Ngày 19/4/2023, các lớp 10 chuyên Ngữ Văn, Toán, Sinh học đã có dịp được tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng Bình Định theo kế hoạch dưới sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn Lịch sử – thầy Nguyễn Văn Cường cùng nhân viên bảo tàng.

Dưới ánh nắng chiều ấm áp cùng từng làn gió biển mát rượi, trong ánh mắt chúng tôi đều tràn ngập niềm háo hức, mong chờ được trực tiếp quan sát, ngắm nhìn những hiện vật cổ xưa, những nét đặc trưng mang dáng dấp lịch sử nghìn đời.

Theo chân cô hướng dẫn viên, chúng tôi lần lượt được tham quan và nghe thuyết minh về năm căn phòng với hơn 1000 hiện vật, tài liệu được trưng bày theo năm chủ đề chính: “Đất nước con người”, “kháng chiến chống Pháp”, “kháng chiến chống Mĩ”, “văn hóa Chăm”, “Bác Hồ với Bình Định”. Ngoài ra còn có các hiện vật trưng bày ở khuôn viên bên ngoài đầy hấp dẫn, thu hút. Tất cả đều tái hiện toàn bộ dòng chảy lịch sử từ thời các vương triều người Chăm-pa cho đến ngày nay.

Tại nơi đây, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những nét đặc trưng về thiên nhiên màu mỡ, trù phú của quê hương; tư liệu đặc sắc về di sản văn hóa phi vật thể Hát Bội; trang phục, dụng cụ sinh hoạt của các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Bình Định. Đặc biệt, những sản phẩm gốm, những bức phù điêu, tượng đá và câu chuyện về các vị thần linh trong nền văn minh Chăm-pa là điều khiến chúng tôi ấn tượng hơn cả. Các công trình “Chim thần Garuda diệt rắn”, “thần Brama”, “thần Siva”, “nữ thần Mahishasuramardini”, “thần Hộ pháp Bvarapapl”… được điêu khắc, chế tác công phu, tinh xảo đã thể hiện rõ nét tư duy thẩm mĩ và sự sáng tạo đáng nể phục của cư dân Chăm-pa thời bấy giờ. Mỗi vị thần, mỗi câu chuyện đều đại diện cho đức tin, sự tôn sùng và cách lí giải về hiện tượng tự nhiên, đời sống của người Chăm. Hơn thế nữa, đoàn học sinh chúng tôi còn được ngắm nhìn, thả tâm tư mình về với năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc qua các lá cờ bám đầy khói lửa, cờ tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiếc xe tăng, đại bác, kỉ vật của những anh hùng đã hy sinh, hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng, và cả những tấm huy chương rực sáng. Ngoài ra, hình ảnh về vị lãnh tụ kính yêu cùng hàng loạt tư liệu về Người làm chúng tôi thêm xao xuyến, bồi hồi.

Lần lượt trải qua năm căn phòng, chúng tôi như được sống cùng những phút giây lịch sử, thấm thía hơn nét đẹp, đau thương, hào hùng của quá khứ. Đây cũng là dịp để chúng tôi học hỏi, trau dồi hiểu biết, yêu hơn mảnh đất đã “hoài thai” nên mình. Và quan trọng rằng, bằng chuyến đi thực tế này, quá trình học tập, tiếp cận lịch sử của chúng tôi đã trở nên thú vị, trực quan, hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Hy vọng rằng trong khoảng thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ có được những chuyến đi với trải nghiệm thú vị hơn nữa, không chỉ vì được tiếp cận thêm nhiều kiến thức mới mà còn gia tăng tinh thần dân tộc và lòng yêu quê hương đất nước của mỗi người chúng tôi!

Nguyễn Thị Sông Tuyền – học sinh lớp 10 chuyên Ngữ văn

Em cảm thấy rất vui vì có cơ hội tham quan trải nghiệm ở bảo tàng Bình Định. Chuyến đi này đã giúp em thoả lòng đam mê tìm hiểu kiến thức về lịch sử, văn hoá, con người không chỉ qua sách vở mà còn qua những cảm nhận thực tế. Kho tàng lịch sử Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung thật đa dạng phong phú. Em thấy thật cảm phục trước sự khéo léo của các nghệ nhân thời xưa và biết ơn các nhà khoa học, các cô chú làm việc tại Bảo tàng đã phục dựng các hiện vật lịch sử để chúng em có thể đến tham quan và có một buổi học tập thật bổ ích như ngày hôm nay.

Nguyễn Huỳnh Linh Thư – học sinh lớp 10 chuyên Toán

Qua chuyến tham quan và học tập Lịch sử tại Bảo tàng Bình Định, điều mà chúng em cảm nhận sâu sắc nhất có lẽ không đâu khác chính là niềm tự hào dân tộc và cảm khái trước những chiến tích mà các anh hùng dân tộc đã để lại. Và chỉ khi bước vào viện bảo tàng của tỉnh mình mới biết được rằng hóa ra còn nhiều điều mà mình vẫn chưa tường tận về nơi mà mình đang sinh sống. Sau khi dạo quanh một vòng bảo tàng, theo quan sát và cảm nhận của bản thân em nhận ra có lẽ phòng “văn hóa Chăm” là nơi thu hút và để lại cho chúng em nhiều điều thích thú nhất. Bởi xuyên suốt quá trình tham quan, nhờ có sự chỉ dẫn tận tình của cô hướng dẫn viên với những câu chuyện kể ly kì “Vì sao lại có tượng thần này? Nó được tạo ra do đâu?…” khiến chúng em không khỏi bị cuốn vào những lời kể có sức hút mạnh mẽ ấy. Và lý do đặc biệt hơn nữa là vì phòng ‘văn hóa Chăm’ là nơi thể hiện rõ nhất những nét đa dạng và phong phú về văn hóa, tín ngưỡng,… từ lâu đời của cư dân Bình Định.

Vì thế, chuyến đi không chỉ giúp chúng em thu thập được những tài liệu học tập quý giá với tính xác thực cao mà nó còn là một cơ hội đưa chúng em tiếp cận gần hơn và sâu sắc hơn đối với những nét văn hóa, truyền thống của dân tộc!

Nguyễn Ngọc Như Ngân – học sinh lớp 10 chuyên Ngữ văn

Chuyến đi tham quan học tập Lịch sử tại Bảo tàng Bình Định rất ý nghĩa với chúng em! Được tận mắt nhìn thấy những hiện vật làm khơi gợi trong em sự tò mò về nguồn gốc và những câu chuyện của chúng. Sau chuyến đi này, em cảm thấy rất tự hào về quê hương mình – Đất Võ Bình Định, bởi nơi đây quy tụ những tinh hoa nghệ thuật và những di sản văn hoá vô cùng giá trị có từ thời văn minh Đại Việt như hát tuồng, hát bội, võ cổ truyền…  Bên cạnh đó,  những bức phù điêu, những bức tượng cổ của văn minh Chăm-pa với những đường nét vô cùng tinh xảo, uyển chuyển, độc đáo làm em vô cùng ấn tượng và ngưỡng mộ về sự khéo léo  của người xưa. Chuyến đi này đã đem lại cho em nhiều kiến thức lịch sử hơn, cách học lịch sử này vô cùng thực tế và thú vị, giúp em có thể vẽ lên một bức tranh sinh động hơn về lịch sử dân tộc.

Võ Hồng Bích Duyên – học sinh lớp 10 chuyên Sinh học

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *