Trong cái se lạnh của những ngày đông, buổi gặp mặt – giao lưu về nghệ thuật tuồng và ca kịch bài chòi đã mở ra những trang sách mới, đưa ta vào thế giới sống động của nghệ thuật truyền thống. Dưới góc nhìn và cảm nhận của một học sinh, buổi giao lưu không chỉ giúp chúng em hiểu rõ hơn những kiến thức văn học mà còn hiểu sâu hơn về giá trị văn hoá dân tộc.

Mở đầu chương trình, trích đoạn tuồng đồ “Trưng Vương đề cờ” đưa người xem về với một thời oai hùng của lịch sử dân tộc. Tiếng nói dõng dạc, khoan thai nhưng cháy bỏng căm hờn của Trưng Trắc cùng lời thề quân tướng một lòng gợi lại hào khí của cuộc khởi nghĩa.

Trích đoạn tuồng Trưng Vương đề cờ

Khác với đoạn “Trưng Vương đề cờ”, trích đoạn ca kịch bài chòi lại đem đến cho người xem tiếng cười hài hước qua sự trình diễn sinh động, ăn ý của hai học sinh THCS Hoài Châu trong vai Ông Xã – Bà Đội. Qua những trích đoạn sân khấu, những câu chuyện, những nhân vật trong văn bản sách giáo khoa dường như hiện lên sống động, chân thật hơn bao giờ hết.

Trích đoạn Ca kịch Bài chòi Ông Xã – Bà Đội

Nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng chúng em là trích đoạn “Quang Trung lên ngôi”, vở diễn khơi dậy niềm xúc động, tự hào về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

Trích đoạn tuồng Quang Trung lên ngôi

Các nghệ nhân tuồng và ca kịch bài chòi của “đất võ trời văn” đã mang đến buổi gặp mặt – giao lưu những màn trình diễn đầy sắc màu. Đặc biệt, sự tham gia biểu diễn của các em học sinh THCS mang lại một luồng gió mới mẻ, thể hiện tinh thần kế thừa và phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc ngay từ những thế hệ trẻ. Xem biểu diễn, chúng em như được quay ngược thời gian, trở về với không gian của sân đình làng xưa, nơi tiếng trống chầu vang vọng, nơi mỗi vở diễn là một câu chuyện chứa đầy giá trị nhân văn.

Nghệ thuật tuồng (hát bội) hiện lên với sự nghiêm trang của những câu chuyện lịch sử, nhưng lại chẳng hề xa cách. Những nghệ nhân đã khéo léo đưa thêm hơi thở hiện đại vào từng điệu bộ, từng lời thoại, khiến khán giả cảm nhận được sự giao thoa giữa chất liệu truyền thống và hiện đại, nổi bật với những điệu luyến, láy phức tạp đòi hỏi sự dày công rèn luyện. Trong khi đó, ca kịch bài chòi có phần bắt tai hơn, với tiếng hát mượt mà, tiếng phách rộn ràng, lại mang đến một bức tranh khác: thân thuộc, dung dị mà sâu lắng. Những câu hò, những điệu lý như thấm đẫm hương vị quê hương, khiến lòng người nghe không khỏi bồi hồi.

Phần giao lưu giữa các nghệ sĩ và học sinh cũng là một điểm nhấn đặc biệt. Không chỉ lắng nghe những chia sẻ chân thành về hành trình gắn bó với nghề, những thách thức mà nghệ thuật truyền thống đang phải đối diện trong thời đại mới được chia sẻ bởi NSND Hòa Bình. Các bạn học sinh còn được thử sức với các câu hát tuồng, bài chòi được thị phạm và chỉ dạy từ các nghệ sĩ. Đó không chỉ là sự yêu nghề và tận tâm cống hiến của các nghệ sĩ gạo cội, mà còn là cách truyền tải hồn cốt dân tộc, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người trẻ.

Học sinh chuyên Văn tham gia hát cùng Nghệ sĩ

Buổi tọa đàm khép lại trong âm vang của tiếng hát, tiếng cười và cảm xúc khó phai. Nhưng trong em, những hình ảnh và câu chuyện của các nghệ nhân vẫn còn đọng lại. Làm sao để nghệ thuật truyền thống không chỉ là ký ức của một thời, mà còn là niềm tự hào sống mãi với thế hệ mai sau? Buổi giao lưu này có lẽ chính là một bước nhỏ nhưng ý nghĩa trong hành trình giữ gìn và lan tỏa tinh thần văn hoá Việt.

Thầy Phan Văn Hà – Phó hiệu trưởng phát biểu
Học sinh cùng Nghệ sĩ và thầy cô trường Lê

Chúng em xin chân thành cảm ơn thầy cô trong tổ Ngữ văn, đặc biệt lãnh đạo trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn đã tạo điều kiện cho chúng em được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống, cho chúng em được gắn kết chương trình học với nghệ thuật truyền thống tỉnh nhà. Em tin rằng, những buổi gặp mặt – giao lưu sẽ trở thành nguồn cảm hứng, là hạt mầm để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong lòng thế hệ trẻ mai sau. 

Bài cảm nhận về buổi Tọa đàm – Gặp mặt giao lưu về nghệ thuật Tuồng (hát Bội) và Ca kịch (Bài chòi) trong và ngoài nhà trường năm 2024

Trần Yến Quỳnh & Bùi Thị Thanh Nhàn – học sinh lớp 11 chuyên Ngữ văn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *