Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn.

Cái tên này đã từng rất xa vời trong tâm trí tôi. Trong thế giới của một đứa trẻ ở cấp trung học cơ sở, chuyên Lê là một ngôi trường danh giá lắm, cao xa lắm, cỡ như Havard hay Oxford mà tôi vẫn thường nghe các anh chị nhắc đến. Cũng vì thế, trong những tháng năm vùi đầu vào ôn luyện, tôi vẫn luôn ôm trong mình niềm mơ ước được một lần bước chân vào ngôi trường ấy. Không phải với tư cách nào khác, mà là học sinh của trường.

Và khi tên mình được viết trong danh sách trúng tuyển của Lê, lần đầu tiên, tôi biết được cảm giác khóc vì hạnh phúc. Niềm vui len lỏi trong từng tế bào da thịt, và sự sung sướng dường như đang nhảy múa trong từng mạch máu chảy trôi. Nước mắt lăn dài, nhưng khóe môi tôi lại không giấu nổi nụ cười. Chuyên Lê Quý Đôn không còn là “ngôi trường của các anh chị học giỏi” như trước đây tôi thường gọi, mà là “ngôi trường của tôi” sau này.

Thế nhưng qua một năm học, những hạt mầm hạnh phúc khi ấy đã bị tôi đánh rơi từ lúc nào.

Hình như qua mỗi lần gục đầu trên bàn học vì thiếu ngủ, mấy hạt đã rơi xuống trang vở chi chít chữ của tôi. Để rồi chúng chết đi, héo tàn ngay cả khi còn chưa hóa thành một mầm cây.

Hình như khi nhận ra một ngày của mình chỉ gói gọn ở những việc học, vài hạt đã chán chường bỏ trốn. Chúng chẳng mang tôi theo, để tôi ở lại một mình.

Hình như vào những phút vấp ngã, rất nhiều hạt đã trôi tuột đi theo nước mắt trên gò má. Số lần tôi nghĩ đến hai tiếng “từ bỏ” đã không còn đếm được trên đầu ngón tay.

Trường Lê mơ ước của tôi, từ khi nào đã hóa thành mệt nhoài và áp lực.”

Tôi thức giấc lúc ba giờ sáng, khi mà còn hai giờ đồng hồ nữa tiếng chuông báo thức quen thuộc mới rung lên. Kỳ lạ rằng sự uể oải ngày thường biến đâu mất, dù đêm qua tôi chỉ ngủ khi kim giờ dừng ở số mười hai. Tôi lại bắt đầu một ngày như mọi ngày, nhưng sớm hơn một chút. Và khi bước chân ra khỏi nhà, đồng hồ chỉ mới chuyển sang số sáu.

Hôm ấy là ngày khai giảng.

Vì đã có hẹn từ trước, khi buổi lễ kết thúc, tôi cùng lớp tìm đến gặp các em nhỏ cùng chung một đam mê với văn chương. Lớp mười văn bây giờ không còn là lớp chúng tôi, thay vào đó, những gương mặt rạng ngời khác đã thế chỗ. Những em nhỏ mạnh dạn làm quen chúng tôi, chụp hình chung, sau đó là những câu hỏi thắc mắc về ngôi trường và học tập. Các bạn nhỏ còn ngại ngùng thì chỉ hỏi xin cách liên lạc, rồi mỉm cười. Những nụ cười ngây ngô, trong sáng, chân thuần nhất tôi từng thấy.

“Em thực sự rất hạnh phúc vì đã đậu vào Lê” – tôi nhớ có một em đã nói như thế.

Và trong khoảnh khắc, tôi bỗng lặng người đi. Chợt nhận ra ngày này năm ngoái, bản thân tôi cũng từng như thế. Hôm ấy nắng tươi rói như nụ cười em nhỏ, tung tẩy vui đùa trên những nhành cây. Gió đung đưa khúc ca yên bình, lại nghịch ngợm thổi bay những tà áo trắng. Dường như trời cao luôn ưu ái cho ngày tựu trường của học sinh.

Ngày hôm ấy,

Đã có một “tôi” lần đầu khoác lên mình chiếc áo dài nữ sinh, hồi hộp bước vào ngôi trường mình mơ ước. Dù là ngày tôi bước vào lớp một hay lớp mười, mẹ tôi vẫn luôn ở phía sau, cẩn thận chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ trong đời con gái của mẹ.

Đã có một “tôi” ngắm nghía tượng cụ Lê Quý Đôn, dạo qua hàng cây được trồng đều tăm tắp ở vườn trường, rồi trầm trồ trước khuôn viên xanh mướt mắt. Không cần cầu kì, xa hoa, ngôi trường mới của tôi giản dị mà xinh đẹp, để lại cho tôi sự yêu quý lạ kỳ.

Đã có một “tôi” lướt qua chiếc bảng vàng khắc ghi tên những anh chị đi trước, đọc kĩ từng tên một với sự trân trọng vô cùng. Để rồi tôi tự hỏi, liệu trong tương lai mình có thể trở thành một người giỏi đến thế chăng?

Đã có một “tôi” như thế. Một đứa trẻ với trái tim hừng hực nhiệt huyết và khát khao. Một đứa trẻ với niềm hạnh phúc và tự hào chảy tràn ra nơi khóe mắt. Một đứa trẻ đang tự tay gieo những hạt mầm tươi xanh nhất cho con đường tương lai của mình.

Sau một năm, đứa trẻ đã lớn. Trái tim không còn cháy bỏng ngọn lửa thuở ban đầu, mà đã hóa thành những đốm lửa nhỏ lặng yên, nhưng bền bỉ. Đôi mắt đã chẳng còn niềm hạnh phúc chứa chan, mà trở nên dịu dàng như những ngày gió lặng.

Trên từng bước đi, đứa trẻ ấy nhận ra, những hạt giống năm xưa được gieo xuống vẫn chưa hề mất đi. Chúng đang nảy mầm. Những mầm non mạnh mẽ đâm toạc mặt đất cứng rắn để vươn lên. Chúng dùng nước mắt của đứa trẻ trong những phút vấp ngã để nuôi lớn bản thân.

Và giờ đây, có lẽ người ta không gọi là “đứa trẻ” nữa. Vì đứa trẻ nào cũng sẽ lớn. Vì mầm non sẽ hóa cây xanh. Vì tất cả rồi sẽ đổi thay. Chỉ có những cảm xúc chân thành nhất vẫn luôn tròn đầy, vẹn nguyên nơi ngực trái.

Lê Quý Đôn của tôi.

Tác giả: Hồ Nguyệt Linh, học sinh lớp 11V

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *