Hơn bao giờ hết, những vấn đề liên quan đến tâm lý học đường luôn là điểm nóng, tạo ra nhiều áp lực, căng thẳng không chỉ đối với người học mà còn ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục của nhà trường. Các vấn đề như trầm cảm, lo âu, bạo lực học đường, căng thẳng trong học tập, áp lực thi cử xuất hiện ngày càng nhiều không chỉ ở nhóm học sinh đô thị mà còn xuất hiện ở cả những học sinh vùng xa xôi, miền núi, hải đảo. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên như do chương trình học khiến các em thấy nặng nề, áp lực thi cử, sự kỳ vọng của cha mẹ, mâu thuẫn giữa bạn bè, bất đồng với thầy cô, hay chỉ đơn giản là sự thay đổi tâm lý tuổi mới lớn khiến các em có những hành vi và suy nghĩ sai lệch, không phù hợp với lối sống đạo đức, văn hóa.
Để hạn chế những tác động xấu của những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt hoạt động tư vấn học đường cho học sinh, trong đó nhấn mạnh vai trò nóng cốt của đội ngũ lãnh đạo quản lý nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên kiêm nhiệm phụ trách tư vấn tâm lý học đường.
Nhằm giúp đội ngũ nhà giáo có thêm công cụ để thực hiện ngày càng tốt hơn hoạt động tư vấn tâm lý học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với tổ chức UNICEF biên soạn Sổ tay hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, nhằm cung cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn học đường những kiến thức, kỹ năng trong tư vấn tâm lý, qua đó giúp giáo viên làm tốt hơn công tác phòng ngừa, tư vấn tâm lý cho các em học sinh, giúp các em vượt qua những khó khăn tâm lý của mình để quay trở học đường với sức khỏe tinh thần lành mạnh và tốt đẹp nhất.
Trân trọng cảm ơn tổ chức UNICEF đã hỗ trợ, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cuốn Sổ tay này, cảm ơn nhóm chuyên gia đến từ Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham gia biên soạn cuốn Sổ tay này.
Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên,
Bộ Giáo dục và Đào tạo