“Hơn chín mươi năm đi cùng mùa xuân đất Đất nước.
Chống Pháp oai hùng, chống Mỹ gian lao.
Hòa bình, độc lập đất nước khát khao.
Nói sao hết những hy sinh của mẹ”.
Những dòng thơ sâu lắng lại ấy lại vang lên trong lòng mỗi chúng tôi khi có dịp về thăm hai mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Liệp (Lập) và mẹ Lê Thị An tại phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Cũng như mọi năm, năm nay, nhân kỉ niệm 77 năm ngày Thương binh – liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), được sự cho phép của Lãnh đạo nhà trường và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, Công đoàn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã tổ chức chuyến hành trình “Về nguồn” đến thăm và tặng quà cho hai mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị An và Trần Thị Liệp. Đây là một trong chuỗi những hoạt động của nhà trường nhằm giáo dục và phát huy hơn nữa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đồng thời nhắc nhở các thế hệ con cháu trường Lê về lòng biết ơn và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
Tham dự chuyến hành trình “Về nguồn” năm nay có sự hiện diện của đồng chí: Huỳnh Lê Minh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường; Đồng chí: Bùi Tấn Phát – Chủ tịch Công đoàn; Đồng chí: Võ Nhật Minh – Bí thư Đoàn trường cùng một số thầy cô giáo trong Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường cũng đã vượt gần 100 km về thăm hai mẹ.
Con đường nhỏ rợp bóng dừa xanh mát nơi miền quê xứ Hoài Thanh đã dẫn lối cho đoàn chúng tôi về thăm hai mẹ. Điểm dừng chân đầu tiên, chúng tôi đến thăm nhà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị An. Mẹ An năm nay đã ngoài 90 tuổi, tuy tuổi cao sức yếu nhưng mẹ còn rất minh mẫn. Thấy chúng tôi, mẹ An mỉm cười hiền hậu, mẹ vui vẻ trò chuyện, thăm hỏi từng thành viên của đoàn. Khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những năm tháng chiến tranh hào hùng gian khổ, giọng mẹ đầy xúc động:
– “Quê hương bị giặc giày xéo nên người dân ai cũng là chiến sĩ. Bản thân mẹ cũng vậy! Lúc ấy không xá gì, chỉ mong đánh đuổi giặc, giành độc lập để người dân có cuộc sống bình yên, cả nước sum họp. Nên có tiếc chi những hy sinh gian khổ”.
Chiến tranh không thể tránh khỏi những mất mát, hy sinh. Mẹ đã quên mình, quên thanh xuân tuổi trẻ. Chiến tranh còn cướp đi của mẹ người chồng và những đứa con. Chiến tranh đã lùi xa những những di chứng mà nó để lại vô cùng nặng nề, và với mẹ đó là những hy sinh mất mát quá lớn.
Đoàn chúng tôi trò chuyện, thăm hỏi tình hình sức khỏe của mẹ. Thay mặt nhà trường, đồng chí Huỳnh Lê Minh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đã gửi lời tri ân chân thành, sâu sắc đến những đóng góp của mẹ và gia đình cho đất nước. Đồng thời gửi tặng mẹ món quà gồm tiền mặt và quà như một lời tri ân chân thành, sâu sắc của con cháu trường Lê cho những đóng góp và hy sinh lớn lao của mẹ.
Chia tay mẹ An và gia đình, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình về thăm mẹ Trần Thị Liệp (Lập). Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, bên ấm trà nóng đặt trên chiếc bàn chính giữa gian nhà, mẹ Lập cùng con cháu đang chờ đón chúng tôi. Thấy sức khỏe mẹ Lập được bình phục và tiến triển hơn so với lần gặp hồi năm ngoái (mẹ phải nhập viện trong tình trạng tuổi cao, sức yếu) chúng tôi vô cùng vui mừng và xúc động. Mẹ Lập ân cần trò chuyện cùng các thành viên của đoàn, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về thời bom đạn chiến tranh. Đôi mắt mẹ rưng rưng khi kể về các con mình đã theo cách mạng và hy sinh khi tuổi còn rất trẻ. Những câu chuyện ấy làm cho tất cả các thành viên của đoàn xúc động không thể nói nên lời, chúng tôi chỉ biết dành cho mẹ những cái ốm, cái nắm tay thật chặt và mong sao mẹ được khỏe mạnh thật lâu để con cháu được có cơ hội chăm sóc và bù đắp cho mẹ những hy sinh mất mát của mẹ.
Thay mặt các thành viên của đoàn, đồng chí Bùi Tấn Phát – Chủ tịch Công đoàn đại diện nhà trường gửi tặng quà, gửi lời cảm ơn sâu sắc và lời chúc sức khỏe đến mẹ và gia đình. Sau đó, chúng tôi bịn rịn nói lời chia tay, hứa hẹn sẽ trở lại thăm mẹ và gia đinh vào môt ngày gần nhất.
Chuyến hành trình “về nguồn” của trường Lê diễn ra vào đúng dịp 27/7 – Ngày Thương binh – liệt sĩ. Chuyến hành trình tuy ngắn nhưng đã giúp cho những thành viên đoàn chúng tôi được mắt thấy tai nghe những câu chuyện lịch sử sống động do chính các mẹ Việt Nam anh hùng kể lại; cảm nhận rõ hơn về sự mất mát, đau thương của chiến tranh; nhận thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình của đối với quê hương, đất nước. Từ đó có những hành động thiết thực góp phần gìn giữ độc lập và dựng xây quê hương, đất nước giàu mạnh.
Tác giả: Cô Bùi Thị Ánh – Ủy viên BCH Công đoàn trường