Lần theo con đường mòn của những câu chuyện lịch sử, văn hóa và địa lí. Băng qua những cánh đồng bạt ngàn với hoa vàng và ngọn cỏ xanh rờn, ta đến với những danh lam, thắng cảnh đặc sắc của vùng đất Phú Yên – một tỉnh anh em của Bình Định và là mảnh đất giàu giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử và địa lí. Đi đến vùng đất Phú Yên để học tập, trải nghiệm, tuy không có sự thuận lợi về mặt thời tiết nhưng chính sức trẻ và tinh thần ham học hỏi của các học sinh lớp chuyên Lí Khóa 22 (LK22) đã làm cho chuyến đi thực tế thêm phần ý nghĩa và đáng nhớ. Qua từng chặng đường, mỗi cá nhân đều cùng nhau vượt qua thử thách khắc nghiệt của mưa gió, cùng nhau trải nghiệm cảm nhận những điều mới lạ và cùng nhau trưởng thành. Vì thế còn chần chờ gì nữa mà không theo chân LK22 để khám phá những danh lam thắng cảnh đặc sắc bậc nhất của Phú Yên qua những tấm ảnh và các câu chuyện thú vị nhé!

Chủ nhật, 08/01/2023, 6h00, xe bắt đầu lăn bánh. Xuất phát bằng một cơn mưa nặng hạt, sự cản trở của thời tiết cũng không làm cho ngọn lửa nhiệt huyết của các học sinh LK22 vụt tắt. Gần hai tiếng đi xe, mọi người được nghe thuyết minh về những câu chuyện lịch sử hào hùng của vùng đất xứ “Nẫu”, về các trận đánh được ghi vào sách sử, về hào kiệt các phương, về nền văn hóa Chăm hay về những truyền thuyết mang dấu ấn huyền thoại đã làm nên những danh lam thắng cảnh nơi đây.

Trạm số 1: Mũi Đại Lãnh – Hải đăng Mũi Điện

Nằm cách thành phố Tuy Hòa 35 km về phía Đông Nam, đây được xem là cực Đông trên đất liền, là nơi đón nắng sớm bình minh đầu tiên của Việt Nam. Để đến với cột mốc cực Đông của tổ quốc, mỗi người phải trải qua 1 km đi bộ đầy vất vả, đặc biệt trong thời tiết mưa rào với những con dốc uốn lượn đầy trơn trượt. Rải đều những bước đi trên chặng đường dốc tới Mũi Điện, ta có thể phóng tầm mắt để nhìn ra Bãi Môn – một trong những bãi biển nổi tiếng và đẹp bậc nhất vùng Duyên hải miền Trung với những làn sóng xanh vỗ rì rào giữa những eo núi hùng vĩ trải dài ra biển như vô tận. Sau khoảng 20 phút đi bộ, đoàn đến với Mũi Đại Lãnh, chinh phục thành công cực Đông của tổ quốc. Thêm khoảng 5 phút đi bộ, đoàn đến với hải đăng Mũi Điện – một trong những ngọn hải đăng rất nổi tiếng, xây dựng vào năm 1890 bởi những kiến trúc sư người Pháp. Tháp đèn hải đăng là một khối hình trụ thon đều, màu xám, cao 26,5m so với nền nhà, 110m so mực nước biển và có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa đến 27 hải lý (xấp xỉ 40 km), giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc điều hướng tàu bè trên biển. Đây là ngọn hải đăng xa nhất về phía Đông trên đất liền của Việt Nam.

Trạm 2: Tháp Nghinh Phong

Kết thúc thời gian nghỉ trưa và thưởng thức ẩm thực Phú Yên, đoàn LK22 tiếp tục lăn bánh đến một trong những địa điểm du lịch phổ biến nhất ở thành phố Tuy Hoà: Tháp Nghinh Phong – biểu tượng du lịch mới của Phú Yên. Đó là một tòa nhà độc đáo được chia thành hai phần, mỗi phần có 50 khối đá  liền kề nhau. Từ câu chuyện huyền thoại, Lạc Long Quân –  Âu Cơ trở thành trăm con, 50 người con gái theo mẹ lên ngàn, 50 người con trai theo cha ra biển đảo; Đây cũng là dụng ý của tác giả khi thiết kế mảnh đất, mặt bằng được xây dựng bằng 50 miếng đá hình lục giác mỗi bên chia một khoảng hở ở giữa để đón gió theo ý tưởng nghinh phong. Những khối đá granite chồng lên nhau hai bên khu vực Nghinh Phong tạo thành 2 ngọn tháp, chính giữa của Nghinh Phong là bức phù điêu chạm khắc trên phiến đá granite do các nghệ nhân Phú Yên chạm khắc, kể lại câu chuyện lịch sử, tưởng nhớ về cội nguồn của những bậc khai quốc công thần, lập nên quê hương Phú Yên.

Trạm 3: Nhà thờ Mằng Lăng

Tiếp tục chuyến hành trình trải nghiệm và khám phá, LK22 chọn dừng chân ở một trong những kiến trúc có giá trị lịch sử bậc nhất vùng đất Phú Yên – nhà thờ Mằng Lăng. Được xây dựng vào năm 1892, Nhà thờ Mằng Lăng là nhà thờ cổ nhất ở Phú Yên và được coi là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam. Nơi đây là điểm đến rất thu hút khách du lịch Phú Yên. Trước đây, nhà thờ Mằng Lăng là trường học của Giám mục Alexandre de Rhodes (Cha Đắc Lộ). Đây cũng là nơi lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta. Được xây dựng theo lối kiến ​​trúc Gothic, nhà thờ có tháp chuông ở hai bên và cây thánh giá ở giữa. Toàn bộ nhà thờ toát lên vẻ cổ kính với những bức tường xám xanh rêu phong, để lại dấu vết khi phai màu thời gian.

Trạm 4: Gành Đá Đĩa

Khép lại chuyến đi bằng địa điểm Gành Đá Đĩa, mọi người được dịp chiêm ngưỡng một trong những tuyệt tác thiên nhiên độc đáo và “hiếm có khó tìm” trên thế giới. Đá ở đây là đá bazan, được hình thành cách đây 200 triệu năm do hoạt động của núi lửa trên Cao nguyên Vân Hòa. Những dòng nham thạch phun trào ra từ núi lửa khi gặp nước lạnh bị đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng di ứng lực khiến những khối nham thạch này bị nứt thành nhiều chiều và tạo thành những phiến đá đẹp lạ lùng, bí ẩn như ngày nay. Điều đặc biệt là nơi đây có hàng vạn cột đá hình lục giác,  tròn hay vuông xếp chồng lên nhau, nối  tiếp nhau và san sát vào nhau như bàn tay của một vị thần nào đó. Một cảnh đẹp không thể bỏ qua khi đến  Phú Yên. Nơi ấy đã được công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt” vào năm 1998. Những cột đá  cao thấp uốn lượn vươn mình dưới ánh nắng trong lành, đẹp như một điều kỳ diệu mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nơi đây.

Cuối cùng, xin cảm ơn nhà trường, thầy cô, hội phụ huynh đã tạo những cơ hội quý giá để chúng em có thể học tập những kiến thức bổ ích, có cơ hội hoạt động cùng nhau. Cảm ơn đơn vị đồng hành đã hỗ trợ và giúp đỡ mọi người có một chuyến đi thành công. Những kỉ niệm đáng nhớ của chuyến đi vừa qua đã làm cho những mảnh ghép kí ức tuổi học trò chúng em thêm phần trọn vẹn. Mong mọi người sẽ có những chuyến đi cùng nhau như vậy trong tương lai không xa!

Tác giả: Học sinh Lê Doãn Thịnh – Lớp chuyên Lí K22

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *