Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ngoài việc học tập các bộ môn văn hóa, học sinh phổ thông còn có điều kiện tiếp cận với nhiều nội dung và hình thức học tập mới mẻ. Trong đó, nội dung sinh hoạt dưới cờ trong môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một môn học bổ ích bao gồm rất nhiều hoạt động nhằm phát triển kỹ năng, định hướng nghề nghiệp và nâng cao nhận thức cho học sinh gắn liền với việc học tập những chủ đề cụ thể, gần gũi, thiết thực với cuộc sống hàng ngày của các em.
Tiếp nối chủ đề tháng 11, phần nội dung sinh hoạt dưới cờ tháng 12 của khối 11 sẽ xoay quanh chủ điểm: “Bảo vệ môi trường, tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên” do ba lớp 11 chuyên Anh, 11 chuyên Toán, 11 chuyên Văn thực hiện. Đây là cơ hội để các bạn học sinh cùng tham gia các hoạt động thiết thực và ý nghĩa, góp phần xây dựng một tương lai xanh, sạch đẹp với thông điệp “Hãy hành động vì môi trường – Bảo vệ Trái Đất”.
Mở đầu chương trình là tiết mục đơn ca đến từ bạn Nguyên Trinh – lớp 11A với ca khúc “Nơi đảo xa”. Bài hát với giai điệu du dương đã thể hiện sự hòa quyện tinh tế giữa tình yêu thiên nhiên và lòng yêu nước. Với giọng hát trong trẻo, đầy cảm xúc, bạn đã mang đến một hình ảnh sống động về những người lính nơi đầu sóng ngọn gió – những người không chỉ canh giữ biên cương mà còn là những “người con” bảo vệ thiên nhiên biển đảo của Tổ quốc. Khi tiếng nhạc vang lên, tất cả thầy cô giáo và học sinh như lắng đọng trước hình ảnh biển khơi được gợi tả qua lời ca. Bạn Nguyên Trinh đã truyền tải trọn vẹn tinh thần kiên cường và sự gắn bó sâu sắc của con người với thiên nhiên. Giọng hát ngọt ngào kết hợp với ánh mắt tràn đầy nhiệt huyết đã khiến khán giả cảm nhận được tình yêu mãnh liệt dành cho đất nước, cũng như sự trân quý trước vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là một bài hát, tiết mục trên còn như một lời nhắn nhủ, rằng bảo vệ môi trường thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là biểu hiện của lòng yêu nước.
Tiếp đến, lớp 11 Toán đảm nhiệm sân khấu với một tiểu phẩm về môi trường, mang tên “Khi Trái Đất không còn khoẻ mạnh”. Tiểu phẩm “Khi Trái Đất không còn khoẻ mạnh” là một trong những điểm nhấn đặc biệt của chương trình ngoại khóa, mang đến thông điệp sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua cách thể hiện hài hước, sáng tạo và gần gũi.
Nội dung tiểu phẩm xoay quanh cuộc hội thoại giữa Trái Đất – nhân vật trung tâm đang rơi vào tình trạng “ốm yếu” do sự tàn phá của con người, cùng với các đại diện trong hệ Mặt Trời như Sao Kim, Sao Thuỷ, Sao Hoả, Mặt Trăng,… Từng nhân vật lên tiếng chia sẻ về nỗi đau của Trái Đất, con người lúc bấy giờ đứng ở vai trò phản diện, là nguyên nhân trực tiếp làm cho Trái Đất ngày càng suy tàn. Cao trào của câu chuyện là khi các hành tinh đề nghị cho thiên thạch rơi xuống để diệt vong loài người để Trái Đất khoẻ mạnh trở lại. Song, Trái Đất đã lên tiếng vì vẫn còn phần lớn những người vẫn đang cố gắng để bảo vệ môi trường, từ các ông bà, cô chú, anh chị, đến các bạn học sinh nhỏ tuổi. Kết thúc tiểu phẩm là hình ảnh Trái Đất “khỏe mạnh” trở lại, rạng rỡ trong vòng tay của mọi người – một thông điệp đầy lạc quan rằng hành động hôm nay sẽ quyết định tương lai của hành tinh. Với lời thoại hóm hỉnh, diễn xuất tự nhiên và các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng sống động, tiểu phẩm không chỉ làm khán giả bật cười mà còn để lại trong lòng họ những suy ngẫm sâu sắc về trách nhiệm cá nhân với môi trường.
Kết hợp thực hiên chủ điểm ngoại khóa, tập thể 11 chuyên Văn lồng ghép ôn lại truyền thống 80 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024).
Chương trình bắt đầu bằng phần giới thiệu do hai bạn dẫn chương trình Xuân Thanh và Đức Toàn thực hiện. Lời dẫn dẫn dắt người nghe đến với hình ảnh thân thương của “Bộ đội Cụ Hồ”, gắn liền với niềm tự hào về quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam. Trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà văn Lady Borton đã khắc họa rõ nét sự gắn bó giữa quân đội và nhân dân ta.
Các câu hỏi lịch sử được lồng ghép xuyên suốt chương trình, tạo không khí sôi động và tương tác, những câu trả lời đúng sẽ nhận được một phần quà, làm tăng sự hứng thú của các bạn học sinh khi tham gia vào trò chơi. Một khoảnh khắc lắng đọng của chương trình là phần dẫn lời bài thơ “Những người đi tới biển” của nhà thơ Thanh Thảo:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
Qua những vần thơ bi tráng, hình ảnh người chiến sĩ trẻ tuổi sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cao đẹp được tái hiện đầy cảm xúc. Những đoạn nhạc về lòng yêu Tổ quốc hào hùng được đan cài khéo léo giữa từng câu hỏi, đã làm tăng thêm không khí trang nghiêm và xúc động. Qua lời dẫn, hình ảnh về các chiến công vẻ vang như Ấp Bắc, Vạn Tường, Điện Biên Phủ trên không (1972) hay Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975) được tái hiện sống động, khiến khán giả cảm nhận được khí phách anh hùng của quân đội Việt Nam qua từng giai đoạn.
Chương trình ngoại khoá khép lại bằng lời tri ân và ca ngợi sâu sắc dành cho các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng và những người lính đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Lời kêu gọi “Hãy sống có lý tưởng, có trách nhiệm với quê hương, đất nước” là thông điệp đầy ý nghĩa, khơi dậy tinh thần yêu nước trong mỗi học sinh.
Buổi ngoại khóa với hai nội dung: Bảo vệ môi trường và ôn lại kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khép lại trọn vẹn với nhiều cảm xúc. Qua tiểu phẩm ý nghĩa, các bạn học sinh được nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, trong khi phần ôn lại truyền thống lịch sử đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc. Chương trình không chỉ là dịp học hỏi mà còn là lời nhắc nhở sống trách nhiệm với môi trường, quê hương và Tổ quốc.
Tác giả: Bùi Thanh Nhàn, học sinh lớp 11 chuyên Ngữ văn – VK25
Bài viết rất hay và ý nghĩa