Với tinh thần “Đi để học tập, để trau dồi, để khám phá”, vừa qua tập thể chuyên Tin khóa 23 (TiK23) trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã có chuyến tham quan trải nghiệm học tập thú vị tại một số di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên. Là một tỉnh nằm giáp ranh với tỉnh Bình Định về phía Bắc, Phú Yên là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, có nhiều mối quan hệ với Bình Định trong quá khứ lẫn hiện tại. Chọn Phú Yên làm nơi dừng chân cho chuyến tham quan trải nghiệm, tập thể TiK23 đã có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cảnh sắc, con người, văn hóa, lịch sử. Qua đó hiểu rõ hơn về tỉnh Phú Yên trong quá khứ,  trân trọng những đổi thay của Phú Yên ngày hôm nay. Từ đó có những nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn về triển vọng phát triển của địa phương trong tương lai.

Tập thể TiK23 đã có chuyến trải nghiệm thực tế vô cùng thú vị và cảm nhận rõ việc học đặc biệt là học Tin không chỉ là những kiến thức trên sách vở, những dòng code khô khan, mà học ở đây còn là học dưới nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Sau chuyến đi, các bạn học sinh lớp TiK23 đã có thêm những hiểu biết về văn hóa, lịch sử, ẩm thực và con người tại nơi đây. Từ đó thắt chặt thêm tình cảm giữa những con người “xứ Nẫu” với nhau (Bình Định – Phú Yên). Các bạn đã ghi lại các khoảnh khắc đẹp và thiết kế thành các video tuyệt vời. Qua đó thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của bản thân và cũng thể hiện được tinh thần làm việc nhóm giữa các tổ, hướng tới mục tiêu xây dựng “Tập thể thể đoàn kết vững mạnh” mà lớp đã đề ra từ đầu năm học.

Ngược nắng và gió, hãy cùng theo chân Tin K23 khám phá những thắng cảnh tuyệt đẹp ở Phú Yên nhé!

Chủ nhật, 11/12/2022, 7h30p, xe bắt đầu lăn bánh.

Tại nơi xuất phát, thời tiết không được thuận lợi lắm, nhưng khi bắt đầu đến địa phận tỉnh Phú Yên, trời thật chiều lòng người. Phú Yên là tỉnh thuộc Duyên Hải Nam Trung Bộ, nằm giữa hai dãy đèo lớn của đất nước là đèo Cù Mông phía Bắc và đèo Cả ở phía Nam. Trên Quốc lộ 1, xe lăn bánh di chuyển đến điểm tham quan đầu tiên.

Chặng 1: Nhà thờ Mằng Lăng

Được xây dựng từ năm 1892, nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất của Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam. Nơi đây là điểm đến khá thu hút du khách của Phú Yên, trong quá khứ nhà thờ Mằng Lăng đã từng là nơi dừng chân giảng dạy của giám mục Alexandre de Rhodes (cha Đắc Lộ) và đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, hai bên nhà thờ có lầu chuông và thập tự ở chính giữa. Toàn bộ nhà thờ toát lên vẻ cổ kính của những mảng tường xanh xám rêu phong, nơi màu thời gian đi qua và ghi dấu.

Học sinh tham quan Nhà thờ Mằng Lăng

Chặng 2: Di tích Quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa

Gành Đá Đĩa là một tuyệt tác kỳ diệu của thiên nhiên. Loại đá ở đây chính là đá bazan đã hình thành cách đây 200 triệu năm, được tạo nên nhờ quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa. Những dòng nham thạch phun trào ra từ núi lửa khi gặp nước lạnh bị đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng di ứng lực khiến những khối nham thạch này bị nứt thành nhiều chiều một cách tự nhiên tạo nên các phiến đá đẹp lạ lùng, bí ẩn như ngày nay. Mà đặc sắc ở chỗ có hàng chục nghìn cột đá hình lục giác, hình tròn hay hình vuông, lớp này xếp nối lên lớp kia, liên tiếp và khít nhau như bàn tay của vị thần nào đó sắp đặt vậy. Đây là một danh thắng tuyệt đẹp không thể bỏ qua khi đến mảnh đất Phú Yên. Nơi đây được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt” vào năm 1998. Những cột đá nhấp nhô cao thấp nằm vươn mình đón những ánh nắng giòn tan của mặt trời, đẹp tựa như một kỳ quan mà tạo hóa ưu ái cho nơi đây.

Học sinh tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa
Học sinh tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa

Chặng 3: Nhà hàng cơm niêu Năm Ánh

Nhắc đến Phú Yên, nếu như chỉ bàn về những danh thắng nổi tiếng mà bỏ qua nền ẩm thực phong phú ở đây, thì quả thật là một thiếu sót rất lớn. Trong đó, có một món ăn đã trở thành đặc sản, mà bất kỳ du khách nào khi đến với Phú Yên cũng nên thử – Mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc Bắc. May mắn thay, tập thể lớp chuyên Tin K23 đã có cơ hội thưởng thức một cách trọn vẹn món ăn đã làm nên thương hiệu “Phú Yên” này.

Chặng 4: Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn

Tháp Nhạn là một tháp Chăm nằm trên núi Nhạn, tháp được người Chăm sinh sống ở lưu vực châu thổ sông Ba xây dựng nên vào khoảng thế kỉ 12. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Phần bên trong là một am nhỏ thờ bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời hậu Lê. Tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn, soi bóng trên dòng Đà giang hùng vĩ tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình: Núi Nhạn – Sông Đà Rằng.

Tháp Nhạn được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp sít nhau mà không có một chất kết dính nào, song lại vô vùng chắc chắn và vững chãi. Trên thân tháp được chạm trổ rất nhiều hình ảnh phong phú, tượng trưng cho ước mơ, hoài bão của con người và kể lại câu chuyện của thần linh. Với lối kiến trúc ấy, tháp Nhạn đã phản ảnh được nền văn hóa rực rỡ của người Chăm lúc bấy giờ. Tuy nhiên, kiến trúc ấy đã bị phá hủy một phần trong thời kỳ Pháp thuộc và đã được trùng tu lại bằng gạch mới.

Học sinh tham quan di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn

Tại tháp Nhạn, hai lớp chuyên Tin K23 và chuyên Anh K23 có dịp gặp gỡ, giao lưu với nhau.

Học sinh lớp TiK23 và AK23 chụp hình lưu niệm

Chặng 5: Hồ điều hòa Hồ Sơn

Nhìn từ trên cao, hồ trông như những đám mây bay ngang qua ngọn núi Chóp Chài – biểu tượng của thành phố. Điểm nhấn của công trình nghệ thuật này chính là cây cầu bắt ngang hồ, cùng các con đường được xây dựng theo kiểu uốn lượn kết hợp các trụ ngồi dọc ven hồ. Tất cả tạo nên một khung cảnh nên thơ, lãng mạn giữa trung tâm thành phố.

Chặng 6: Quảng trường Nghinh Phong

Tháp Nghinh Phong – biểu tượng du lịch mới của Phú Yên. Đây là công trình độc đáo được chia làm hai phần, mỗi phần có 50 khối đá xếp liền kề. Từ câu chuyện huyền sử Lạc Long Quân – Âu Cơ có trăm con, 50 con gái theo mẹ lên ngàn, 50 con trai theo cha ra biển đảo; đó cũng là dụng ý của tác giả khi thiết kế công trình, mặt bằng được tạo dựng từ 50 khối đá hình lục giác mỗi bên, ngăn chia ở giữa bằng một khe đón gió xuất phát từ ý tưởng nghinh phong. Các khối đá granite chồng lên nhau 2 bên khe nghinh phong, tạo nên 2 tòa tháp, biểu tượng của gành Đá Đĩa ở Tuy An.  

Ở giữa khe nghinh phong được gắn các mảng phù điêu tạc trên những phiến đá granite, chạm khắc bởi những nghệ nhân người Phú Yên như một hình thức kể lại câu chuyện lịch sử, nhắc nhở về cội nguồn cha ông khai phá đất và xây dựng quê hương Phú Yên.

Học sinh tham quan tháp Nginh Phong\

Chặng 7: Chùa Thanh Lương

Chùa Thanh Lương Phú Yên nổi tiếng bởi vẻ đẹp độc lạ hiếm có. Ngôi chùa này được bao bọc xung quanh bởi cộng đồng dân cư sinh sống bằng nghề chài lưới, khí hậu mát mẻ quanh năm. Cảnh sắc xung quanh chùa Thanh Lương rất bình yên và tĩnh lặng. Chùa Thanh Lương nổi tiếng bởi câu chuyện gắn liền với pho tượng Quan Thế Âm từ ngoài khơi trôi dạt về đây. Tuy pho tượng này không còn giữ được vẻ nguyên vẹn nhưng dáng đứng nguyên bản của pho tượng phật này vẫn được gìn giữ. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc hoàn toàn tự nhiên, bình dị, lắng đọng tâm hồn Việt với kiến trúc đặc biệt, mang hơi thở của văn hóa biển đảo miền Trung nhờ sự kết hợp khéo léo của chất liệu san hô biển và gáo dừa. Với sự khéo léo tài hoa của các người thợ và sự sáng tạo đột phá của thầy trụ trì Thích Quảng Ngộ, từ những gáo dừa thô ráp, những mảng san hô xù xì được đẽo gọt công phu qua bàn tay người thợ để tạo lên mái chùa có độ cong mềm mại, tự nhiên.

Chủ nhật, 11/12/2022, 17h, tạm biệt Phú Yên.

Qua chuyến hành trình thực tế lần này, các thành viên lớp chuyên Tin K23 như được tiếp thêm năng lượng để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ tiếp theo.

Xin cảm ơn và hẹn gặp lại!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *