“Những chuyến đi không chỉ là những cuộc hành trình đến những địa điểm mới, mà còn là những cuộc hành trình đến với trái tim và tâm hồn của chính mình.”Chuyến đi trải nghiệm thực tế vừa qua của lớp 10 Anh 2 đến các làng nghề truyền thống bún Song Thằn, nón ngựa Phú Gia và từ đường Đào Tấn đã để lại cho chúng em nhiều ấn tượng sâu sắc và nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Chúng em không chỉ được khám phá những quy trình sản xuất tinh xảo mà còn được tìm hiểu về những lịch sử, văn hóa đặc sắc của quê hương Bình Định. Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng em trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, đồng thời gắn kết tình cảm bạn bè trong lớp.

Làng bún Song Thằn – Trạm dừng đầu tiên

Đoàn chúng em dừng chân ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, nơi đây là thủ phủ của huyện Tuy Viễn xưa, người Minh Hương cư ngụ và kinh doanh sản xuất – thương mại đông đúc. Đây là một vùng thị tứ sầm uất, nơi giao thương mua bán trao đổi. Chạy dọc thị tứ An Thái là Sông Côn có bãi cát vàng rộng to, nước sông trong ngần đó là điều kiện rất tốt cho nghề làm bún và bánh tráng phát triển. Làng bún Song Thằn nổi tiếng với nghề làm bún truyền thống đã tồn tại hành trăm năm. Vừa bước xuống xe, nhìn đâu chúng em cũng thấy những sạp vỉ bún được phơi ở khắp nơi. Khi được tham quan nơi làm bún, thứ gây ấn tượng cho chúng em nhật là hình ảnh những người thợ với nhiều độ tuổi khác nhau, từ già trẻ, lớn bé, tất cả mọi người đều miệt mài làm việc bên những chiếc máy xay bột, bếp lửa, và những vỉ bún đang được hoàn thiện để chuẩn bị phơi. Sở dĩ cái tên “Song Thằn” bắt nguồn từ cách làm bún. Khi sản xuất, người thợ thường bắt những sợi bún thành từng đôi với một chiều dài nhất định trông như những sợi dây (“hai”: song; “dây”: thằn).

Hình ảnh những người thợ cùng nhau cuốn tròn mỳ sợi vàng trước khi đem ra phơi

Bún Song Thằn không chỉ nổi tiếng vì hương vị đặc trưng mà còn bởi quy trình sản xuất công phu. Nguyên liệu chính để làm bún là từ đậu xanh nguyên chất, không pha trộn với bất cứ loại bột nào khác, không sử dụng chất phụ gia, vì thế mà bún hương vị thơm ngon, mang chất dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe. Công đoạn phơi bún đòi hỏi kỹ thuật cao để đảm bảo bún không bị gãy, giữ được độ dai và ngon khi nấu.

Làng nón ngựa Phú Gia – Điểm hẹn kế tiếp

Tọa lạc ở làng Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, làng nón ngựa Phú Gia với hơn 300 năm tuổi nghề làm nón ngựa, một sản phẩm dẻo dai, bền bỉ hệt như những con người nơi đây. Nón ngựa là một loại nón lá đặc biệt dành cho các võ sĩ và kỵ binh ngày xưa. Nón ngựa Phú Gia không chỉ đẹp mắt mà còn mang tính thực dụng cao, bảo vệ người đội khỏi nắng mưa, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp truyền thống và sức mạnh của người đàn ông.

Khi đặt chân đến nơi sản xuất, chúng em có cơ hội được gặp nghệ nhân Đỗ Văn Lan. Ông Lan là người có hơn 60 năm kinh nghiệm, ông đã chia sẻ cho chúng em những thông tin cơ bản về nón ngựa, cũng như là nguồn gốc xuất xứ của nó. Quy trình làm nón ngựa khá phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Ông Lan cho biết rằng, để hoàn thiện một chiếc nón ngựa có đến 10 công đoạn khác nhau, từ tạo sườn nón cho đến thêu hoa văn. Đa số những hoa văn trên nón ngựa là các hình ảnh mang đậm bản sắc của người Việt như: đám mây, long-ly-quy-phụng, hay những bài thơ, câu đối. Cũng chính nhờ có những mẫu họa tiết này mà khi đội trên đầu, nón ngựa Phú Gia vừa có nét cao sang quý phái, vừa được sự trang nhã, mềm mại.

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan chia sẻ về lịch sử và cách làm của nón ngựa

Sản phẩm nón ngựa Phú Gia mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Ở Phú Gia thời trước, chỉ có những gia đình giàu có mới có khả năng mua được những chiếc nón ngựa này. Khi nhìn thấy những chiếc nón ngựa hoàn thiện, chúng em không khỏi ngưỡng mộ tài năng và tâm huyết của người thợ. Những chiếc nón không chỉ là sản phẩm thủ công mà còn là biểu tượng của văn hóa và lịch sử, mang trong mình những câu chuyện về quá khứ hào hùng. Hiện nay, ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, các nghệ nhân còn chế tác ra nhiều loại nón cách tân, được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn mua khi đến với đất võ Bình Định.

Đền thờ Đào Tấn – điểm cuối cùng của cuộc hành trình

Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn tại thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc – quê hương ông. Đó là một vùng không gian rộng rãi, thoáng mát với những nét kiến trúc công trình đền thờ tôn nghiêm với những nét chạm trổ tinh xảo và bố cục hài hòa. Không gian từ đường mang đậm nét cổ kính, yên, là nơi thờ cúng và tưởng nhớ nhà thơ, nhà văn hóa lỗi lạc Đào Tấn (1845-1907). Ông là một trong những nhân vật quan trọng của văn học Việt Nam cuối thế kỷ 19, nổi tiếng với các tác phẩm thơ ca, tuồng cổ và các đóng góp lớn trong việc phát triển nghệ thuật tuồng.

Các bạn học sinh trong chuyến tham quan đền thờ Đào Tấn

Bên trong đền trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu và hình ảnh giúp chúng em có thể dễ dàng biết được thân thế, sự nghiệp của Đào Tấn. Hàng năm, tại đền thờ Đào Tấn thường diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội để tưởng nhớ công lao của ông và truyền bá nghệ thuật tuồng cho các thế hệ sau. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu mến văn học và nghệ thuật, muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn. 

Qua chuyến đi này, chúng em đã có cơ hội giao lưu, học hỏi và gắn kết với nhau. Khi cùng nhau tham gia các hoạt động, từ việc khám phá quy trình làm bún tại làng Song Thằn, hay chiêm ngưỡng sự khéo léo trong từng chiếc nón ngựa tại Phú Gia đến việc tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Đào Tấn, mỗi chúng em đều cảm nhận được sự gắn bó và đoàn kết. Những giây phút chia sẻ, giúp đỡ nhau trong suốt chuyến đi đã tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ và thêm phần thắt chặt tình cảm bạn bè. Chuyến đi không chỉ là dịp để chúng em học hỏi và trải nghiệm, mà còn là khoảng thời gian quý báu để chúng em cùng nhau vui vẻ, tạo dựng những kỷ niệm tuyệt vời. Những ký ức này sẽ luôn là hành trang quý giá trong hành trình học tập và trưởng thành của chúng em

Tác giả: Đinh Bảo Khả Tú, học sinh lớp 10 Anh 2

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *