Đọng lại trong tâm trí những ai từng đi qua Bình Định có lẽ là ấn tượng sâu sắc về những tuyệt tác của tạo hóa, những danh lam thắng cảnh. Song, làm sao có thể quên đi một nét đẹp rất đời, rất dân dã của con người nơi đây qua hình ảnh những làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi đời ẩn hiện giữa lòng thiên nhiên hiền hòa.
Trong chuyến hành trình ngày 17/12/2022, cô và trò lớp 12 chuyên Anh khóa 22 (AK22) trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định đã có cơ hội trải nghiệm và tham quan 03 làng nghề truyền thống của tỉnh nhà-nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa lâu đời đáng quý. Tại nơi đây, những câu chuyện đã được kể, những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về con người xứ Nẫu tài hoa đã được ghi lại, và hơn hết thảy chính là phút giây được cùng vui chơi, trải nghiệm bên nhau của tập thể lớp, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ trong năm học cuối cấp này.
Điểm đến đầu tiên: làng nón ngựa Phú Gia
Làng nón ngựa Phú Gia, tọa lạc tại thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định cách Quy Nhơn khoảng 40km về hướng Bắc. Đây là làng nghề có lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm, nơi làm ra những chiếc nón ngựa nổi tiếng dành cho vua quan triểu đình và những người có chức sắc trong xã hội thuở trước. Gọi là nón ngựa, bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ và mang dáng vẻ uy nghiêm, mạnh mẽ, rất thích hợp dùng khi cưỡi ngựa. Tương truyển rằng khi xưa, những chiếc nón ngựa đã từng gắn bó với nghĩa quân Tây Sơn tiến quân ra Bắc. Tại đây, tập thể lớp đã được quan sát những chiếc nón có tuổi đời trăm năm, được sản xuất rất tỉ mỉ, kì công và cẩn thận, được từng bước nâng cao giá trị mĩ thuật cũng như giá trị văn hóa được lưu truyền qua các thế hệ.
Cô và trò cũng đã được gặp gỡ và giao lưu với người “giữ lửa nghề”-nghệ nhân Đỗ Văn Lan, để nghe những chia sẻ của ông về quy trình sản xuất chiếc nón ngựa, về hành trình gần 60 năm gắn bó với nghề, cũng như tâm huyết và khát khao được truyền và giữ được một nét văn hóa rất độc đáo của dân tộc.
Điểm đến thứ hai: Làng gốm Vân Sơn
Chào tạm biệt làng nón ngựa Phú Gia, xe tiếp tục lăn bánh đến xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn để tham quan Làng gốm Vân Sơn – một trong những làng nghề cổ nhất của tỉnh Bình Định còn tồn tại đến ngày nay.
Làng gốm có từ lâu đời, được truyền qua nhiều thế hệ nên gốm Vân Sơn đã được biết đến rộng rãi. Với sự cần cù chịu khó và khả năng thích ứng nhanh nhạy với nhu cầu thị trường, cho đến thời điểm này, người dân Vân Sơn vẫn duy trì được nghề gốm truyền thống. Đến với làng gốm, tập thể lớp đã dành thời gian quan sát và được nghe hướng dẫn những công đoạn làm ra một sản phẩm làm từ gốm bởi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân xứ Nẫu. Với sự giúp đỡ vô cùng tận tình của các nghệ nhân, một trong những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn nhất là tự tay làm ra một sản phẩm gốm của riêng mình, sản phẩm mang dấu ấn cá nhân tuy còn nhiều vụng về và chưa quá thành thạo. Thế mới thấy, công việc của người làm gốm là không hề dễ dàng, và để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh, đẹp, có giá trị sử dụng cao cần nhiều công sức, sự tinh tế, trau chuốt và sáng tạo không ngừng của những nghệ nhân tài hoa.
Điểm đến thứ ba: Làng rượu Bàu Đá Cù Lâm
Chặng cuối cùng của chuyến đi trải nghiệm các làng nghề truyền thống là bến đỗ làng rượu Bàu Đá Cù Lâm – nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về phía Tây Bắc, thuộc xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn.
Khi vừa đặt chân đến nơi đây, ấn tượng ban đầu là một ngôi làng được bao bọc bởi cánh đồng lúa rộng lớn, với con đường làng uốn quanh dẫn đoàn tham quan lớp 12A vào đến nơi rượu Bàu Đá, một thương hiệu rượu nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc được sản xuất. Cô và trò đã được người dân địa phương chào đón rất nồng nhiệt, đúng với sự chất phác và mến khách của con người miền đất võ. Hơn nữa, các loại nguyên liệu, quy trình và cách ủ ra một nồi rượu thơm ngon, chất lượng cũng được gia chủ giải thích và hướng dẫn rất kĩ càng để giúp các vị khách tham quan hiểu thêm về nghề nấu rượu truyền thống của địa phương. Rượu Bàu Đá là một đặc sản thương hiệu của tỉnh Bình Định bởi vì hương vị đặc trưng không trộn lẫn vào đâu được, rất được khách du lịch trong nước và quốc tế ưa chuộng mỗi khi đi qua thăm thú nơi này.
Dẫu chuyến hành trình gặp thời tiết không thuận lợi, nhưng tập thể lớp tận hưởng từng giây phút của chuyến trải nghiệm vô cùng quý báu này. Chuyến đi góp phần làm cho khoảng thời gian cuối cùng bên nhau càng thêm trọn vẹn và đáng nhớ. Qua đó, mỗi thành viên cũng càng thêm hiểu và trân trọng những nghề truyền thống của tỉnh nhà đã, đang và sẽ được lưu truyền và giữ gìn để những nét đẹp văn hóa không bị phai mờ theo thời gian.
Lời cuối cùng, tập thể 12 chuyên Anh khóa 22 xin cảm ơn nhà trường đã tạo điều kiện để lớp có cơ hội được tham gia trải nghiệm thực tế, cũng như các đơn vị hỗ trợ và đặc biệt là những người dân địa phương, những nghệ nhân – những con người bình thường nhưng cũng rất đỗi phi thường đã hết lòng hỗ trợ lớp trong chuyến đi lần này!
Tập thể học sinh lớp 12 chuyên Anh khóa 22