Tháng 12 về với cái lạnh buốt của những cơn gió đông, khiến cho lòng chúng em – những học sinh lớp 10 chuyên Văn của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn – trở nên rộn ràng, háo hức khi chuẩn bị một chuyến hành trình thật đặc biệt. Đó là chuyến đi đầu tiên cùng nhau, nơi mọi cảm xúc đều tinh khôi như tuổi trẻ của chính mình.
Buổi sáng hôm ấy, buổi sáng được in hằn trong kí ức mỗi người chúng em bằng những giọt nắng nhẹ đậu trên vòm trời cùng những cơn gió lạnh se sắt, đoàn đã đặt chân đến địa điểm đầu tiên: vùng đất An Nhơn, nơi nghề làm bún song thằn đã sống cùng năm tháng, như một bản hòa ca giữa bàn tay con người và thiên nhiên. Tiếp đó, cuộc hành trình lại đưa chúng em đến làng nghề làm nón ngựa Phú Gia ở Phù Cát, nơi những chiếc nón tinh xảo được tạo ra bằng sự khéo léo và kiên nhẫn, từng là biểu tượng gắn liền với hình ảnh võ sĩ Bình Định. Cuối cùng, điểm dừng chân tại đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn – nơi đưa chúng em trở về với quá khứ vàng son của nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam.
1. Làng bún Song Thằn – Một mùi hương ký ức
Dọc lối đi vào làng, chúng em bắt gặp hình ảnh các cô, các bà ngồi trước thềm thoăn thoắt bóc vỏ đậu xanh, những khay bột được xếp ngay ngắn, và những giàn bún phơi nắng lấp lánh như ánh vàng. Tất cả tạo nên một bức tranh sống động, giản dị nhưng cuốn hút đến lạ kỳ.
Để làm ra những sợi bún tưởng chừng đơn giản ấy lại kì công và khéo léo vô cùng. Bún song thằn nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và có giá trị dinh dưỡng cao vì làm từ đậu xanh. Để bún được ngon, người thợ nhào bột cho đều với nước. Cái khó nhất là khâu nhào bột làm sao cho vừa, không khô mà cũng không nhão. Đôi tay thoăn thoát của người nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề khiến chúng em thích thú. Sau đó, bác nghệ nhân ép bột qua khuôn để tạo nên những sợi bún dài mảnh, song song nhau.
Tên gọi bún song thằn bắt nguồn từ cách làm bún. Khi sản xuất bún, người thợ thường bắt những sợi bún thành từng đôi một với chiều dài nhất định trông như những sợi dây (“hai”: song; “dây”: thằn). Bún song thằn được được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, không pha trộn với cất cứ loại bột nào khác, không sử dụng chất phụ gia vì thế mà bún có hương vị thơm ngon, mang giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe. ( “song” có thể hiểu là đôi, “thằn” là dây, mô tả sợi bún được cuộn lại như một cặp dây). Bún song thằn được được làm từ bột đậu xanh nguyên chất, không pha trộn bất kì chất phụ gia vì thế mà bún có hương vị thơm ngon, mang giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe. Cái tên “song thằn” từ đây mà thành, gợi lên hình ảnh đôi sợi bún luôn đồng hành, tượng trưng cho sự gắn bó bền chặt – mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa Việt.
Chúng em được trải nghiệm cảm giác tự tay phơi bún và thưởng thức những sợi bún tươi ngon vừa làm xong. Sợi bún trắng tinh, ăn vào vừa dai vừa mềm lại thoang thoảng mùi đậu xanh đã trở thành một trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Nhìn ánh nắng vàng hòa quyện cùng những sợi bún phơi, chúng em như cảm nhận được cả nỗi nhọc nhằn lẫn niềm tự hào của những người làm nghề.
2. Làng Nón ngựa Phú Gia – nơi ra đời những tác phẩm nghệ thuật độc đáo
Tạm biệt vùng đất An Thái, An Nhơn, chúng em đặt chân đến địa điểm tiếp theo thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát – ngôi làng yên bình nằm nép mình dưới những rặng tre xanh. Phú Gia nổi danh với nghề làm nón ngựa, một sản phẩm thủ công đặc biệt vừa đẹp vừa bền, từng là người bạn đồng hành của các võ sĩ Bình Định trong thời hoàng kim của võ thuật. Giữa không gian tĩnh lặng của làng Phú Gia, bên những chiếc nón ngựa đang được phơi khô dưới nắng, chúng em được gặp nghệ nhân Đỗ Văn Lan, một người thợ gắn bó cả đời với nghề làm nón.
Dưới mái nhà mộc mạc, giọng nghệ nhân trầm ấm vang lên, mang theo cả một dòng chảy ký ức về sự hình thành và phát triển của nghề làm nón ngựa – nét tinh hoa độc đáo của vùng đất Bình Định. Ông kể rằng: nón ngựa xuất hiện từ thời các võ sĩ Bình Định nổi danh với những trận đấu võ oai hùng. Chiếc nón không chỉ để che nắng, che mưa mà còn là một biểu tượng gắn liền với sự mạnh mẽ và bản lĩnh của những người con đất võ. Được làm từ mây tre, đan cẩn thận với lớp lụa óng ánh, nón ngựa Phú Gia mang vẻ đẹp giản dị mà thanh thoát. Người nghệ nhân còn chỉ cho chúng em từng công đoạn làm nón, từ việc chọn nguyên liệu, tạo khung, đan mây, đến khâu thêu hoa văn trang trí. Ông bảo rằng, làm nón không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn cần sự kiên nhẫn và lòng yêu nghề. Mỗi chiếc nón được làm ra đều là tâm huyết của người thợ, như chứa đựng một phần linh hồn của đất trời Phú Gia, Phù Cát.
Nghe câu chuyện của nghệ nhân Đỗ Văn Lan, chúng em không chỉ hiểu thêm về giá trị của chiếc nón ngựa, mà còn cảm nhận được tinh thần bền bỉ, sự gìn giữ di sản văn hóa trong từng thế hệ. Chiếc nón ấy, với vẻ đẹp vừa mạnh mẽ, vừa tinh tế, không chỉ là vật dụng thường ngày mà còn là minh chứng cho sự khéo léo và niềm tự hào của những người con đất Bình Định.
3. Đền thờ Đào Tấn – nơi lưu giữ hồn tuồng cổ và kí ức về một danh nhân văn hóa
Đến đền thờ Đào Tấn, chúng em như bước vào một mạch nguồn ký ức, nơi gợi nhắc về cuộc đời và sự nghiệp của một danh nhân văn hóa, người được xem là “ông tổ” của nghệ thuật tuồng hiện đại Việt Nam
Đào Tấn (1845-1907), là một danh sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XIX. Đào Tấn không chỉ là nhà soạn tuồng lỗi lạc mà ông còn là một đạo diễn nhiệt thành với nghệ thuật hát bội. Nhờ ông, hát bội Bình Định có một thời cực thịnh. Ông cùng với Đào Duy Từ được giới nghệ sĩ hát bội Bình Định tôn là Tổ nghề. Sinh ra trong một gia đình nho học, ông sớm bộc lộ tài năng văn chương và niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật tuồng. Tìm hiểu theo các thông tin, chúng em biết được: Đào Tấn vốn là một vị quan thanh liêm, từng giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhưng người đời sau nhớ tới ông chủ yếu về sự nghiệp văn chương, đặc biệt là nghệ thuật Tuồng với tư cách một Tác gia lớn, một Nhà lý luận, phê bình xuất sắc, một Thầy Tuồng mẫu mực, một Nhà soạn kịch, Nhà đạo diễn và Nhà cách tân Tuồng lỗi lạc. Trong sự nghiệp văn chương, Đào Tấn không những sáng tác các vở nổi tiểng về Tuồng mà còn sáng tác được nhiều thể loại thơ, văn, nhạc, nhưng các tác phẩm về nghệ thuật Tuồng là nổi bật và đặc sắc nhất. Ông là một Tác gia lớn, đã để lại cho đời sau hơn 40 vở tuồng và gần 1.000 bài thơ, từ, tản văn và liễn đối là tài sản nghệ thuật vô giá.
Nổi bật nhất trong các kịch bản mà cụ Đào sáng tác là tác phẩm “Hộ sanh đàn” được lọt vào top 100 kiệt tác hay của thế giới. Những tác phẩm của ông không chỉ giàu tính nghệ thuật mà còn ẩn chứa tư tưởng nhân văn sâu sắc, phản ánh tâm tư, trăn trở của con người trong xã hội phong kiến. Ông cũng chú trọng việc cải tiến kỹ thuật biểu diễn, từ trang phục, đạo cụ đến âm nhạc, làm cho tuồng cổ trở nên tinh tế và hấp dẫn hơn.
Chúng em bắt đầu chuyến thăm bằng nghi thức thắp nhang trước bàn thờ của ông. Khói nhang lan tỏa trong không gian yên tĩnh, như gợi nhắc về một thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật tuồng cổ mà Đào Tấn đã góp công xây dựng. Sau đó, chúng em được nghe giới thiệu về các hiện vật được trưng bày tại đền thờ: những bức thư pháp mang dấu ấn tài hoa, các kịch bản tuồng quý giá, và những bộ trang phục biểu diễn được bảo quản cẩn thận.
Điều khiến chúng em ấn tượng nhất là bút tích của ông, với từng dòng thơ, từng câu đối mang đậm tâm hồn của một người nghệ sĩ yêu nước, yêu đời và luôn trăn trở với thời cuộc. Trong mỗi nét chữ, chúng em cảm nhận được tâm huyết của một người không chỉ sáng tác để giải trí, mà còn để giáo dục, truyền cảm hứng và giữ gìn tinh hoa dân tộc.
Đền thờ Đào Tấn không chỉ là nơi tưởng nhớ một danh nhân văn hóa, mà còn là biểu tượng cho sự trường tồn của nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam. Với chúng tôi, đây là một bài học quý giá, nhắc nhở rằng bảo tồn văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của quá khứ, mà còn là trách nhiệm của mỗi thế hệ mai sau.
Khi ánh chiều bắt đầu buông xuống, chúng tôi rời đền thờ Đào Tấn, khép lại một ngày trải nghiệm đầy ý nghĩa. Trên chuyến xe trở về, dư âm của từng điểm đến vẫn còn vang vọng trong lòng mỗi người. Đó là sự bền bỉ trong từng sợi bún Song Thằn, sự tinh tế trong những chiếc nón ngựa Phú Gia, và đặc biệt là tình yêu bất tận với nghệ thuật trong câu chuyện về Đào Tấn – một danh nhân đã dâng trọn đời mình cho văn hóa dân tộc.
Chuyến đi không chỉ giúp chúng em mở rộng hiểu biết mà còn thắp lên trong lòng mỗi thành viên của VK26 ngọn lửa yêu quê hương mãnh liệt hơn. Bình Định, với những làng nghề và giá trị văn hóa truyền thống, không chỉ là nơi lưu giữ ký ức của một miền đất, mà còn là nguồn cảm hứng để chúng em nhận ra trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy những di sản ấy.
Ngày hôm đó khép lại với những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười, và cả những suy tư. Ai nấy đều mang theo một phần hồn quê, cảm nhận và thấu hiểu, trân trọng vẻ đẹp bình dị của đời sống; sự tinh tế, nét đẹp của làng nghề và những giá trị văn hóa trên vùng đất quê hương yêu dấu của chúng em – Bình Định.
Tác giả: Tập thể lớp 10 chuyên Ngữ văn – VK26