Có ai đó đã từng nói:“Mỗi làng nghề là một cuốn sách quý về văn hóa, con người và lịch sử của quê hương”. Thật vậy, khi nhắc đến các làng nghề truyền thống, ta nghĩ ngay đến những giá trị văn hóa và tinh thần mà người dân gìn giữ qua nhiều thế hệ. Là một học sinh đến từ lớp 10 Chuyên Sử, trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Em rất vinh hạnh vì đã được tham gia vào hành trình học tập, tham quan, trải nghiệm tuyệt vời này cùng với các bạn thân yêu. Chúng em đã rất háo hức, xen lẫn niềm tự hào khi được tham gia chuyến học tập, tham quan, trải nghiệm khám phá quê hương Bình Định. Chuyến đi này chúng em được tham quan 3 địa điểm mang đậm những nét văn hóa sâu sắc của quê hương Bình Định: làng bún Song Thằn, làng nón ngựa Phú Gia và cuối cùng là từ đường Đào Tấn. Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng em hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa độc đáo của mảnh đất mình đang sống, trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, đồng thời gắn kết tình cảm bạn bè trong lớp.
Làng nghề bún song thằn ( An Thái, An Nhơn)
Địa điểm đầu tiên mà chúng em được ghé thăm đó là làng nghề bún song thằn nằm bên cạnh sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn 34km. Bún song thằn làng An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) được người dân sành ẩm thực trong và ngoài tỉnh, cả nước biết đến. Sản phẩm này đã nổi danh từ hơn 200 năm trước.
Làng nghề bún song thằn làng An Thái chính là thủ phủ của huyện Tuy Viễn xưa, tại đây người Minh Hương cư ngụ và sản xuất rất đông đúc. Nhờ vị trí thuận lợi nằm ở hữu ngạn của sông Côn nên các loại ghe bầu từ cảng Gò Bồi, cảng nước Mặn hay đầm Thi Nại lên buôn bán rất tấp nập và trở thành một vùng thị tứ sầm uất. Chạy dọc khu vực thị tứ An Thái và Sông Côn có những cái cát vàng rộng, nước sông trong ngần nên rất thích hợp để làm bún và bánh tráng, chính vì vậy các cơ sở sản xuất bún đã được xây dựng trên những bãi cát này, chủ yếu là lán trại bởi chỉ làm bún được vào mùa nắng còn mùa mưa thì không làm được.
Tên gọi bún song thằn bắt nguồn từ cách làm bún. Khi sản xuất bún, người thợ thường bắt những sợi bún thành từng đôi một với chiều dài nhất định trông như những sợi dây (“hai”: song; “dây”: thằn). Bún song thằn được được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, không pha trộn với cất cứ loại bột nào khác, không sử dụng chất phụ gia vì thế mà bún có hương vị thơm ngon, mang giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe.
Chuyến tham quan không chỉ giúp em hiểu thêm về những công đoạn tỉ mỉ trong việc làm bún mà còn làm sâu sắc hơn sự trân trọng dành cho những con người lặng thầm gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống và khơi dậy trong chúng em một ý thức mạnh mẽ hơn bao giờ hết về trách nhiệm bảo tồn bản sắc quê hương – một giá trị cần được nâng niu, giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Làng nón ngựa Phú Gia (Cát Tường, Phù Cát)
Địa điểm tiếp theo mà chúng em được ghé thăm đó chính là làng nón ngựa Phú Gia thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Giữa nhịp sống hối hả của thành thị, làng nón ngựa Phú Gia tồn tại với gần 400 năm tuổi nghề chính là tạo ra những chiếc nón ngựa độc đáo.
Đây là nơi trưng bày và làm ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Em đã được chứng kiến thấy các nghệ nhân tỉ mỉ từng công đoạn, chi tiết và dành hết những tình yêu thương mà họ dành nghề để làm ra một chiếc nón lá xinh xắn với biết bao nhiêu thế hệ cha ông ta.
Mỗi chiếc nón là một tác phẩm nghệ thuật được thêu hoa văn tỉ mỉ, tất cả đều do bàn tay tài hoa của nghệ nhân lành nghề sáng tạo nên mà không cần bản vẽ trước. Nón ngựa Phú Gia có kết cấu vô cùng bền chắc, nón được kết thành 10 lớp nguyên liệu làm nón chính là lá kè, ống giang, rễ dứa không chỉ bền đẹp mà còn có thể sử dụng đến hàng trăm năm. Có thể thấy, nhờ tinh thần lao động kiên trì và sự gắn kết giữa các thế hệ mà họ đã bảo tồn và phát triển bền vững nghề làm nón ngựa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, cũng như thúc đẩy du lịch và quảng bá văn hóa của nước Việt đến với bạn bè quốc tế.
Khi nhìn thấy những chiếc nón ngựa hoàn thiện, chúng em không khỏi ngưỡng mộ tài năng và tâm huyết của người thợ. Những chiếc nón không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là biểu tượng của văn hóa và lịch sử, mang trong mình những câu chuyện về quá khứ hào hùng của làng nghề truyền thống của địa phương Bình Định.
Từ đường Đào Tấn
Địa điểm cuối cùng trong chuyến đi này chính là từ đường Đào Tấn (Tuy Phước). Đào Tấn (1845 – 1907), là một danh sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XIX. Đào Tấn không chỉ là nhà soạn tuồng lỗi lạc mà ông còn là một đạo diễn nhiệt thành với nghệ thuật hát bội. Nhờ ông, hát bội Bình Định có một thời cực thịnh. Ông cùng với Đào Duy Từ được giới nghệ sĩ hát bội Bình Định tôn là Tổ nghề.
Sinh thời, Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn tuồng hát bội. Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp tuồng. Suốt thời gian làm quan, ông vừa làm quan vừa soạn tuồng, cống hiến cho nghệ thuật tuồng, hàng chục vở tuồng, những vở còn diễn đến ngày nay là Tam nữ đồ vương, San Hậu, Đào Phi Phụng…
Chúng em xin chân thành cảm ơn Ban giám Hiệu trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, GVCN – cô Nguyễn Thị Hoa cũng là GVBM Giáo dục địa phương, cảm ơn quý bậc phụ huynh đã tạo điều kiện, luôn đồng hành cho chúng em có cơ hội tham gia hành trình học tập, tham quan, trải nghiệm tuyệt vời này.
Chuyến đi này đã mang lại cho chúng em thêm những kiến thức mới sâu rộng về quê hương của mình hơn. Bình Định không chỉ là nơi mà em được sinh ra và lớn lên nó còn là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc, những lễ hội truyền thống, nghệ thuật đặc sắc và đa dạng. Chuyến đi này rất ý nghĩa và còn là những kỉ niệm mà chúng em không bao giờ quên. Đây là dịp để chúng em học hỏi và trải nghiệm, mà còn là khoảng thời gian quý báu để chúng em cùng nhau vui vẻ, tạo dựng những kỷ niệm tuyệt vời. Bình Định không chỉ là nơi em sinh ra mà còn là một bức tranh văn hóa sống động, nơi mà mỗi người dân đều mang trong mình một phần lịch sử và bản sắc riêng. Những ký ức này sẽ luôn là hành trang quý giá trong hành trình học tập và trưởng thành trong hành trang của ký ức tuổi thanh xuân chúng em.
Tác giả: Tập thể lớp 10 chuyên Sử