Nhà văn Nga, M.Gorki từng tôn vinh: Sách làm cho khắp Trái Đất, khắp thế giới tràn ngập nỗi buồn nhớ cái tốt đẹp hơn, và mỗi cuốn sách dường như đều là tâm hồn được ghi lại trên giấy bằng những dấu hiệu và những từ ngữ…(…). Như những con chim kì diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về việc cuộc sống đa dạng và phong phú như thế nào, con người táo bạo như thế nào trong khát vọng đạt tới cái thiện và cái đẹp.           

Trong thời đại công nghệ số, chúng ta có nhiều công cụ để tiếp cận kiến thức nhưng sách vẫn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống. Một cuốn sách hay không chỉ đem đến cho người đọc những thông tin cần thiết, bổ ích mà còn như “chất xúc tác” rèn luyện tính kiên nhẫn, vốn ngôn ngữ, kĩ năng giao tiếp, trí tưởng tượng… giúp học sinh bồi dưỡng năng lực cảm thụ, suy ngẫm, tư duy độc lập và có những góc nhìn mới về cuộc sống.

Nhằm khẳng định tầm quan trọng của sách, tôn vinh đội ngũ sáng tác tỉnh nhà và thực hiện Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 26/3/2024 của UBND tỉnh Bình Định, Công văn số 873/SGDĐT-GDTrH về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, sáng ngày 21/4/2024, Tổ Ngữ văn và bộ phận Thư viện trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phối hợp cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định tổ chức buổi giao lưu văn học với chủ đề: Thắp lên tình yêu sách.

Khai mạc buổi tọa đàm, thầy giáo Phan Văn Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh ý nghĩa của sách đối với việc phát triển tri thức, tâm hồn và nhân cách con người; cần phải xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong học sinh, hướng tới một xã hội học tập.

Mở đầu chương trình, nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định giới thiệu về quá trình phát triển của Chi hội Văn học và gửi tặng cho nhà trường hơn 50 đầu sách.

Buổi giao lưu bắt đầu với nhà thơ Lệ Thu, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Bình Định, Nguyên đại biểu Quốc Hội, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, đồng thời cũng là một phóng viên chiến trường dày dạn nhiều lần đối mặt thời khắc sinh tử, nhà thơ đã bồi hồi xúc động khi kể lại những tháng ngày kháng chiến gian khổ. Tập sách Nhật kí nữ phóng viên chiến trường đầy ắp những tư liệu phi hư cấu về mảnh đất và con người Bình Định anh dũng, kiên cường.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhà văn, nhà giáo Phạm Hữu Hoàng và nhà văn, bác sĩ Triều La Vỹ chia sẻ cách nhìn mới mẻ, đầy nhân văn về lịch sử: Nhân vật lịch sử khi đi vào đời sống văn học càng lại gần với cuộc sống đời thường bao nhiêu càng dễ tạo nên xúc cảm nơi người đọc bấy nhiêu.

Phần ba của chương trình là những giao lưu thú vị với các tác giả trẻ tài năng của văn học Bình Định: Nhà văn Phạm Kim Sơn, nhà thơ Vân Phi, nhà thơ Trần Quốc Toàn và hai gương mặt nữ nhà thơ My Tiên và Mẫu Đơn (Cô giáo Nguyễn Đặng Thùy Trang). Các nhà thơ, nhà văn trẻ cũng đang tiếp nối và tạo nên tinh thần sáng tác văn học, xuất bản sách, thúc đẩy tình yêu sách nói chung và sách văn học nói riêng. Với những chia sẻ tâm huyết, các cây bút trẻ đã khơi gợi ở các em học sinh những cảm xúc và tình yêu mến đối với thơ văn trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Buổi ngoại khóa diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài nhưng thực sự chưa đủ để tìm hiểu về quá trình sáng tác của các nhà thơ, nhà văn tỉnh Bình Định. Sự kiện giao lưu văn học quan trọng này đã truyền đến học sinh những năng lượng tích cực, giúp các em có những suy ngẫm và hành động thiết thực của bản thân về việc giữ gìn và phát huy Văn hóa đọc của dân tộc; hiểu và trân trọng hơn quá trình lao động nghệ thuật, những tâm huyết tình cảm dành cho văn chương và con người Bình Định. Đây cũng là tư liệu quý cho học sinh chuyên Văn học tốt hơn các chủ đề, chuyên đề học tập của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tác giả: Cô Nguyễn Thị Lê Nghi, tổ Ngữ văn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *