Mỗi chuyến đi là một hành trình mở rộng tâm hồn, đưa chúng em đến gần hơn với những giá trị cội nguồn sâu sắc của quê hương. Chuyến đi trải nghiệm của lớp 10 Chuyên Anh 1 K26 đến thăm làng nghề làm bún song thằn ở thôn An Thái, làng nón ngựa Phú Gia, và Từ đường Đào Tấn trong môn Giáo dục địa phương không chỉ là một dịp giúp chúng em khám phá văn hóa, mà còn là cơ hội quý báu để cảm nhận sự tinh túy, bền bỉ và ý chí của người dân quê mình.

Dưới cái nắng dịu của buổi sớm mai, chúng em hào hứng bước vào hành trình, lòng tràn đầy niềm tự hào và mong chờ được đắm mình trong câu chuyện của những nghề truyền thống, những di sản đã sống qua bao thế hệ. Hành trình này đã để lại trong chúng em những cảm xúc khó quên, khơi dậy ý thức sâu sắc về việc gìn giữ và trân quý những giá trị văn hóa mà ông cha đã dày công gây dựng.

Chặng 1: Làng nghề bún song thằn An Thái (An Nhơn, Bình Định) Làng nghề bún song thằn – nơi lưu giữ một nét tinh hoa ẩm thực truyền thống độc đáo của Bình Định. Bún song thằn tại làng An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn mang một nét khác biệt so với những loại bún thường gặp, bởi nó được làm từ đậu xanh và có hương vị đặc trưng, dẻo dai và mềm mại như bàn tay người thợ lành nghề. Đến với nơi đây, chúng em được tận mắt chứng kiến từng công đoạn phức tạp, từ việc xay bột, tạo sợi tạo thành những miếng chữ nhật vuông vức và phơi nắng. Từng sợi bún được uốn nắn khéo léo, từng mẻ bột được nhào nặn sao cho vừa không nhão cũng chẳng khô – điều này đòi hỏi ở người thợ sự tinh tế và kinh nghiệm lâu năm.

Chúng em chợt nhận ra từng sợi bún không chỉ là thành quả của nguyên liệu, mà còn là kết tinh từ bàn tay tài hoa và sự kiên nhẫn của những người đã cống hiến cả cuộc đời để giữ cho hương vị truyền thống được vẹn nguyên qua bao thăng trầm. Chuyến tham quan không chỉ giúp em hiểu thêm về những công đoạn tỉ mỉ trong việc làm bún mà còn làm sâu sắc hơn sự trân trọng dành cho những con người lặng thầm gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống và khơi dậy trong chúng em một ý thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết về trách nhiệm bảo tồn bản sắc quê hương – một giá trị cần được nâng niu, giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Chặng 2: Làng nón ngựa Phú Gia (Phù Cát – Bình Định)

Điểm đến tiếp theo là Làng nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát – nơi đây đã giữ gìn một di sản hơn 300 năm với những chiếc nón Ngựa từng gắn liền với lịch sử hào hùng của quân Tây Sơn. Chiếc nón đã giúp quân ta che mưa, nắng; đóng góp một phần vào chiến thắng của quân ta lúc bấy giờ. Tại cơ sở làm nón của nghệ nhân Đỗ Văn Lan – người thợ lành nghề đã gắn bó với nghề làm nón ngựa suốt hơn 60 năm, chúng em được nghe những câu chuyện lịch sử và hiểu thêm về những công đoạn tỉ mỉ để làm nên chiếc nón ngựa: từ việc chọn những cành tre, nứa tốt nhất, tỉa lá công phu, đến khâu đan lá và thêu hoa văn đều đòi hỏi sự nhẫn nại và khéo léo tuyệt vời.

Cầm trên tay chiếc nón ngựa truyền thống, chúng em cảm nhận được sự kỳ diệu của thời gian, khi một sản phẩm có thể bền bỉ vượt qua cả hàng trăm năm để mang lại niềm tự hào cho quê hương. Từ đó, chúng em càng ý thức được rằng trách nhiệm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống không chỉ thuộc về người lớn mà còn là trách nhiệm của thế hệ trẻ như chúng em – những người trẻ cần tiếp bước, giữ gìn và làm cho di sản ấy thêm rực rỡ.

Chặng cuối: Từ đường Đào Tấn (Tuy Phước – Bình Định)

Kết thúc chuyến đi, chúng em đã được đặt chân đến Từ đường Đào Tấn – nơi lưu giữ ký ức, những di sản về một danh nhân văn hóa Bình Định, một nghệ sĩ đã sáng tạo nên nghệ thuật hát tuồng lừng danh, góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của quê hương. Đến với Từ đường Đào Tấn, chúng em như được bước vào một không gian linh thiêng và trang nghiêm, nơi những giá trị về nghệ thuật tuồng được tôn vinh và truyền lại cho thế hệ sau, nghe những tiểu sử về Đào Tấn – một vị quan thanh liêm, cương trực, là nhà soạn tuồng nổi tiếng với các kiệt tác như Hộ sanh đàn, Cổ Thành và Trầm hương các – ông chính là hậu Tổ nghệ thuật hát tuồng. Trong không gian yên tĩnh của từ đường, chúng em cảm nhận được sự tôn nghiêm nhưng thân thiện, ấm áp của một vùng đất tự hào về di sản văn hóa và những đóng góp của các bậc tiền nhân. Đây không chỉ là nơi tưởng niệm mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn và sự kính trọng đối với những người đã gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống, giúp chúng em thấy rõ hơn về giá trị tinh thần và sự phong phú của văn hóa quê hương.

Chuyến đi kết thúc, trong lòng chúng em là một kho tàng cảm xúc dạt dào, ngập tràn niềm tự hào. Chúng em đã nhận ra rằng, những di sản văn hóa và làng nghề truyền thống không chỉ là những ký ức quý giá, mà còn là biểu tượng của lòng kiên trì, nỗ lực và hy sinh của bao thế hệ đi trước. Những giá trị ấy không chỉ phản ánh lịch sử mà còn là niềm tự hào sâu sắc của dân tộc. Chuyến hành trình này đã thắp lên trong chúng em ngọn lửa cảm hứng, khiến chúng em không chỉ trân trọng những giá trị ấy mà còn hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy chúng. Đây là nhiệm vụ đầy ý nghĩa mà chúng em nhận thức rõ ràng: “Bảo vệ và phát triển di sản văn hóa là một trách nhiệm thiêng liêng đối với thế hệ trẻ hôm nay”./.

Tác giả: Tập thể lớp 10 Chuyên Anh 1

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *