Nhằm mục đích giúp học sinh được trải nghiệm và tìm hiểu kiến thức về văn hóa nghệ thuật sân khấu dân gian Bình Định cũng như giới thiệu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi dân gian truyền thống của dân tộc đến các em học sinh, sáng ngày 31/3/2024, tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường, Tổ Ngữ văn phối hợp với Chi hội Sân khấu Bình Định tổ chức buổi giao lưu tìm hiểu nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định cho gần 300 học sinh các khối lớp 10, 11.

Tại buổi ngoại khóa, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn An Pha, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, tác giả của tập biên khảo Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, đã giới thiệu khúc chiết và cặn kẽ từ nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển đến sự đổi mới đa dạng của các loại hình bài chòi cũng như các nhạc cụ đi kèm và cách thức chơi bài chòi hội.

Cách thức chơi bài chòi hội

Nhà nghiên cứu không khỏi tự hào khi nghệ thuật sân khấu dân gian Bình Định đã góp phần cùng với các tỉnh Quảng Nam, Quãng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ghi danh Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ của Việt Nam vào di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại tháng 12 năm 2017.

Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha và niềm say mê với bài chòi dân gian

Nét đặc sắc riêng của bài chòi Bình Định không chỉ là hát chòi, hát chiếu mà còn là Bài chòi lớp, trích đoạn của các vở diễn đặc sắc, trình diễn ít nhất là hai diễn viên. Học sinh đã được thưởng thức lớp “Cao Quân Bảo phá bảng chiêu phu”, trích vở “Tam hạ Nam Đường”. Nghệ nhân Hoàng Việt trong vai Cao Quân Bảo, nghệ nhân Kiều My trong vai Lưu Kim Đính đã trình diễn xuất sắc, cuốn hút khán giả, giúp thầy và trò hiểu thêm những kiến thức mới mẻ về Bài chòi truyền thống tỉnh nhà.

Trích đoạn bài chòi lớp: Cao Quân Bảo – Lưu Kim Đính

Phần được mong chờ nhất là học sinh và giáo viên trải nghiệm chơi bài chòi hội. Sự hào hứng và nhiệt tình của học sinh khi tham gia giao lưu cùng các nghệ sĩ đã cho thấy sức lan tỏa sâu rộng và vị trí của nghệ thuật sân khấu dân gian trong đời sống hiện đại của giới trẻ.

Giao lưu sôi nổi

Với mục tiêu giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế để học tốt các chuyên đề, chủ đề Ngữ văn của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đây là năm thứ hai tổ Ngữ văn thực hiện chuyên đề Tìm hiểu nghệ thuật truyền thống Bình Định.

Buổi ngoại khóa đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Hy vọng rằng qua hoạt động giáo dục trải nghiệm thực tế ý nghĩa này, học sinh sẽ có thêm nhiều kiến thức về nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định, từ đó hình thành ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tác giả: Cô Nguyễn Thị Lê Nghi, tổ Ngữ văn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *