Tại một số trường trung học phổ thông và đại học, duy trì thói quen đọc sách cho học sinh, sinh viên thông qua các câu lạc bộ là cách làm hiệu quả. Các câu lạc bộ đã đa dạng hóa hoạt động liên quan đến sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong học đường.
Nhiều cách tiếp cận
Sách không chỉ để đọc mà còn để cảm nhận. Vì vậy, nhiều CLB đã sáng tạo những cách làm hay để các thành viên tiếp cận sách ở nhiều góc độ khác nhau.
Thành lập vào tháng 2.2022 với 26 thành viên, CLB Nhà F – Sách và đọc (Trường THPT FPT Quy Nhơn) ưu tiên việc đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu sách bằng nhiều cách khác nhau: Hóa trang thành nhân vật trong tác phẩm, tổ chức minigame đoán câu nói nổi tiếng của nhân vật, gặp mặt chia sẻ nội dung tác phẩm văn học, tổ chức workshop gặp gỡ một số diễn giả…
Em Đinh Lê Quý Phương (học sinh lớp 12A2, Chủ nhiệm CLB) cho biết: Dự kiến vào tháng 12 tới, nhà trường sẽ tổ chức tuần lễ sách và hoạt động phát triển văn hóa đọc. Để hưởng ứng sự kiện trên, CLB đang lên kế hoạch tổ chức cuộc thi tranh biện, cảm nhận sách, sân khấu hóa các trích đoạn nổi tiếng… Những cách này giúp việc tiếp cận sách thêm thú vị và mang tính gợi mở nhiều hơn cho các thành viên”.
Không chỉ tìm hiểu nội dung, một số CLB còn gắn sách với các hoạt động hướng về cộng đồng như đổi sách lấy sen đá, đổi giấy vụn lấy sách, tặng sách cho người có hoàn cảnh khó khăn…
Duy trì hoạt động thường niên là quyên góp tặng sách từ năm 2022, LQĐ’s Bookaholics Club (CLB yêu sách – Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) xem đây là hoạt động ý nghĩa để lan tỏa văn hóa đọc. Em Nguyễn Tú Linh (học sinh lớp 12 Lý, Chủ nhiệm CLB) cho hay: “Sau năm đầu tiên tặng sách cho học sinh ở xã đảo Nhơn Châu, tháng 9 vừa qua, CLB đã quyên góp hơn 100 quyển sách cho Vườn tái chế (thuộc Chi hội khuyết tật Nguyễn Nga). Mọi quyển sách được trao đi đều được chúng em phân loại và chọn lọc kỹ lưỡng”.
Với sự phát triển của công nghệ số, sách điện tử được giới trẻ quan tâm, các CLB sách chú trọng tạo diễn đàn để các thành viên chia sẻ quan điểm, suy nghĩ về loại hình này; giới thiệu link sách điện tử trên mạng xã hội để mọi người cùng đọc. Song song với đó, một số CLB đã triển khai thêm hình thức mượn sách ở thư viện trường bằng cách đăng ký online.
Bạn Nguyễn Huỳnh Anh Quốc (sinh viên lớp Sư phạm Anh K44E, Trường ĐH Quy Nhơn, Chủ nhiệm CLB Sách và hành động) phấn khởi nói: “Cách làm này giúp CLB dễ dàng quản lý thông tin người mượn sách, tiết kiệm thời gian cho người mượn. Từ lúc triển khai việc đăng ký online, các bạn mượn sách về đọc nhiều hơn trước. Việc đơn giản hóa thủ tục mượn sách là bước đầu tiên để sinh viên chăm đọc hơn, từ đó tạo thói quen đọc sách”.
Bổ ích, nhiều niềm vui
Tổ chức những cuộc gặp mặt trong lẫn ngoài trường học, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của thành viên để cân đối, dung hòa và tổ chức hoạt động phù hợp, các CLB sách ngày càng gần gũi với lứa tuổi thanh thiếu niên. Số lượng thành viên nhờ đó ngày càng tăng.
Về phía học sinh, sinh viên, việc tìm được môi trường tích cực để đọc và nghiên cứu đã giúp các bạn hình thành thói quen tốt, như nhớ tên đầy đủ của sách và tác giả cùng một số nội dung chính của từng chương để tiện giới thiệu cho bạn bè. Khả năng tập trung, nắm bắt vấn đề cốt lõi cũng được nâng cao.
Chăm chú trao đổi nội dung quyển sách dạy kỹ năng sống trên tay, bạn Nguyễn Thị Tuyết Hân (sinh viên lớp Tài chính – Ngân hàng K46B, Trường ĐH Quy Nhơn, thành viên CLB Sách và hành động) bật mí: “Nhờ tham gia CLB, tôi biết thêm một số thể loại sách mới, có động lực đọc những tác phẩm trước đây chưa có ý định tìm hiểu. Điều này giúp tôi khám phá thêm nhiều khía cạnh thú vị của chúng”.
Môi trường CLB với những người bạn đồng trang lứa cũng là nơi học sinh, sinh viên thoải mái trải nghiệm. Thu hoạch lớn nhất của các bạn sau mỗi hoạt động không chỉ là hiểu biết về sách mà còn là niềm vui, những kỷ niệm đẹp.
Là một trong những thành viên tích cực đóng góp sách và tham gia chuyến tặng sách tại Vườn tái chế, em Võ Phương Cát (học sinh lớp 11A1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) tâm sự: “Bên cạnh lan tỏa văn hóa đọc, việc CLB tổ chức hoạt động hướng về cộng đồng giúp các thành viên thêm gắn bó với CLB. Nhờ lần ghé thăm và trao tặng sách ấy, em thêm hiểu khó khăn của các anh chị khuyết tật. Cũng từ đó, em tập thói quen giữ gìn sách cẩn thận để tiếp tục tham gia hoạt động quyên góp sách vào năm sau”.
Theo: DƯƠNG LINH – Báo Bình Định