Cuộc sống hiện đại đã đem đến cho chúng ta nhiều tiện lợi và cơ hội, nhưng không thể phủ nhận rằng quá khứ chính là nền tảng để định hình cho cuộc sống tiện nghi đó. Lịch sử là các chiến thắng vẻ vang, là cả một quá khứ huy hoàng trong quá trình kiến tạo đất nước từ thời cổ đại đến hiện đại ngày nay mà chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy trong thời đại hội nhập. Chiều ngày 19/9/2024, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định đã đón tiếp đoàn học sinh chúng em từ trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đến học tập, trải nghiệm thực tế nội dung tiết học Giáo dục địa phương. Đồng hành có cô Lục Triệu Diệu Hương – giáo viên bộ môn Giáo dục địa phương, cùng 50 bạn học sinh lớp Chuyên Hoá K25 và Chuyên Toán K25 đến tham quan, trải nghiệm và học tập. Bên cạnh đó chúng em rất vui vì được tận mắt chiêm ngưỡng các di vật cũng như tài liệu cổ mà cha ông ta – những anh chiến sĩ, bộ đội cụ Hồ gìn giữ từ thời Kháng chiến. Tấm lòng hiếu khách, am hiểu lịch sử, cùng giọng nói truyền cảm của chị thuyết minh viên và các cô chú ở Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định đã đem lại cái nhìn toàn vẹn về quá khứ của miền Đất Võ – quê hương mà chúng em đang sinh sống.

1. Khu trưng bày ngoài trời

Mở đầu chuyến tham quan, chúng em được giới thiệu về sự kiện quan trọng trong lịch sử của nền  ngoại giao Việt Nam năm 1954 – Hiệp định Genève. Ngoài ra, chúng em còn được tìm hiểu về cuộc chuyển quân tập kết ra Bắc của nhân dân Bình Định nhằm hiểu biết và cảm nhận thêm sự đoàn kết, tình yêu thương, gắn bó giữa quân dân Bình Định với quân dân cả nước.

Dù chỉ mới bắt đầu , dù chỉ là những hình ảnh đơn giản được trưng bày ngoài trời, nhưng chúng em đã phần nào cảm nhận được tinh thần đồng lòng kháng chiến giữa 2 miền Bắc- Nam dẫu có trải qua nhiều khó khăn thử thách. Qua đó, hứa hẹn sẽ còn nhiều điều bổ ích trong chuyến hành trình này.

2. Phòng trưng bày hiện vật văn hóa

Sau khi được tìm hiểu về hiệp định Genève, chúng em tiếp tục được mở mang tầm hiểu biết về nét văn hóa mảnh đất Bình Định thông qua tư liệu và hiện vật. Lúc bước vào căn phòng, ấn tượng ban đầu của chúng em đó là mọi thứ đều được sắp xếp cẩn thận và ngăn nắp. Từ những bộ trang phục cổ truyền của người Chăm, các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của người xưa cho đến các hiện vật, tài liệu về các nét văn hóa  độc đáo. So với những điểm tham quan khác, điều làm nên sự khác biệt của trung tâm đó chính là việc ứng dụng công nghệ như thiết bị tra cứu thông tin hay màn hình chiếu những thước phim về văn hóa giúp du khách có cái nhìn trực quan hơn.

(Máy chiếu tại trung tâm đang phát đoạn thuyết minh về văn hóa Chăm- Pa)

Sau khi tham quan xong khuôn viên căn phòng, chúng em không chỉ hiểu rõ hơn về văn hóa của địa phương mà còn xây nên niềm tự hào về sự phong phú và đa dạng của bản sắc dân tộc trong trái tim mỗi người.

3. Phòng lưu trữ hiện vật của các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tham gia trực tiếp vào công cuộc kháng chiến

Khi bước vào căn phòng cuối cùng, chúng em bị ấn tượng ngay bởi không gian lưu trữ tài liệu hiện đại, thoáng mát, sạch sẽ. Những kệ sách, tủ lớn xếp ngay ngắn với hàng trăm các hiện vật cho phép chúng em được tận mắt nhìn thấy như: hồ sơ thông tin của cán bộ thực hiện các nhiệm vụ bí mật – hay còn gọi là “Đi B”, những lá đơn xung phong vào nam chiến đấu của các chiến sĩ, hay những kỉ vật mà các “anh” bộ đội cụ Hồ để lại trước khi ra trận. Ngoài ra, chúng em còn bắt gặp hình ảnh thầy giáo Lê Đức Giảng (chủ nhiệm lớp cũ của cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) cùng các học trò lớp 9B đang tiễn 2 bạn cùng lớp lên đường nhập ngũ. Lúc đó, chúng em chợt nhận ra rằng, sự đồng lòng vô điều kiện từ tiền tuyến đến hậu phương trong công cuộc kháng chiến của nhân dân ta chính là then chốt cho thắng lợi sau này.

(Các bạn học sinh lớp 11H đang nghe thuyết minh về các hiện vật trong phòng trưng bày)
(Một số các hiện vật đang được lưu trữ tại trung tâm)

Qua những tài liệu, bản đồ và hình ảnh cũ, chúng em thấy rõ được tinh thần quyết tâm kháng Mỹ cứu nước của toàn dân, toàn quân Bình Định. Dẫu nhiệm vụ có lắm gian truân, dẫu tuổi đời còn trẻ, những cán bộ chiến sĩ ấy vẫn sẵn sàng hi sinh tất cả để phụng sự cho tổ quốc.

Chuyến đi không còn là những dòng chữ trong sách lịch sử, mà giờ đây, mọi thứ như sống động hơn qua những tư liệu thực tế. Những gì chúng em được xem hôm nay chính là kho báu giúp bản thân hiểu rõ hơn về quá khứ và từ đó, chúng em có thể rút ra được những bài học cho hiện tại và tương lai.

Qua chuyến trải nghiệm lần này, chúng em được học tập những câu chuyện lịch sử về hành trình “đi B” – một khoảng thời gian của những nhà yêu nước nơi đất võ trời văn và những kỷ vật quý giá của hành trình ấy còn được lưu trữ tại trung tâm. Những kỉ vật ấy không chỉ là minh chứng cho những năm tháng cách mạng hào hùng của dân tộc ta mà nó còn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam nói chung, người Bình Định nói riêng đối với sự nghiệp giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chúng em cũng nhận thấy những chuyến tham quan, trải nghiệm có vai trò quan trọng trong giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ chúng em. Và cũng như cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ:”Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Chính vì thế, trách nhiệm của chúng ta – thế hệ trẻ của Việt Nam – là gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, bảo tồn những di tích lịch sử khắp mọi miền đất nước, bởi đó chính là hồn cốt, là khí phách của dân tộc ta. Tập thể lớp 11H chúng em xin gửi lời cảm ơn trân quý đến các chú, các chị đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng em được tìm hiểu và học tập tại Trung tâm lưu trữ lịch sử Bình Định, cùng sự dẫn dắt tận tình của cô Lục Triệu Diệu Hương (giáo viên GDĐP đảm nhiệm lớp), đồng thời chúng em cũng mong muốn có thêm nhiều chuyến tham quan thực tế như vậy để có thể tìm hiểu sâu sắc hơn về quê hương Bình Định, về cuộc sống của những con người chân chất quê mình!

Tập thể học sinh lớp 11H và 11T

Tác giả: Tập thể lớp 11H

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *