Vừa qua, Chi hội Văn học (Hội VHNT tỉnh) phối hợp cùng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn) tổ chức Giao lưu văn học hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3, năm 2024.
Trong không khí cởi mở của buổi giao lưu, các nhà văn, nhà thơ đã chia sẻ với học sinh về vai trò của việc đọc sách, những kinh nghiệm sáng tác văn chương, chất xúc tác thúc đẩy cảm hứng sáng tác…
Tại buổi giao lưu, để giúp học sinh hiểu hơn về tác phẩm phi hư cấu, những tư liệu về mảnh đất và con người Bình Định, nhà thơ Lệ Thu chia sẻ, những chi tiết được thể hiện trong tác phẩm văn xuôi “Nhật ký nữ phóng viên chiến trường” do chính bà sáng tác là những chi tiết thật, con người thật mà tác giả đã có cơ hội trải nghiệm, gặp gỡ trong lúc theo chân các chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính những trải nghiệm thực tế đã tạo thành một dòng chảy cảm xúc để bà sáng tác những tác phẩm gần gũi với cuộc sống.
Nhà thơ Lệ Thu tâm tình: Thời gian đó, tôi là phóng viên chiến trường được phân công công tác tại chính quê hương của mình. Trong 26 ngày đi bộ từ Quảng Nam về Bình Định, tôi đã gặp gỡ các chiến sĩ, dân công và những hoạt động của các chiến sĩ, nhân dân tại Khu 5, quê hương Bình Định được tôi tái hiện trong cuốn sách “Nhật ký nữ phóng viên chiến trường” như một lát cắt thể hiện sự khốc liệt của cuộc kháng chiến giai đoạn năm 1973 – 1975, xuất bản vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (2015).
Không khí của cuộc giao lưu trở nên sôi nổi hơn khi nhà thơ My Tiên chia sẻ về cách chị nuôi dưỡng cảm xúc để sáng tác thơ. My Tiên cho hay: Cảm xúc là cội nguồn của thi ca, nếu không có cảm xúc thì những ý tưởng của chúng ta sẽ mãi vô hình. Tham gia sáng tác từ thời học sinh, sinh viên nên mạch nguồn cảm xúc của tôi cứ thế được nuôi dưỡng theo thời gian. Đối với học sinh, nguồn cảm xúc đó không ở đâu xa mà được nuôi dưỡng ở ngay trong chính mỗi người như: Tình yêu tuổi học trò, gia đình, thiên nhiên… Nếu yêu thích và đam mê viết lách, sáng tác thì hãy tìm kiếm, tự tin viết ra ý tưởng, cảm xúc của mình.
Từ những chia sẻ, thông điệp của các nhà văn, nhà thơ trong buổi giao lưu, nhiều học sinh đã được truyền cảm hứng thêm yêu văn học. Em Đào Khải Huy, lớp 10A1, cho biết: Ở lớp, môn Ngữ văn không phải là môn học thế mạnh của em. Tuy nhiên, em thường đọc thêm sách, tư liệu để có thêm kiến thức và học tốt hơn. Bên cạnh đó, những chia sẻ của các nhà văn, nhà thơ đã tiếp thêm cho em động lực học tập tốt môn Ngữ văn.
Thầy Phan Nguyên Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết: Đây là lần thứ 3, Trường phối hợp với Hội VHNT tỉnh tổ chức giao lưu về văn học hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với mục đích góp phần phát triển và lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng hơn trong mỗi học sinh. Hy vọng các em đến tham gia buổi giao lưu này, đặc biệt là học sinh lớp chuyên Ngữ văn sẽ có thêm định hướng học tập, góc nhìn mới mẻ, vận dụng vào việc học tập một cách hiệu quả.
Nguồn: BĐO