“Di sản văn hóa không chỉ là những gì đã qua, mà là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, là kho báu vô giá giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cội nguồn và phát huy bản sắc dân tộc”. Với mục tiêu mở rộng thêm kiến thức về Bình Định, lớp 10 Hóa đã có một chuyến tham quan, học tập, trải nghiệm đặc biệt các làng nghề truyền thống như: làng nghề bún song thằn, làng nghề nón ngựa Phú Gia và từ đường Đào Tấn. Mỗi địa điểm, chúng em không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự tinh tế của từng sản phẩm truyền thống, mà còn được đắm mình trong những câu chuyện đầy cảm hứng về sự ra đời và phát triển của các làng nghề. Mỗi sản phẩm, mỗi quy trình đều chứa đựng tâm huyết và công sức của bao thế hệ, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của mảnh đất Bình Định.
Làng nghề bún song thằn
Làng nghề bún song thằn làng An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) được người dân sành ẩm thực trong và ngoài tỉnh, cả nước biết đến. Sản phẩm này đã nổi danh từ hơn 200 năm trước. Vào thế kỉ XVII, khi người Hoa đến thị tứ An Thái sinh cơ lập nghiệp, họ đã mang theo nghề làm bột đậu xanh và nghề làm bún.
Tên gọi bún song thằn bắt nguồn từ cách làm bún. Khi sản xuất bún, người thợ thường bắt những sợi bún thành từng đôi một với chiều dài nhất định trông như những sợi dây (“hai”: song; “dây”: thằn). Bún song thằn được được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, không pha trộn với cất cứ loại bột nào khác, không sử dụng chất phụ gia vì thế mà bún có hương vị thơm ngon, mang giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe.
Bún làm từ bột đậu xanh nguyên chất được xay mịn và qua quá trình chế biến kỳ công. Từ 5kg hạt đậu xanh chỉ tinh chế ra được 1,2kg bột tinh chế và làm ra 1kg bún song thằn. Đến với nơi này, chúng em được chứng kiến quy trình làm ra sợi bún: Đầu tiên, trộn bột rồi tạo hình bún trong nước sôi. Vớt bún nhúng qua nước lạnh và dàn đều, chia thành các phần bằng nhau đem phơi khô dưới ánh nắng gắt nên bún chủ yếu được sản xuất từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm.
Làng nón ngựa Phú Gia
Địa điểm tiếp theo trong chuyến hành trình tham quan, học tập, trải nghiệm mà chúng em được ghé thăm đó chính là làng nón ngựa thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát.
Giữa nhịp sống hối hả của thành thị, làng nón ngựa Phú Gia tồn tại với gần 400 năm tuổi nghề và tạo ra những chiếc nón ngựa độc đáo. Chúng em rất vinh dự khi được ghé thăm cơ sở sản xuất nón ngựa của nghệ nhân Đỗ Văn Lan và nghe bác kể về lịch sử hình thành của chiếc nón ngựa này. Nơi đây là một điểm sáng trong bức tranh làng nghề truyền thống của Việt Nam với chiếc nón ngựa Phú Gia. Không chỉ là một vật dụng thông thường, là biểu tượng của sự tinh tế, bền bỉ và tài hoa của những người thợ mà còn gắn liền với lịch sử thời vua Quang Trung.
Vì sao lại có tên là nón ngựa? Là bởi từ thời xưa, dưới thời vua Quang Trung chiếc nón được thiết kế đặc biệt để phục vụ những người thường xuyên di chuyển trên lưng ngựa, như võ quan, quân lính và cả người dân trong vùng đất võ Bình Định. Bất ngờ hơn cả, có những chiếc nón đã có lịch sử tồn tại lên đến vài chục năm.
Mỗi chiếc nón ngựa hoàn chỉnh không chỉ là sản phẩm thủ công thông thường mà còn là tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng tinh hoa văn hóa và tâm huyết của các nghệ nhân làng Phú Gia. Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng để làm được chiếc nón cần phải qua tới 10 giai đoạn, với các nguyên liệu thân thuộc. Chính vì vậy mà chúng em càng thêm tự hào về nét văn hóa của Bình Định, và luôn mong muốn giữ vững được nét đẹp ấy.
Từ đường Đào Tấn
Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình tham quan, học tập, trải nghiệm là Từ Đường Đào Tấn – nơi ghi dấu công lao của Đào Tấn (1845–1907). Ông là một danh sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XIX và được xem là người sáng tạo bậc thầy của nghệ thuật tuồng Việt Nam thế kỷ XIX. Đào Tấn không chỉ là nhà soạn tuồng lỗi lạc mà ông còn là một đạo diễn nhiệt thành với nghệ thuật hát bội. Nhờ ông mà hát bội Bình Định có một thời cực thịnh. Với tài năng và tâm huyết, ông đã đưa hát bội Bình Định phát triển rực rỡ. Ông cùng với Đào Duy Từ được giới nghệ sĩ hát bội Bình Định tôn là Tổ nghề.
Không chỉ viết thơ và từ khúc, Đào Tấn đặc biệt nổi bật với sự nghiệp tuồng. Trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ quan trọng, ông vẫn sáng tác hàng chục vở tuồng, tiêu biểu như Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng. Những tác phẩm này không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn truyền tải tinh thần dân tộc, được trình diễn qua nhiều thế hệ. Từ Đường Đào Tấn chính là nơi lưu giữ và tôn vinh những giá trị di sản ấy.
Bình Định không chỉ là nơi mà em được sinh ra và lớn lên nó còn là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc, những lễ hội truyền thống, nghệ thuật đặc sắc và đa dạng.
Bình Định nơi “đất võ, trời văn” đã khắc sâu trong tâm hồn chúng em những dấu ấn khó phai. Mỗi bước chân chúng em đặt trên mảnh đất này đều như được chạm vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Chuyến đi đã giúp chúng em hiểu rõ hơn về ý nghĩa, lịch sử hình thành và đặc trưng nổi bậc của các làng nghề truyền thống và tinh thần đoàn kết của người dân Bình Định. Chúng em hứa sẽ luôn giữ gìn và phát huy những giá trị đó như một hành trang quý báu trong hành trang của ký ức tuổi thanh xuân chúng em.
Tác giả: Tập thể lớp 10 chuyên Hóa