thần; Bản đồ Quy Nhơn năm 1926, Bản đồ tỉnh Bình Định năm 1951; Di vật, kỷ vật của cán bộ “đi B”. Đây là nguồn kiến thức vô giá về lịch sử đã xảy ra tại chính nơi mình sinh ra và đồng hành.

Chủ đề chính của các tài liệu được trưng bày – Nơi checkin cho các bạn tham quan

Khi được gặp mặt và nói chuyện trực tiếp với ban giám đốc của Trung tâm lưu trữ, chú Lâm Trường Định chia sẻ sự vui mừng khi các học sinh quan tâm và chú trọng tham quan tìm hiểu về lịch sử địa phương. Chú cũng khẳng định trung tâm luôn tạo điều kiện và chào đón các bạn học sinh, sinh viên đến học tập và nghiên cứu vì những nguồn tài liệu này vẫn rất giá trị, hoàn toàn có thể khai thác, sử dụng kèm theo phát triển. Chú Trường Định đã có hỏi một câu đố nhỏ về tấm bia tưởng niệm trước trường, và hầu hết các bạn đều biết hoặc từng nghe qua nhưng để nói thật đúng và chính xác thì lại không học sinh nào nói được. Sau đó chú đã giải thích về nguồn gốc của nó chính là để tưởng niệm cho 35 ngày tập kết quân ra Bắc ở Bình Định, cũng chính là chủ đề chính của nhiều tài liệu, ghi chép ở đây, thật sự là một mở bài đầy ấn tượng và sâu sắc. Sau đó, tụi em được hiểu thêm về tấm bia mang tính cột mốc ấy.

Hình ảnh đòàn học sinh chia sẻ cùng giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định

Cả đoàn được các chị hướng dẫn tham quan trung tâm lưu trữ, bắt đầu từ các poster lớn để thuyết trình về sự kiện Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết vào ngày 21/7/1954.  Hiệp định tạo điều kiện to lớn để nước ta xây dựng miền Bắc thành hậu phương to lớn của chiến trường miền Nam.  Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là, đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Ðảng. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm đào tạo cán bộ cho niềm Nam và củng cố đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩ xã hội, từ đó là bước đà giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cứ ngỡ là sau 2 năm, họ – những người dân xung phong ra Bắc tập kết sẽ trở về, nhưng trớ trêu thay, đến 21 năm sau, miền Nam mới hoàn toàn giải phóng. Trong 21 năm đó, họ và người dân Bắc tình nguyện âm thầm vượt dãy Trường Sơn hiểm trở để chi việc cho cuộc chiến niềm nam. Nhiệm vụ cao cả, bí mật này được gọi với mật mã là “đi B”.

Ghi chép của một cán bộ về lời cụ Hồ Chủ tịch với dòng chữ nắn nót cẩn thận

Từng trang từng trang lịch sử dần hé mở sâu hơn sau những lát cắt mỏng trong sách, tập thể 11T và 11H được chiêm ngưỡng và thấu hiểu những con người cao cả ấy qua từng trang tư liệu và đồ vật họ để lại. Mỗi kỷ vật gợi nhớ chúng em đến một câu chuyện, một mảnh đời mạnh mẽ, dám hy sinh thanh xuân tuổi trẻ và khắc lên thân mình hai chữ “miền Nam”. Một cảm xúc rưng rưng và dào dạt chảy trong mỗi bản thân học sinh khi được nghe và hiểu về cuộc đời những con người ấy, quả thật phi thường và quá đỗi hào hùng. Xúc động thay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang lưu trữ, bảo quản 72.000 bộ hồ sơ cán bộ đi B, trong đó, số hồ sơ của tỉnh Bình Định là 5.442 bộ, trở thành địa phương có số lượng hồ sơ đi B nhiều nhất trên cả nước. 

Các bạn học sinh cùng nhau nghe chị thuyết trình viên trình bày ý nghĩa của tấm poster

Chia sẻ của bạn Huỳnh Chí Đại, học sinh lớp 11T: “Hôm qua, em cảm thấy mình rất may mắn và vinh dự khi được cùng với tập thể lớp 11T và 11H đã đến thăm Trung tâm lư trữ lịch sử tỉnh Bình Định. Được tìm hiểu và tận mắt nhìn thấy khoảng 150 tài liệu, hình ảnh cũng như hiện vật về nội dung thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ, chuyển quân tập kết ra Bắc, hồ sơ và kỷ vật cán bộ đi B,…, em cảm thấy mình được mở rộng vốn tri thức của mình cũng như hiểu rõ hơn về lịch sử của địa phương cũng như đất nước. Để rồi mang trong mình những tự hào về chiến công của cha ông ta và là hành trang để em tiếp bước thế hệ cha ông, đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho đất nước.”

Hình ảnh các bạn viết cảm nhận chuyến đị để lưu lại ở Trung tâm

Ngoài ra, Trung tâm còn trang bị 2 máy để xem các tài liệu lịch sử online ở phòng trưng bày,  không chỉ nói về “thanh xuân trên đất Bắc” của các cán bộ “đi B”, tài liệu còn bao quát từ thời Chăm pa đến Bình Định ngày nay. Có đủ các mặt từ văn hóa, xã hội, thi ca, di tích và nhiều mảng đặc trưng của một vùng xứ “Nẫu” thân thương. Càng theo dõi và càng hiểu hơn về Bình Định, chúng em càng yêu quý và hạnh phúc khi được sinh ra và gắn bó trên mảnh đất này. Những ai mong muốn tìm hiểu hoặc nghiên cứu tài liệu về Bình Định, thì Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định sẽ là một nơi hoàn hảo và tuyệt vời để đến.

Máy đọc tài liệu về lịch sử Bình Định được trang bị ở Trung tâm

Bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bình Định, gắn liền với cái mằn mặn của biển của gió Quy Nhơn, với cái nắng thu êm đềm nhưng không khí mát rượi hay những đêm hè oi ả ra biển nếm mặn đều xem Bình Định như một phần của cuộc đời mình. Được hiểu và yêu lịch sử của nơi đây chính là một điều quý giá mà ta luôn cố gắng tìm tòi. Chuyến đi này chính là bài học đáng trân quý và tuyệt vời khởi đầu một năm học hứa hẹn của TK25 và HK25. Mong rằng không chỉ lần này và cũng không chỉ là chúng em được trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử Bình Định ở Trung tâm lưu trữ lịch sử. Chắc chắn, nếu kể được về một hoạt động thú vị nào đó chúng em từng trải qua, thì nó sẽ không thể thiếu buổi chiều nắng và lộng gió ở Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định, nơi đã giúp chúng em thêm hiểu quê hương mình.  

Tập thể lớp 11T và 11H cùng nhau chụp hình lưu niệm ở Trung tân lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định

Tác giả: Tập thể lớp 11T

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *