Thực hiện thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ban hành ngày 28/02/2023 về quy chế tổ chức và hoạt động của Trường THPT chuyên, sáng ngày 15/2/2025, Bộ môn Địa lí của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã tổ chức Hội thảo “Một số chuyên đề Địa lí”, nhằm giúp giáo viên chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lí lớp 9.

Tham dự Hội thảo có ông Trần Xuân Tình – Đại diện phòng GDTrH trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định, thầy Huỳnh Lê Minh – Hiệu trưởng Nhà trường, thầy Phan Văn Hà – Phó hiệu trưởng Nhà trường, các giáo viên Địa lí thuộc 2 trường chuyên cùng với hơn 40 giáo viên cốt cán giảng dạy môn Địa lí ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Mở đầu buổi Hội thảo thầy Huỳnh Lê Minh đã phát biểu chào mừng thầy cô về tham dự, giới thiệu về trường, các chế độ ưu đãi dành cho học sinh trường chuyên. Thầy đặc biệt nhấn mạnh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn không chỉ thúc đẩy sự phát triển trí tuệ mà còn giúp các em phát triển toàn diện bởi bên cạnh học tập, trường có rất nhiều câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm cho các em rèn luyện kĩ năng.

Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các thầy cô 2 trường chuyên trình bày báo cáo các chuyên đề, giới thiệu một số đề tham khảo thi chọn HSG Địa lí lớp 9.
Cô Lục Triệu Diệu Hương – giáo viên Địa lí Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn báo cáo chuyên đề “Mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên”. Đây là nội dung quan trọng, thường xuất hiện trong các đề thi HSG. Báo cáo đã phân tích rõ mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên và đưa ra một số dạng câu hỏi bài tập liên quan.

Tiếp đến thầy Nguyễn Đức Dung – Giáo viên Địa lí trường THPT chuyên Chu Văn An báo cáo chuyên đề “Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên Việt Nam”. Trong chuyên đề này thầy Nguyễn Đức Dung đã đi sâu phân tích sự phân hoá của thiên nhiên Việt Nam theo chiều Bắc – Nam, Đông – Tây và theo độ cao. Phần cuối của chuyên đề là các dạng câu hỏi và bài tập liên quan đến từng loại phân hoá.

Sau phần báo cáo về chuyên đề, cô Trần Thị Thảo đã giới thiệu 3 đề thi tham khảo chọn HSG Địa lí lớp 9. Cô cho rằng đề thi ngoài việc phải bám sát chương trình, đảm bảo đúng thời gian thi và các nội dung yêu cầu thì cần có sự thống nhất, so sánh giữa các bộ sách để đưa ra đáp án phù hợp. Bên cạnh đó với đặc thù của môn Địa lí, đề thi cần có sự cập nhật về sự kiện, số liệu, vì vậy có thể tham khảo các trang web tin cậy trong nước hoặc nước ngoài để cập nhật khi dạy và ra đề thi.

Các thành viên tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi, đóng góp các ý kiến cho 2 chuyên đề và một số đề thi tham khảo. Đại diện phòng GD&ĐT Tuy Phước cho rằng “Qua buổi Hội thảo được nghe báo cáo của các thầy cô, chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, biết thêm mình còn thiếu chỗ nào để điều chỉnh trong quá trình bồi dưỡng HSG. Tuy nhiên với số lượng kiến thức lớn nhưng chỉ có 2 tiết/tuần thực sự không đủ để bồi dưỡng cho các em”.

Bên cạnh thảo luận, đóng góp ý kiến về các bái báo cáo, thầy cô THCS cốt cán thuộc môn Địa lí còn có những trao đổi, chia sẻ đầy tâm huyết về công tác bồi dưỡng HSG. Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Phù Mỹ cho hay “Phòng GD&ĐT Phù Mỹ rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng HSG và để đạt kết quả tốt thì GV giảng dạy đã rất tận tâm, nhiệt huyết, “cày” rất nhiều thậm chí cả thời gian nghỉ hè”. Những băn khoăn, thắc mắc về nội dung thi HSG Địa lí 9 theo chương trình mới cũng được đề cập đến trong Hội thảo. Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn mong muốn được rõ về nội dung đề thi HSG Địa lí 9 theo chương trình mới, các nội dung theo chương trình cũ còn hay không trong đề thi.

Ông Trần Xuân Tình – Đại diện phòng GDTrH trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định đã nêu rõ mục đích của buổi Hội thảo. Ông mong muốn thầy cô chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn trong quá trình dạy bồi dưỡng. Ông cũng nhấn mạnh năm học 2024 – 2025 UBND tỉnh cho mở lớp chuyên Địa lí, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn quy chế tuyển sinh năm học 2025-2026, mong muốn thầy cô THCS quan tâm, động viên để có thêm nhiều HS cho lớp chuyên Địa lí.
Giải đáp thắc mắc được nhiều thầy cô THCS quan tâm về nội dung đề thi HSG, ông Trần Xuân Tình cho biết nội dung thi thuộc chương trình GDPT hiện hành, định hướng sẽ gồm 2 phần. Phần chung Lịch sử – Địa lí thuộc các chủ đề chung của chương trình lớp 8, 9. Phần tự chọn, đối với phân môn Địa lí thuộc kiến thức Địa lí Tự nhiên đại cương lớp 6, Địa lí Tự nhiên Việt Nam lớp 8 và Địa lí Kinh tế – xã hội lớp 9.
Về nội dung đề thi vào chuyên Địa lí 10, Ông Trần Xuân Tình sẽ tham mưu với Lãnh đạo Sở tập trung chủ yếu vào chương trình Địa lí lớp 9, không cho HS mang Atlat vào phòng thi.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, thầy Bùi Tấn Phát ghi nhận những ý kiến đóng góp, những chia sẻ quý báu của đại biểu và các thầy cô tại Hội thảo. Đồng thời, gửi lời cảm ơn các đại biểu, thầy cô đã dành thời gian tham dự, tích cực chia sẻ, đóng góp ý kiến, góp phần làm nên sự thành công của Hội thảo.
Hội thảo kết thúc trong niềm hân hoan, nụ cười rạng ngời hạnh phúc của các thầy cô bởi bên cạnh lĩnh hội thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, giải đáp được những băn khoăn, thắc mắc, cùng nhau trao đổi chuyên môn, thì Hội thảo còn là dịp để thầy cô Địa lí trên khắp địa bàn tỉnh Bình Định có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ và kết nối gần nhau hơn.

Tác giả: Cô Trần Thị Thảo – GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn