Sáng ngày 15/12/2024, tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã diễn ra buổi Tọa đàm – Gặp mặt giao lưu về nghệ thuật Tuồng (hát Bội) và Ca kịch (Bài chòi) trong và ngoài nhà trường năm 2024. Tham dự buổi Tọa đàm – Gặp mặt – Giao lưu có các đại biểu của Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu của các phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Văn hóa và Thông tin, và Trung tâm Văn hóa – Thông tin- Thể thao các huyện thị xã, thành phố; đại biểu Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh, đại biểu trường THCS Hoài Châu, đại biểu trường THCS Nhơn Thành, đại biểu trường THCS Quang Trung, đại biểu trường THCS Hải Cảng, đại biểu trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Tổ Ngữ văn và hơn 200 học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn, cùng các em học sinh trường THCS Hoài Châu, THCS Nhơn Thành…
Buổi Tọa đàm – Gặp mặt – Giao lưu mở đầu với hai tiết mục trình diễn của học sinh trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn.
Lãnh đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị và lãnh đạo trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn phát biểu chào mừng.
Sau đó là phần trình diễn, báo cáo của các em học sinh trường THCS Hoài Châu, Nhơn Thành, Nhơn Lý. Các trích đoạn biểu diễn được các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh truyền dạy cho các em.
Các học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn rất ngạc nhiên, thích thú trước phần trình diễn của các em học sinh trường THCS Nhơn Thành và Hoài Châu. Những tiết mục này được các nghệ sĩ chỉ dạy và dù tập luyện trong thời gian ngắn nhưng cũng đã mang lại rất nhiều cảm xúc. Đó là lòng yêu nước, yêu quê hương; đó là cái hay cái đẹp của từng trích đoạn; những nét diễn, trang phục và cả sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh THCS khiến cho các bạn học sinh cấp ba rất ngưỡng mộ. Mỗi vở diễn như nhen vào lòng các em một cảm xúc về quá khứ hào hùng của ông cha ta, những cái hay cái đẹp của thời xưa. Không những thế, các em còn thấy được sự nhiệt huyết, trách nhiệm, lòng yêu nghề của các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ của Nhà hát trong việc truyền dạy nghệ thuật truyền thống, trao truyền ngọn lửa, tình yêu nghệ thuật truyền thống cho học sinh. Và các em cũng bắt đầu biết trân trọng, gìn giữ, có cách nhìn đúng về nghệ thuật truyền thống, từ đó có thể học hỏi, góp phần gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống của tỉnh nhà.
Sau phần biểu diễn của học sinh là phần trình bày tám bài tham luận về Nghệ thuật Tuồng và Ca kịch Bài chòi trong và ngoài nhà trường năm 2024. Các bài tham luận đề cập về nghệ thuật truyền thống tỉnh nhà, với ý nghĩa của nghệ thuật truyền thống là Bài chòi và Tuồng; tuy nhiên vẫn còn những khó khăn chung của sân khấu truyền thống hiện nay. Các bài viết còn đề cập đến sự phối hợp kịp thời giữa Sở Văn hóa và Thể thao cùng Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Chương trình học tập, giáo dục truyền thống nghệ thuật sâu khấu Tuồng (Hát bội) và Ca kịch Bài chòi trong và ngoài nhà trường giai đoạn 2023- 2026 và triển khai Kế hoạch trong Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024 giúp học sinh có điều kiện sớm làm quen với hai loại hình nghệ thuật Tuồng và Bài chòi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trong đó, thầy Trần Hà Nam, tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã có bài tham luận: Sự gắn kết giữa Nghệ thuật sân khấu truyền thống và chương trình giáo dục 2018 môn Ngữ văn trung học phổ thông; với nội dung đề xuất, kiến nghị để thúc đẩy sự gắn kết giữa Nghệ thuật truyền thống với Nhà trường chặt chẽ, hiệu quả hơn: Bổ sung nguồn ngữ liệu nghiên cứu, tăng cường giao lưu trải nghiệm, giáo dục tình yêu với nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Phần Giao lưu giữa nghệ sĩ Nhà hát và học sinh cũng rất sôi nổi. Các em học sinh đặt những câu hỏi về nghệ thuật truyền thống như: Nét riêng của nghệ thuật Hát Bội ở Bình Định; vấn đề phát triển và gìn giữ nghệ thuật Bài Chòi; những câu hỏi về nội dung của các kịch bản Tuồng, về sự phản ánh đời sống hiện nay, những vấn đề nhức nhối trong các vở Tuồng… Bên cạnh đó, các Nghệ sĩ cũng đã cùng các em học sinh thể hiện một số câu bài chòi, câu hát. Phần giao lưu này khiến cho buổi gặp mặt thêm phần thú vị, khi các em học sinh được trực tiếp các nghệ sĩ chỉ dạy, dù chỉ một câu hát, cũng thấy được sự kì công khổ luyện, và tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống. Các nghệ sĩ hi vọng sau này sẽ có những em học sinh yêu quý và đi theo con đường nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Cuối buổi gặp mặt là phần trao phần quà cho các em học sinh trường THCS Nhơn Thành và Hoài Châu.
Đây là một trong những hoạt động thường niên của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, khi hai năm 2023 – 2024 trường cũng đã có những buổi giao lưu tìm hiểu về nghệ thuật Hát Bội và Bài chòi. Nhờ đó, học sinh trường Lê cũng đã tích lũy được không ít những kiến thức quý báu về bộ môn nghệ thuật truyền thống. Và những buổi gặp gỡ, giao lưu thân mật này còn làm tăng thêm tình cảm, gắn kết giữa học sinh với các Nghệ sĩ tỉnh nhà – những người đã góp phần trình diễn và giờ đây truyền dạy cho thế hệ tiếp nối, gìn giữ tài sản tinh thần quý giá của ông cha ta. Vì ai trong chúng ta đều thấm nhuần, yêu nghệ thuật truyền thống cũng chính là yêu cội nguồn, yêu quê hương đất nước mình.
Tác giả: Cô Nguyễn Đặng Thùy Trang, Tổ Ngữ văn