Henry David Thoreau từng có câu: “Chẳng có bài học nào của tuổi trẻ đáng giá bằng cách học ngay từ những trải nghiệm thực tế cuộc sống.” Thật vậy, được trải nghiệm thực tế, được lĩnh hội kiến thức bằng những giác quan chính là một phương pháp giúp cho bản thân mỗi người được học tập hiệu quả, cũng như là không lãng phí đi thanh xuân tuổi trẻ của mình. Với HK22 – những người anh, người chị trong trường, những học sinh cuối cấp, cũng là những đứa học sinh 12 thân yêu dưới mái trường Lê Quý Đôn, tập thể HK22 luôn quan niệm rằng: “Sức chơi đắp thêm sức học”, việc được học tập qua thực tế là một niềm vui, một niềm tận hưởng cũng như là một cơ hội để cho tập thể được gắn bó bên nhau trên một chuyến xe, cùng nhau bon bon đến khám phá những tri thức về lịch sử, văn hóa của mảnh đất quê hương thân thương – Bình Định. Vào một ngày nhiều nắng của tiết trời tháng 5, HK22 đã cùng nhau vui cười, cùng nhau lắng nghe những câu chuyện thú vị nhưng không kém phần li kì về mảnh đất mình đang sống trên chuyến xe. Những câu chuyện đó kéo tất cả những cô cậu học sinh 12 một chặng đường để đi đến địa điểm đầu tiên: “Làng gốm Vân Sơn – An Nhơn”.

1. Làng gốm Vân Sơn (thị xã An Nhơn):

Đến xã Nhơn Hậu, Đoàn di chuyển về Làng Gốm Vân Sơn – Làng gốm cổ nhất thị xã An Nhơn, nghe các nghệ nhân giới thiệu về truyền thống nghề gốm tại đây, qua đó HK22 biết được rằng Nghề gốm Vân Sơn thừa hưởng truyền thống sản xuất gốm của người Chăm. Tuy nhiên, hiện nay trong làng chỉ còn vài hộ là còn giữ lại cái nghề truyền thống này. Gốm Vân Sơn trải bao thăng trầm vẫn mang vẻ đẹp ấm trầm, tươi như màu gạch tháp. Làng nghề Vân Sơn chuyên sản xuất gốm đất nung với những sản phẩm phong phú phục vụ đời sống thường ngày như chum, chậu, ang, khạp, chậu kiểng các loại, vò, nồi, siêu, ấm, lò, om đất, heo đất,… Để tạo thành một sản phẩm, các nghệ nhân phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức, nung một sản phẩm làm bằng gốm phải mất 2 ngày 2 đêm.

Tham quan làng gốm các bạn học sinh HK22 đã được trải nghiệm tự tay làm ra những sản phẩm gốm mà mình yêu thích thông qua sự hướng dẫn của các người thợ, nghệ nhân. Thoạt nhìn thì làm gốm có vẻ dễ nhưng được tự tay làm thì chúng em mới biết cái khó của nó. Chúng em càng hiểu và càng tôn trọng những nghệ nhân làm gốm nơi đây vì những đôi bàn tay khéo léo này đã góp phần làm nên nét đẹp truyền thống địa phương ta. Thông qua hoạt động này, tập thể lớp 12H chúng em đã được tìm hiểu và trải nghiệm làm gốm rất thú vị, tập thể HK22 càng hiểu sâu sắc về ý nghĩa của việc giữ gìn truyền thống, bản sắc của dân tộc ta.

2. Bảo tàng Quang Trung – Đàn Tế Trời Đất (huyện Tây Sơn):

Sau khi đã được tự mình trải nghiệm những điều thú vị về nghề làm gốm, Đoàn di chuyển về Bảo Tàng Quang Trung – nơi trưng bày những hiện vật còn sót lại của “Anh hùng áo vải cờ đào” và cuộc chiến với hơn chục vạn quân Thanh đầy oanh liệt. Không chỉ dừng lại ở đó, tất cả mọi người sẽ càng thêm tự hào khi tham quan và tìm hiểu về triều đại nhà Tây Sơn. Dành một lòng yêu thương và thành kính, tập thể HK22 đến viếng điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Giếng nước, Cây me trong sân vườn nhà Tây Sơn.

Khu vực Bảo tàng Quang Trung được thiết kế với cấu trúc 9 phòng trưng bày lưu giữ khoảng trên 11.000 hiện vật quan trọng liên quan đến khởi nghĩa Tây Sơn và 3 anh em họ Nguyễn.

Nằm trong quần thể bảo tàng là điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt cùng các danh tướng thân cận, dưới sự chung tay góp sức của đông đảo nhân dân, vào năm 1958 điện thờ chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1960 ngay trên nền nhà cũ của ba em nhà Tây Sơn, với diện tích lên tới 2.325m2. Cả lớp còn được coi hai bộ phim về hai chiến thắng quan trọng của nghĩa quân Tây Sơn.

Bảo tàng được thiết kế với bố cục cân đối, tỏa tròn ra tứ hướng và tụm lại vào điểm chính giữa – nơi đặt tượng đài Quang Trung – Nguyễn Huệ. Từ xa trông vào ta thấy bao quanh Bảo tàng Quang Trung là “khí chất” cổ xưa với những lớp mái ngói đỏ gạch, cong cong chạm khắc những hình uốn lượn điêu nghệ. Trước sân có cổng tam quan, kế đó là nhà bia ghi công lao của vị anh hùng Quang Trung bằng chữ quốc ngữ. Chính điện được chia thành ba gian, gian giữa thờ Nguyễn Huệ, gian bên trái thờ Nguyễn Nhạc, gian còn lại thờ Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi điện đặt bàn thờ các văn thần, võ sĩ nhà Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng…

Cho đến nay, trong khu vườn cũ của gia đình nhà vua Quang Trung vẫn còn lưu giữ 2 di tích cực kỳ quý giá: giếng nước xưa và cây me cổ thụ, tương truyền lại là có từ thời Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn). Giếng nước cổ nằm bên phải điện Tây Sơn với đường kính là 0,9m. Nguyên tác được xây bằng đá ong và không sâu như bây giờ bởi sau này dân làng mới trùng tu để làm giếng chung cho cả làng.

Kế bên trái điện là cây me cổ to lớn tỏa bóng mát một góc vườn, theo người dân nơi đây kể lại, chu vi gốc cây lên tới 3,5m.

Tiếp tục hành trình đoàn di chuyển về Đàn Tế Trời Đất nơi tương truyền Nguyễn Nhạc được trao ấn kiếm và bắt đầu công cuộc lập nên triều đại Tây Sơn. Đứng trên khu Đàn tế nhìn ra bốn phía, các bạn học sinh có thể ngắm nhìn và thưởng thức sự uy nghi của các ngọn núi, sự thơ mộng của các đám mây trắng lững lờ trôi, lắng nghe tiếng suối ào ạt đổ về xuôi từ xa xa & tận thưởng các cơn gió mát lạnh thổi qua. Ngoài ra các bạn học sinh còn được thắp hương ở Đền Ấn và thắp một nén nhang thờ Trời Đất tại tầng Viên Đàn để cầu mong những điều mà các bạn mong ước.

Đã lâu rồi gia đình HK22 chúng mình mới lại được cùng nhau vui cười trên một chuyến xe, được tham quan những điểm đến thú vị và đặc biệt là được tiếp thu thêm nhiều kiến thức lịch sử bổ ích, lý thú. Nhờ có cơ hội tự tay tạo ra các sản phẩm từ đất sét, chúng mình mới nhận thấy được tài năng đậm tính “nghiệp dư” của bản thân, từ đó càng nhủ lòng phải cố gắng học tập và trau dồi kĩ năng nhiều hơn nữa, bởi không có một ngành nghề nào là đơn giản hay dễ thực hiện cả. Cầm trên tay nén hương nghi ngút khói, cùng với lời cầu nguyện sức khỏe, may mắn cho bản thân và gia đình, ước cho HK22 sẽ thật thành công, hạnh phúc. Mong rằng sẽ còn nhiều hơn nữa những chuyến đi, những hành trình mà chúng ta có nhau. Lời cuối, xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu nhà trường, xin cảm ơn thầy Thành, cô Mai, xin cảm ơn Hội phụ huynh đã tạo điều kiện để chúng em có một buổi trải nghiệm thật thú vị và an toàn. Cảm ơn các thành viên 12 Hóa đã dành thời gian để đến và sát cánh cùng nhau. Chân thành cảm ơn mọi người vì đã cùng HK22 đi đến những dòng cuối cùng của bài báo cáo. Hẹn gặp lại ở những câu chuyện hấp dẫn khác nha!!!

Tác giả: Tập thể học sinh lớp 12 chuyên Hóa học– HK22

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *