Chương trình giáo dục 2018 môn Ngữ văn cấp THPT có nhiều thay đổi, gắn kết với thực tiễn. Trong đó có sự chú trọng với loại hình sân khấu, quan tâm nghệ thuật sân khấu truyền thống từ kịch bản văn học đến nghệ thuật diễn xướng, được phân bố trong cả ba khối lớp 10,11,12. Cả ba bộ sách giáo khoa Ngữ văn (Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo) dành cho học sinh cũng như Chuyên đề học tập bộ môn cho học sinh theo hướng KH xã hội đã dành một thời lượng đáng kể.
Sự đổi mới này đòi hỏi giáo viên và học sinh cần tăng cường trải nghiệm tìm hiểu sâu hơn vào các Tri thức Ngữ văn không chỉ trên sách vở mà cần gắn kết với thực tiễn. Vì chính thực tiễn mới giúp cả thầy và trò có thêm nguồn ngữ liệu sinh động, thêm yêu mến và gắn bó, phát huy được những giá trị truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy đi sản văn hóa tinh thần đặc sắc của cha ông ta.
Trên địa bàn tỉnh Bình Định, chúng ta may mắn có Nhà hát nghệ thuật truyền thống, với sự góp mặt của hai đoàn chuyên nghiệp: tuồng hát bội và dân ca kịch bài chòi. Không những vậy, ở một số địa phương trong tỉnh còn có các đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên, các hoạt động bài chòi dân gian. Đó chính là điều kiện rất thuận lợi để tạo cho thầy và trò tìm hiểu sâu hơn bài học, nâng cao chất lượng dạy và học. Thực tế từ khi triển khai chương trình giáo dục 2018 ở cấp THPT, đã có nhiều trường học chủ động liên hệ để tổ chức các hoạt động giao lưu, tìm hiểu, học tập nghệ thuật truyền thống. Chi hội sân khấu, Nhà hát truyền thống, đội ngũ nghệ sĩ tâm huyết của hai bộ môn hát bội và dân ca bài chòi đã đến với các trường học, có nhiều hình thức sinh hoạt phù hợp.
Tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tự hào là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng kế hoạch nối kết lâu dài với Chi hội sân khấu, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh, ngay từ năm đầu thực hiện dạy và học Chương trình GDTHPT 2018 và duy trì gắn kết đến nay. Cụ thể: chúng tôi đã đưa học sinh tham gia xem các vở diễn hát bội và dân ca kịch bài chòi tại sân khấu của Nhà hát, nhằm giúp các em tiếp cận và hình thành nhận thức, tình cảm với nghệ thuật sân khấu truyền thống:
– Xem vở tuồng “Khí tiết rạng trời Nam” (Nguyễn Trung Trực)
– Xem vở dân ca kịch bài chòi “Bộ cảnh phục”
– Xem vở tuồng đồ phục dựng nguyên bản “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”
– Xem vở tuồng “Thạch Sanh”
– Xem vở dân ca kịch bài chòi “Vụ án sau 20 năm”
Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã tổ chức được hai buổi giao lưu tại trường với chủ đề:
– Tìm hiểu nghệ thuật hát bội Bình Định
– Tìm hiểu bài chòi dân gian Bình Định
Học sinh các khối chuyên, khối KHXH và giáo viên đã được tìm hiểu sâu về những nét đặc sắc từ kịch bản đến vở diễn, được thị phạm bởi các nghệ sĩ gạo cội của tỉnh nhà, được tham gia trực tiếp trải nghiệm các hoạt động diễn xướng hát bội, bài chòi. Các em học sinh đặc biệt thích thú và được cuốn hút vào các tiết mục để hiểu sự phong phú, da dạng, sâu sắc của nghệ thuật sân khấu truyền thống tỉnh nhà. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh về nguồn, thăm Nhà thờ hậu tổ hát bội Đào Tấn tại Phước Lộc, Tuy Phước, tham gia hoạt động trong Liên hoan bài chòi và hát bội được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh.
Qua thực tiễn các năm học, từ phía nhà trường, chúng tôi có một số đề xuất và kiến nghị để thúc đẩy sự gắn kết giữa Nghệ thuật truyền thống với Nhà trường chặt chẽ, hiệu quả hơn:
1. Bổ sung nguồn ngữ liệu nghiên cứu
Hiện tại, chương trình GDPT 2018 môn Ngữ văn ở cấp THPT không dạy riêng biệt phần ca dao dân ca – một bộ phận quan trọng của Văn học dân gian (nội dung này học sinh được tiếp cận chủ yếu thông qua các bài học ở cấp Tiểu học và THCS), nhưng lại có phần Chuyên đề học tập Nghiên cứu một vấn đề văn học dân gian, có yêu cầu nghiên cứu chuyên sâu về ca dao – dân ca. Nội dung này về phía nhà trường có thể bổ sung trong nội dung giáo dục địa phương giới thiệu về bài chòi dân gian – di sản văn hóa phi vật thể. Để hiểu rõ về hình thức, nội dung sinh hoạt bài chòi dân gian: câu thai bài chòi, bài chòi lớp, các quân bài chòi… rất cần có sự hướng dẫn của đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân bài chòi của Nhà hát và của các địa phương trong tỉnh. Chuyên đề học tập 2 ở lớp 10 với yêu cầu Sân khấu hóa tác phẩm văn học, rất cần có những kịch bản sân khấu chuyển thể ngoài sách giáo khoa cũng như tìm hiểu sâu nghệ thuật diễn xướng, công việc đạo diễn, xây dựng kịch bản, lời thoại, diễn xuất… rất cần sự hỗ trợ của đội ngũ diễn viên của Nhà hát cũng như của các đoàn hát không chuyên, để học sinh được trải nghiệm và thực hành tạo dựng các kịch bản chuyển thể, hiểu được sâu hơn đặc trưng của từng nhân vật, lời thoại, hành động kịch. Từ đó, các em có thể xây dựng được những kịch bản tốt để tập luyện cũng như về lâu dài có thể phát hiện những em có năng khiếu viết kịch bản, đạo diễn…bổ sung nguồn cho nghệ thuật sân khấu trong tương lai. Chuyên đề học tập ở lớp 11 có nội dung Nghiên cứu một vấn đề của văn học trung đại Việt Nam, có thể khai thác ở các văn bản tuồng hát bội kinh điển của các bậc thầy Đào Duy Từ, Nguyễn Diêu, Đào Tấn để thông qua các đề tài thấy rõ những đặc trưng thi pháp trung đại, sự sáng tạo phá vỡ hệ thống quy phạm của văn chương trung đại ở thể loại tuồng hát bội.
2. Tăng cường giao lưu, trải nghiệm
Trong nội dung các chủ đề học tập của cả ba khối lớp 10, 11, 12 đều có các chủ đề, bài học liên quan đến nghệ thuật sân khấu. Trong đó, ở lớp 10 có chủ đề Kịch bản chèo và Tuồng, chủ yếu tập trung ở nội dung Tuồng đồ, vở tuồng kinh điển “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”. Thực tế khi dự giờ một số giáo viên, chúng tôi nhận thấy giáo viên và học sinh chưa khai thác hết những nét đặc sắc độc đáo trong các nội dung bài học được trích đoạn giảng dạy: Huyện Trìa xử án, Mắc mưu Thị Hến… Điều này một phần do giáo viên và học sinh chưa khai thác tốt nguồn tư liệu về vở diễn này trên nền tảng nghe nhìn Youtube với vở diễn của đoàn tuồng Liên khu V đã được giới thiệu, cũng như chỉ khai thác khía cạnh kịch bản này qua chuyển thể loại hình cải lương. Trong khi đó, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã phục dựng đầy đủ vở tuồng đồ đặc sắc này theo nguyên bản rất thành công. Tuy nhiên việc đem vở diễn này đến các trường phổ thông thì còn gặp nhiều khó khăn vì những lý do về kinh phí, về tổ chức phối hợp, về thời gian thực hiện. Riêng vở diễn này chúng tôi đề nghị cần phải được lưu diễn thường xuyên trong tỉnh hàng năm để giáo viên và học sinh có cơ hội tiếp xúc. Ngoài ra, phía Nhà hát cũng như các đoàn hát bội có thể nghiên cứu nội dung trích đoạn trong chương trình Ngữ văn THPT để có thể tổ chức hoạt động ngoại khóa giới thiệu cho các trường. Chúng tôi được biết hàng năm Nhà hát có các buổi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, nguồn kinh phí được hỗ trợ nhưng khi đặt vấn đề thì lại gặp khó khăn do chỉ hỗ trợ khi đoàn đi diễn ở huyện. Còn diễn để doanh thu thì phía nhà trường khó khăn trong việc huy động xã hội hóa vì những quy định tài chính ràng buộc. Vì vậy, chi hội sân khấu, các CLB, các đoàn hát nếu quan tâm và có sự phối hợp tốt thì có thể chủ động hơn đến với nhà trường biểu diễn, hoặc hướng dẫn cho học sinh tập để diễn trong các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa.
Bên cạnh đó, chương trình GD 2018 môn Ngữ văn ở lớp 11 và 12 vẫn có các chủ đề liên quan đến nghệ thuật sân khấu ở nội dung bi kịch (lớp 11) và hài kịch (lớp 12). Khi chúng tôi cho học sinh lên Nhà hát dự các buổi biểu diễn báo cáo các vở diễn hát bội và dân ca kịch bài chòi, các em rất hứng thú khi trực tiếp cảm nhận các tình huống bi, hài kịch diễn ra trên sân khấu. Để hiểu sâu hơn, giáo viên và học sinh cũng rất cần những buổi giao lưu, học hỏi với nghệ sĩ, diễn viên, các nhà nghiên cứu để nắm vững các yếu tố bi kịch, hài kịch thông qua các kịch bản tuồng hát bội cũng như dân ca kịch bài chòi.
3. Giáo dục tình yêu với nghệ thuật sân khấu truyền thống
Việc giáo dục nhận thức để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc qua việc học tập, tìm hiểu nghệ thuật sân khấu truyền thống cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ hai phía nhà trường và xã hội. Bộ môn Ngữ văn trong nhà trường chủ yếu thông qua hoạt động giảng dạy và trải nghiệm thực tế, bên cạnh đó có một phần nội dung thuộc chương trình Giáo dục địa phương. Chúng tôi đã có những cố gắng khi cho các em tham dự các hoạt động Liên hoan hát bội, bài chòi vừa qua nhưng cần tạo nhiều cơ hội hơn để các em có dịp tiếp cận. Một địa chỉ thường xuyên cho các em tham quan học tập là Nhà thờ hậu tổ hát bội Đào Tấn ở Phước Lộc, Tuy Phước (ở cánh Bắc Bình Định là đền thờ tổ hát bội Đào Duy Từ), nhưng khi học sinh đến nơi chủ yếu là xem hiện vật, di tích và nghe thuyết minh. Nên chăng, tại các địa điểm di tích này, cần tổ chức đội ngũ diễn viên cơ động để phục vụ các đoàn tham quan, học tập? Chỉ tính riêng các trường THPT trong toàn tỉnh đã tới hơn 50 trường, chưa kể các trường THCS trong toàn tỉnh cũng có nhu cầu tham quan học tập, việc được xem các tiết mục minh họa làm nên sức hấp dẫn, cuốn hút với học sinh. Có như vậy mới khơi dậy niềm ham thích, tình yêu và niềm tự hào của các em với nghệ thuật truyền thống. Điều này có thể minh chứng qua các đợt giao lưu tìm hiểu nghệ thuật hát bội, bài chòi và tham gia các hoạt động Liên hoan, đi thực tế của học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: sau các hoạt động học tập trải nghiệm, chính các em đã có nhiều bài thu hoạch đăng trên website nhà trường thể hiện tình yêu, niềm tự hào và khao khát tìm hiểu di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của quê hương Bình Định.
Chúng ta, những người có trách nhiệm, có sự quan tâm đến nghệ thuật hát bội, bài chòi cần chung tay vun đắp tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống cho các thế hệ học sinh, để gìn giữ và phát huy kho báu tinh thần cha ông để lại, vì một tương lai ngày càng phát triển rực rỡ hơn. Mong ước, khát vọng cần được biến thành hành động cụ thể, thành cơ chế chính sách để nâng tầm nghệ thuật sân khấu truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa vững bền, góp phần bồi đắp tâm hồn cho các thế hệ mai sau./.
Tác giả: Thầy Trần Hà Nam, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn