Bình Định gắn liền với tên tuổi của các danh nhân Đào Duy Từ – ông tổ hát bội và Đào Tấn – hậu tổ hát bội. Nghệ thuật hát bội là niềm tự hào của mảnh đất này, nhưng theo thời gian, lớp trẻ hiện nay khá xa lạ với loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Thực hiện dự án Sân khấu học đường của Chi hội Sân khấu thuộc Hội VHNT Bình Định, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được chọn làm đơn vị đầu tiên ở cấp THPT triển khai chương trình đưa hát bội đến với học sinh. Sáng ngày 26/3/2023, buổi Giao lưu Tìm hiểu nghệ thuật hát bội Bình Định đã được tổ chức tại Hội trường trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Để thực hiện được buổi giao lưu này, trước đó Tổ bộ môn Ngữ văn đã có quá trình chuẩn bị cho các em trải nghiệm tiếp xúc loại hình nghệ thuật này tại Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định, cũng như triển khai theo định hướng bài học Nghệ thuật sân khấu truyền thống và Chuyên đề học tập Sân khấu hóa thuộc Chương trình GDPT 2018 của lớp 10, bộ môn Ngữ văn.
Buổi giao lưu cũng là lần đầu tiên các em học sinh của các lớp 11 chuyên Văn, 10 chuyên Văn và các học sinh lớp 10 chuyên Anh, 10A1, 10A2 – các lớp học Chuyên đề sân khấu hóa đươc trực tiếp gặp gỡ với các tên tuổi lớn của nghệ thuật hát bội Bình Định hiện nay: NSND Hòa Bình – Chi hội trưởng Chi hội sân khấu, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn; NSND Phương Thảo; NS Hoàng Việt – truyền nhân của NS Hoàng Chinh, một trong tứ đại danh ca hát bội Bình Định; cùng các nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định.
Buổi giao lưu mở màn bằng tiết mục 12 trống trận Tây Sơn hùng tráng, khơi lại truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng của ba anh em nhà Tây Sơn, tạo không khí háo hức cho các em học sinh. Diễn giả Hoàng Việt – người đang nắm trong tay vốn liếng diễn xuất quý báu được truyền từ thế hệ đi trước đã thật sự làm các em phấn khích khi lồng vào trong nội dung bài nói chuyện những vũ đạo, làn điệu minh họa sống động. Qua đó, học sinh hiểu được nguồn gốc, tên gọi “hát bội”, sự phát triển của hát bội trên mảnh đất quê hương. Đặc biệt, nghệ sĩ Hoàng Việt còn truyền đến cho các em ngọn lửa đam mê và những tinh túy của kịch bản tuồng hát bội Đào Tấn – gắn với những đặc trưng của văn học trung đại cũng như những sáng tạo đưa hát bội lên đến đỉnh cao của hậu tổ hát bội.
Sức hấp dẫn của buổi giao lưu còn đến từ màn hát bội dân gian Ông già cõng vợ đi hội do NSND Phương Thảo trình diễn. Đây là tiết mục đã giành được nhiều lời tán dương của bạn bè quốc tế, với nét độc đáo một nhân vật diễn cả hai vai – ông già và cô gái. Tiếng cười vang lên không ngớt vì nét dí dỏm trong nội dung màn diễn, đồng thời còn là sự thán phục trình độ điêu luyện của nghệ sĩ gạo cội. Không những vậy, các học sinh còn được trực tiếp lên sân khấu, vào vai các nhân vật Ông già cõng vợ, Cu Sứt…đầy hào hứng, với một sự tiếp thu rất nhanh nhạy, từ vũ đạo đến diễn xướng.
Buổi giao lưu kết thúc với một trong những trích đoạn “Kỷ Lan Anh đẻ” trong vở tuồng “Hộ Sanh Đàn” nổi tiếng của hậu tổ Đào Tấn. Các em học sinh thật sự thán phục khi nghệ thuật ước lệ tượng trưng đã được cách điệu đỉnh cao với việc đưa chuyện sinh nở lên sân khấu. Được biết, đây cũng là màn biểu diễn nhiều lần ở nước ngoài của Nhà hát nghệ thuật Đào Tấn được dư luận quốc tế đánh giá rất cao.
Chương trình giao lưu tìm hiểu Nghệ thuật hát bội của học sinh nhà trường thành công tốt đẹp, là hoạt động rất ý nghĩa mở màn cho dự án Sân khấu học đường của Hội sân khấu Việt Nam. Đài truyền hình Bình Định cũng đã về quay và dựng chuyên đề phát sóng BTV. NSND Hòa Bình đã bày tỏ với phóng viên Đài Truyền hình Bình Định niềm xúc động khi chứng kiến thế hệ trẻ say mê hát bội và bày tỏ niềm tin tưởng hoạt động này sẽ nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh. Dự án sẽ còn tiếp tục triển khai trong thời gian tới với những nội dung trình diễn các trích đoạn hát bội có trong sách Giáo khoa hiện nay, Tìm hiểu nghệ thuật bài chòi Bình Định – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận./.
Một số hình ảnh tại buổi giao lưu:
Tác giả: Thầy Trần Hà Nam – Tổ trưởng tổ Ngữ văn