“Trung tâm sản xuất Phim Cổ” AK22 xin kính chào quý khách.

Cuốn phim công chiếu: ĐI THẬT XA ĐỂ TRỞ VỀ

Ngày công chiếu: 06/05/2023

Địa điểm công chiếu: Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Bình Định

Diễn viên chính: 34+1 thành viên tập thể AK22


Địa điểm quay phim:

Bình Định “Đất võ trời văn”;

Bảo tàng Quang Trung “Địa linh nhân kiệt”;

Khu Du lịch Sinh thái Hầm Hô Tây Sơn “về nguồn”;


Ekip xin gửi lời tri ân đến:

Ban Giám hiệu nhà trường;

Giáo viên chủ nhiệm;

Hướng dẫn viên

Xin quý khách hãy yên vị, chuẩn bị một tinh thần thoải mái, và sẵn sàng thưởng thức những tình tiết hấp dẫn của cuốn phim sau: 3…2…1!

LỜI TỰA ĐỀ ĐẦU PHIM:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở,

Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn.

Sau 5 kỳ ngoại khóa sôi động xuyên suốt năm lớp 10 – 11 – 12, hoạt động ngoại khóa học kỳ cuối cùng lớp 12 Chuyên Anh (AK22) đánh dấu bằng một chuyến Về Nguồn, trước khi mỗi thành viên bay xa một phương trời từ trong nước đến quốc tế.

Không cần phải là những miền đất xa.

Không cần phải là những hoạt động cầu kỳ.

Chỉ là những địa điểm quen thuộc của tỉnh nhà Bình Định, nhưng với chúng em, thế cũng đã quá trọn vẹn. Phải chăng, khi sắp chia xa, người ta thường học được cách tìm ra vẻ đẹp tiềm ẩn của những viên ngọc thô sơ thân thuộc nhất? Hay phải chăng, chính niềm nhận thức rằng “đây là chuyến đi cuối cùng của thời thanh xuân” đã khiến chúng em trân trọng hơn từng giây phút bên nhau, bên mảnh đất địa linh nhân kiệt đầy thương nhớ này?

NGƯỢC DÒNG CUỐN PHIM:

Vừa hoàn tất kỳ kiểm tra cuối cùng của khối 12, tập thể AK22 háo hức đến lạ, bởi: Ngày 06/05/2023, tập thể AK22 có dịp được tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế và sinh hoạt tập thể tại Bảo tàng Quang Trung, Khu Du lịch Sinh thái Hầm Hô ở huyện Tây Sơn theo kế hoạch dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm cùng các hướng dẫn viên giàu chuyên môn. Ngay từ khoảnh khắc xuất phát, chuyến xe đã tràn ngập tiếng cười nói, đàn hát, trò chơi tập thể; như xóa tan cái nắng nóng ngày chớm hè, như báo hiệu cho một chuyến đi tuy ngắn nhưng sẽ rất đáng nhớ.

CHƯƠNG I: BẢO TÀNG QUANG TRUNG (HUYỆN TÂY SƠN)

Theo chân anh hướng dẫn viên, chúng em đã vinh dự đặt chân đến nơi khắc ghi chiến công lẫy lừng vang dội của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ, bên tai dồn vang tiếng khích lệ tinh thần binh sĩ ngày nào:

“Đánh cho để dài tóc

 Đánh cho để đen răng

 Đánh cho nó chính luân bất phản

 Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

 Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”

HỒI 1: Tham quan giếng nước xưa mát trong – tương truyền lại là có từ thời Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn) nằm bên phải điện Tây Sơn với đường kính là 0,9m, guyên tác được xây bằng đá ong – và cây me cổ thụ thân to rợp bóng chu vi gốc lên tới 3,5m, tương truyền là thời thân sinh của ba anh em Tây Sơn.

HỒI 2: Viếng thăm Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt – hoàn thành xây dựng vào năm 1960 ngay trên nền nhà cũ của ba em nhà Tây Sơn, với diện tích lên tới 2.325m2. Chúng em cùng nhau thắp nén hương tri ân thành kính và gửi gắm những ước mong về tương lai của bản thân cho người anh hùng dân tộc hiển hách.

HỒI 3: Tìm hiểu chính điện của viện bảo tàng, chiêm ngưỡng tượng đài ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng những bức phù điêu khắc họa không gian gay cấn của trận chiến khi xưa. Qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên bảo tàng, chúng em như quay về lịch sử với những tàn tích sót lại sau những cuộc chiến đầy hiển hách của những văn thần, võ sĩ nhà Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng…, với những vật dụng đã cùng dân ta tạo nên huyền thoại.

HỒI 4: Chú tâm theo dõi phòng chiếu phim tư liệu lịch sử, cùng choáng ngợp trước từng đoạn phim – từng hồi trống hoài niệm về bản hùng ca của dân tộc: Khơi nguồn Khởi Nghĩa Tây Sơn Tam Kiệt, trận đánh Rạch Gầm – Xoài Mút mưu lược, giai thoại Quang Trung đại phá Quân Thanh, huyền thoại Vương triều nhà Tây Sơn đã mở đường cho những trang sử huy hoàng sau này của dân tộc. Chúng em như hòa mình vào trận chiến ngày nào, hiện ra trước mắt từng chiến lược, từng khí phách của đội quân Tây Sơn. Thật là một cách lĩnh hội lịch sử sinh động, thực tế mà hiệu quả!

HỒI KẾT: Tạm biệt các khu tham quan chính, dạo quanh khuôn viên rộng rãi và gió lộng của Bảo tàng Quang Trung, để rồi một lần nữa từ xa trông vào kiến trúc cổ xưa của bảo tàng với những lớp mái ngói đỏ gạch, cong cong chạm khắc những hình uốn lượn điêu nghệ; Trong lòng chúng em dâng lên một niềm tự hào đến lạ. Tự hào rằng tại Chương I, chúng em có dịp được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, kiên cường bất khuất và lòng yêu nước thương dân của quân dân Bình Định, góp phần vào trang sử oai hùng của dân tộc; Từ đó rút ra các bào học cho bản thân trong tương lai trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

CHƯƠNG II: KHU DU LỊCH SINH THÁI HẦM HÔ (HUYỆN TÂY SƠN)

Chia tay Bảo tàng Quang Trung, chỉ thêm 20 phút di chuyển, chúng em đã đặt chân đến Khu Du lịch Sinh thái Hầm Hô – viên ngọc hoang sơ đầy mê hoặc của huyện Tây Sơn.

HỒI 1: Ấn tượng về một Hầm Hô trong tâm trí AK22 là gì?

Là cánh cổng quy mô dẫn vào khoảng sông dài chạy dọc theo chân dãy núi Trường Sơn hùng vỹ, lối đi ven đường bao bọc bởi khu rừng nguyên sinh rậm rạp.

Là lòng sông trong veo có rất nhiều tảng đá muôn hình vạn trạng ánh lên giữa ánh hoàng hôn chiều tà.

Là những vườn cỏ xanh tươi, tung tăng trên ấy những chú cừu nông trại được chăm nuôi kỹ càng.

Là những anh chị quản lí khu sinh thái rất nhiệt huyết và hiếu khách.

Tất cả tạo nên một thế “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” quyện hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ hùng vỹ và con người chan hòa sôi nổi.

HỒI 2: Hoạt động tập thể – giao lưu: Học ăn học nói, học gói bánh ít mang về!

Chỉ là thứ bánh dân dã, kết hợp hài hòa những sản vật “cây nhà, lá vườn”, nhưng từ rất lâu bánh ít lá gai luôn có mặt trong các hoạt động ẩm thực của người Bình Định. Lần đầu tiên được tự tay làm ra thức quà là đặc sản của quê hương, các thành viên AK22 không khỏi háo hức.

Đầu tiên, vo tròn trong lòng bàn tay sau đó cán mỏng ra, cho một nhúm nhân dừa hay đỗ xanh vào giữa, cẩn thận túm bốn bên lại cho khít mối sau đó lại vo tròn trong lòng bàn tay. Chấm nhẹ bánh vào chén dầu phộng để sẵn, xoay đều trên tấm lá chuối xanh, sau đó bọc bánh lại theo hình tháp và mang đi hấp cách thủy.

Phần mà mọi người trông đợi đã đến! Thưởng thức những chiếc bánh do chính tay mình làm ra, tuy không hoàn hảo nhưng lại ngon hơn bao giờ hết!

HỒI 3: Hoạt động tập thể – trò chơi: Thử tài bắt ốc!

Sau khi đã nạp đủ năng lượng “bánh ít”, ba đội thi đấu đã sẵn sàng để tìm thức ăn cho bữa tối . Tiếng coi vang lên. Các thành viên bắt đầu xắn tay áo, lụi cụi mò ốc. Là người con của thành phố biển, đây là lần đầu tiên chúng em được trải nghiệm bắt ốc dưới sông. Ốc to ốc bé ẩn mình dưới những lớp cát và người bắt phải thật cẩn thận, lội nước thật nhẹ để không làm đục nước, khó quan sát ốc. Hơn 20 phút trôi qua, 5 chiếc xô được phát cho các đội đã đầy ắp những con ốc bươu tươi sống với tổng trọng lượng gần 5kg. Và như đã nói từ ban đầu, bữa ăn tối hôm nay của AK22 sẽ có thêm món Ốc bươu xào xả ớt, như một phần thưởng cho sự nỗ lực của mọi người.

HỒI 4: Quây quần bên ánh đèn thưởng thức đặc sản địa phương

Để nạp đầy năng lượng sau khoảng thời gian miệt mài bắt ốc, một bàn thức ăn thịnh soạn đã được chuẩn bị sẵn sàng cho “những chiếc bụng đói meo”. Tất cả cùng nhau quây quần bên ánh đèn, trò chuyện rôm rả về những khoảnh khắc vui vẻ hôm nay và thưởng thức đặc sản địa phương, đặc biệt là món ốc do chúng em tự tay bắt.

HỒI KẾT: Lên xe trở về trung tâm thành phố Quy Nhơn, chúng em ý thức được rằng: chuyến đi đã sắp kết thúc, cũng như năm học 12 đã sắp chạm đến những khoảnh khắc cuối cùng. Chuyến đi là dấu ấn thanh xuân chúng em, là hồi trống vang khúc tự hào dân tộc, là dòng nước xanh đưa chúng em Về Nguồn. Những giá trị ấy sẽ mãi được lưu giữ trong một góc trái tim chúng em, ôm ấp và tạo động lực cho chúng em khi mỗi người một phương xa. Chúng em xin gửi lời tri ân đến Ban Giám Hiệu, cô giáo chủ nhiệm cùng các hướng dẫn viên địa phương vì đã tạo cơ hội cho AK22 quây quần bên nhau với những trải nghiệm bổ ích và lý thú.

Tác giả: Tập thể học sinh lớp 12 chuyên Anh – AK22

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *