Quy Nhơn, ngày 12 tháng 12 năm 2022

Gửi Phú Yên và những người bạn đồng hành!

Chúng tôi viết lá thư này với tư cách là những học trò trường Lê Quý Đôn đã đi qua mảnh đất Phú Yên đầy nắng và gió, ghi lại những dấu vết của cuộc hành trình. Với chúng tôi, đây có lẽ là một chuyến đi nhiều cảm xúc, đầy ý nghĩa với những khám phá mới mẻ nhất. Một nhà triết học đã từng nói: “Thế giới này là một cuốn sách, hãy đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất để đọc hết cuốn sách”. Quả thật là như vậy, đi để tìm kiếm cuộc sống, đi để khám phá bản thân và đi để trông nhìn thế giới. Chúng tôi từng khát khao. Chúng tôi từng mong đợi. Và chúng tôi từng đi. Nhưng chưa có cuộc hành trình nào đáng nhớ như chuyến đi này, không phải vì không vui bằng mà là vì đây là chuyến đi mà chúng tôi vỡ lẽ được nhiều điều thú vị nhất.

Từ  Quy Nhơn, chúng tôi đến vùng đất Phú Yên. Phú Yên của hôm nay mang trong mình những nét hình hài xưa cũ, thân thuộc với mỗi người đến ngỡ ngàng. Đó là hình ảnh của đồng lúa mênh mang, những ngôi nhà mái ngói rêu phong, những bức tường hằn in màu thời gian giữa phố thị, những làng quê mộc mạc yên bình, những cánh rừng xanh tươi nằm sát hai bên đường Quốc lộ 1A… Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Tháp Nhạn cổ kính và được xây dựng từ rất lâu dưới bàn tay của người Chăm. Không chỉ mang trong mình vẻ đẹp lịch sử đã nhuốm màu thời gian, còn có một lý do quan trọng khác khiến cho tháp Nhạn trở thành điểm đến mà ta không thể bỏ qua khi đến với Tuy Hòa. Bởi vì chỉ ở nơi đây, dưới chân tháp Nhạn, ta mới có cơ hội ngắm toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, thành phố cửa sông, nơi con sông Đà Rằng hòa vào với biển. Điều bất ngờ ở đây là có truyền thuyết kể rằng người ta xây nên tháp Nhạn chỉ với mục đích phân thắng bại để tranh giành lãnh thổ. Sự xuất hiện và tồn tại của tháp Nhạn hơn 800 năm cùng với những truyền thuyết về tháp Nhạn đã phản ánh quá trình khai phá vùng đất Phú Yên của người Việt trong thế kỷ XVI, về sự giao thoa văn hóa, tinh thần giữa hai dân tộc Việt – Chăm trên vùng đất Phú Yên trong quá khứ và hiện tại. Nét cổ kính của ngôi tháp đã gợi lên trong chúng tôi những liên tưởng về người Chăm một thời quá vãng.  Ngày nay, tháp Nhạn đã trở thành một công trình nghệ thuật đi vào thơ ca và âm nhạc và là biểu tượng cho văn hóa Phú Yên:

Anh còn nợ em

Chim về núi nhạn

Trời mờ, mưa đêm…” .

Anh hướng dẫn viên đã hẹn với chúng tôi ngày thăm lại Phú Yên sẽ thú vị hơn nữa nếu tới thăm tháp Nhạn vào đúng dịp Tết Nguyên tiêu để thử sức đối thơ với những thi sĩ đến từ khắp mọi miền trên cả nước. Thật sự rất hi vọng một ngày không xa Tháp Nhạn sẽ một lần nữa chào đón chúng tôi, để một lần nữa sống lại trong tôi những giây phút hoài cổ. 

Xe tiếp tục lăn bánh trên những nẻo đường, chúng tôi dừng chân tại Gành Đá Đĩa – nơi có vẻ đẹp hoang sơ tuyệt vời. Gành Đá Đĩa là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát dĩa nên có tên gọi là Gành Đá Đĩa. Ngày chúng tôi đi là một chiều mưa lất phất thế nên sóng đánh khá mạnh vào những cột đá dính liền vào nhau, tưởng chừng như sẽ phá vỡ cảnh đẹp nhưng hóa ra nó lại tạo những khung cảnh đẹp vào ảo diệu hơn bao giờ hết. Nếu bạn ở đó, tôi chắc rằng bạn sẽ phải trầm trồ mỗi khi con sóng đánh vào. Còn có một trải nghiệm rất đặc biệt đó là tại nơi đây, bạn sẽ có cơ hội được trông thấy những nhạc cụ truyền thống của dân tộc, hơn hết là được chiêm ngưỡng màn biểu diễn đánh đàn đá hết sức đặc sắc tại quán cà phê  “Hồn xưa”.

Ngày mới nắng lên, chuyến xe của chúng tôi dừng tại tháp Nghinh Phong – một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đặt chân đến mảnh đất Phú Yên. Lấy cảm hứng từ Gành đá Đĩa mang tính biểu tượng của Phú Yên và truyền thuyết “trăm trứng trăm con” của Lạc Long Quân và Âu Cơ, Tháp Nghinh Phong được xây dựng gồm hai phần, với những ý nghĩa đặc biệt. Phần chính giữa tháp là hai cột đá, trong đó cột đá cao 35m đại diện cho Lạc Long Quân, và cột đá thấp hơn, cao 30m đại diện cho Âu Cơ. Dưới chân mỗi tháp là 50 khối đá xếp liền kề nhau, tượng trưng cho hình ảnh của 50 người con theo cha lên núi, 50 người con theo mẹ xuống biển trong truyền thuyết. Điều đặc biệt không thể bỏ qua chính là phần tường giữa hai cột đá, chỉ đủ cho hai người đứng. Tại đây, bạn không chỉ được trông thấy những bức phù điêu trang trí tinh xảo, mà còn có thể lắng nghe những bản giao hưởng tuyệt vời từ gió. Đó là những bản nhạc độc nhất không bao giờ lặp lại, mang tới những trải nghiệm thưởng thức và cảm nhận rất riêng cho chúng ta.

Cuộc hành trình tiếp tục, chúng tôi đến với Bãi Xép – Phim trường của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Bãi Xép sở hữu một bãi cát vàng rực rỡ ôm trọn lấy làn nước xanh màu ngọc bích trong vắt. Dọc theo những bờ cát mịn màng là những vách đá đen huyền kì thú nhô ra bờ biển. Mỗi đợt sóng ùa vào là tung lên những làn bọt trắng xoá giữa biển trời mênh mông. Nếu bạn là một fan chân chính của Nguyễn Nhật Ánh hay bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì chắc chắn phải đến với nơi này. Ở dạng tác phẩm, cuốn sách đã thành công vang dội, sau khi chuyển thể thành phim lại một lần nữa đưa tác phẩm đến gần hơn với người đọc yêu mến Nguyễn Nhật Ánh. Thành công của bộ phim được tạo nên bởi cốt truyện, bối cảnh và không gian văn hóa của mảnh đất Phú Yên. Sự kết hợp hài hòa giữa văn học, điện ảnh và âm nhạc tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem bởi nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc sống và con người.

Tại nơi đây tinh thần tập thể của lớp tôi đã được thể hiện đầy trọn vẹn, chúng ta đã cùng nhau chơi những trò chơi đồng đội trên bãi cát vàng. Dù có gió, có nắng nhưng lớp chúng tôi vẫn hết mình cùng nhau đoàn kết chinh phục những thử thách. Vui mừng, hãnh diện khi chiến thắng nhưng cũng có những giây phút hụt hẫng vì không được cộng điểm. Mọi cảm xúc của chúng tôi đều được gửi gắm tại nơi đây – Những kỉ niệm đẹp nhất của tuổi thanh xuân!

Kết thúc cuộc hành trình, chúng tôi đã đến với một công trình mang lối kiến trúc gô-tích cổ điển – Nhà thờ Mằng Lăng. Đây được xem là nhà thờ cổ nhất của tỉnh Phú Yên và là một trong những ngôi nhà thờ lâu đời nhất Việt Nam. Có một điều tuyệt vời đó là nơi này lưu giữ cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma. Cuốn sách được trưng bày dưới một khu hầm nhỏ trước sân nhà thờ. Khu hầm được xây dựng khá kỳ công trong lòng một quả đồi giả. Bên trong hầm có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên. Có lẽ để chào mừng giáng sinh, nhà thờ lại được dịp trang hoàng nên khoác thêm một tầng lộng lẫy nhưng vẫn nghiêm trang và cổ kính.

Gần hai ngày ngắn ngủi  từ thành phố thi ca đến xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh đã để lại trong lòng chúng tôi bao cảm xúc thật đặc biệt. Chúng tôi dường như trở nên thân thiết hơn rất nhiều, cùng vui chơi, gần gũi, mọi người cùng xích lại gần nhau. Vậy là, ngoài chuyện cùng nhau học tập chúng tôi lại có thêm kỉ niệm cùng nhau vui chơi thật đáng nhớ.. Đây không chỉ là những địa điểm đặc biệt để ta chụp ảnh, tham quan và thưởng thức. Nó là nơi ta học hỏi, là nơi hồn ta hòa với hồn người, hòa với thiên nhiên và đất Mẹ. Tháp Chàm cổ kính gắn với lịch sử nhân dân; Nghinh Phong lại mang theo nét nghệ thuật hội họa tinh tế khiến người ta phải trầm trồ; mảnh đất “Hoa vàng trên cỏ xanh” lại đặc biệt hơn cả khi gắn liền với văn chương, âm nhạc và điện ảnh; còn nhà thờ Mằng Lăng lại gắn với sự tích Đức Chúa Trời. Mọi thứ dường như đều bắt nguồn từ cuộc đời, vì con người mà hiện hữu. Đó là một sự vỡ lẽ hoàn toàn mới trong tâm tôi: Hóa ra văn chương, nghệ thuật và văn hóa tưởng như tách rời lại hòa hợp với nhau đến kì diệu.

Bạn biết không, mỗi nơi đến là vẻ đẹp mang những sắc màu khác nhau nhưng chuyến đi thanh xuân này không chỉ nhắm mục đích để khám ra thế giới mà còn giúp ta tìm hiểu con người. Vui không? Vui. Hạnh phúc không? Hạnh phúc. Bởi chúng tôi chưa từng hoàn toàn hiểu được nhau, từng xung đột, từng tranh chấp ở một vài phương diện. Nhưng trong cuộc hành trình này chúng tôi học cách đoàn kết với nhau để dành chiến thắng trong những trò chơi. Chúng tôi học cách tiếp thu và lắng nghe, hết mình vì những trò chơi bên bạn bè. Ngay giây phút ấy, ta lựa chọn bỏ đi những thành kiến và sự vị kỉ của mình.

Bạn biết không, thanh xuân đẹp nhất chính là những lần chúng ta đi cùng nhau đến những vùng đất mới, cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau chụp những tấm ảnh đẹp nhất. Tuổi trẻ cũng vì thế mà đẹp hơn, không còn phải cắm mặt vào những trang sách vở để học ngày học đêm, không còn áp lực bởi không khí học tập dồn dập và vội vã. Chuyến đi là khoảnh khắc tự do của con người. Chúng tôi đã tận hưởng một cuộc hành trình khám phá, trải nghiệm và trưởng thành. Từ đây chúng tôi sẽ viết tiếp tuổi trẻ của mình và vẫn sẽ đi cho khi còn có thể.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Có những thứ chỉ đến với ta một lần trong đời, dù thời gian có dài hay ngắn những nó để cho ta cảm giác thực sự khó quên”. Đó là cảm xúc của chúng tôi đối với hành trình này. Những câu chuyện về tình bạn, về những vương triều, về cuộc sống sẽ là bài học sau chuyến đi mà chúng tôi mang về thành phố thi ca. Cảm ơn mảnh đất Phú Yên xinh đẹp! Cảm ơn những người đã đồng hành cùng tôi! Chúng ta sẽ cùng nhau viết tiếp một thanh xuân rực rỡ và đầy ý nghĩa !

Chúc tất cả những điều tốt đẹp nhất!

Tập thể học sinh lớp 11 chuyên Văn khóa 23

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *