Điểm đến tiếp theo trong hành trình trải nghiệm thực tế của lớp 12Sinh chúng mình là “trái tim phố núi” của Tây Nguyên đại ngàn- Gia Lai. Cùng chúng mình trải nghiệm những điều tuyệt vời tại phố núi này nhé! Let’s go!

Để dùng một từ khi nhớ về  Gia Lai thì chắc chắn mình sẽ dùng từ “Tình”. Ví như nàng sơn nữ, nơi đây mang vẻ đẹp hữu tình của non nước, chất nghệ sĩ mến khách của anh hướng dẫn viên vườn quốc gia Kon Ka Kinh hay cái thời tiết se lạnh buổi đêm để đôi tình nhân nép bước bên nhau tình tứ,…

Thật sự đến đây rồi mình mới hiểu được hết “cái chất tình” trong câu chữ của nhạc sĩ Nguyễn Cường:

“Em đẹp thế Pleiku ơi

Trái tim tôi như vỡ tan rồi

Không dám nhìn vào đôi mắt ấy

Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy…”

Chìm đắm trong ẩm thực mộc mạc của Tây Nguyên đại ngàn và những nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc

Sau gần 4 giờ di chuyển, chúng mình dừng chân tại làng Plei Ốp để dùng bữa tối. Ấn tượng đầu tiên khi chúng mình đến với “Ẩm Thực Plây” đó là không gian rộng lớn được trang trí theo phong cách địa phương với nhà rông, cồng chiêng, cột tre nứa… như một buôn làng thực sự. Tiếp đến đó là sự mến khách vô điều kiện với những món ăn độc đáo: cơm lam, xiên heo nướng, tép đùm lá chuối nướng, gà nướng,… Lúc lửa trại được đốt lên ửng đỏ một góc trời cũng là lúc chúng mình tham gia vào vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên. Khi chúng mình cầm tay nhau, quây quần bên đốm lửa bập bùng, hoà vào tiếng cồng, tiếng chiêng đại ngàn, mọi mệt mỏi trên đường đi dường như tan biến, chỉ còn lại niềm vui, sự phấn khởi với những điệu múa mới mẻ.

Ăn tối nào

Lạc vào đôi mắt Pleiku

Biển Hồ cách trung tâm Pleiku tầm 7km theo hướng Tây Bắc, còn có tên gọi khác là hồ T’nưng. Đường đi trải nhựa đẹp và cũng được định vị rõ ràng trên GG map nên việc đến đây rất dễ. Chúng mình gửi xe ở nhà xe đầu cổng KDL và đi bộ vào. Bạn cũng có thể đi bằng xe điện nhưng chúng mình chọn đi bộ cho thoải mái, thong dong ngắm cảnh.

Một cung đường Biển Hồ

Hai bên đường là những hàng thông cao vút, rất mát dù là giữa trưa, có nét gì đó rất giống những con đường ven đồi ở Đà Lạt. Nơi được xem như cửa sổ tâm hồn của phố núi Pleiku. Với mặt nước phẳng lặng, lấp lánh ánh bạc trong nắng chiều. Những hàng cây phủ kín đôi bờ. Nhành cây, cánh hoa mỏng manh khẽ rung theo từng ngọn gió. Những làn hơi nước từ phía lòng hồ cũng nương theo hướng gió để lướt qua lớp khẩu trang hầm hập, bí bách của mình. Không khí nơi đây thật dịu mát và dễ chịu vô chừng. Mọi ngột ngạt, phiền muộn cũng theo đó mà trôi xa đi. Những khúc đường uốn lượn qua những gốc thông rồi chạy sâu về phía bên trong khu rừng, cùng với dải hàng rào sờn bạc bao quanh. 

Say “Hi!”

Đọc tới đây và xem những bức hình chúng mình chụp liệu bạn có ngỡ đây là cảnh sắc nào đó bạn từng thấy trong phim Hàn Quốc không? 

Thật đáng tiếc nếu như tới Gia Lai mà lỡ bỏ qua điểm đến này.

Ghé thăm hàng thông “trăm tuổi” trên cao nguyên Pleiku

Hàng thông được nhiều người nhắc tới này nằm trên con đường đi qua địa phận thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cách TP. Pleiku khoảng 15km.

“Con đường Hàn Quốc” 

Chạy theo con đường liên thôn dài khoảng một cây số, hai hàng thông già chụm đầu thẳng tắp, mỗi gốc thông ba người ôm không xuể tỏa rợp bóng đã che mưa, che nắng cho nhiều thế hệ người dân sinh sống tại đây. Người dân ở đây không ai biết rõ hàng thông ba lá đại thụ được trồng vào thời điểm chính xác nào, chỉ biết rằng nó có từ lúc những người Pháp xuất hiện trên vùng đất này và thành lập nên Sở Trà – đồn điền chè đầu tiên trên cao nguyên Pleiku vào đầu thế kỉ XX. Rồi từ người Pháp đổi sang chủ người Tàu đã mở rộng diện tích trồng chè trải dài đến tận chân núi, hơn 100 người công nhân mộ phu người Kinh sống trong những ngôi nhà 40 mét vuông đã lập nên xóm làng đầu tiên tại đây, gọi tên là xóm Trải Mộ, làng Cỏ May.

Đến nay, những vạt chè xanh mướt vẫn được giữ lại canh tác và làm nên cái tên truyền miệng trên các chuyến xe ngược xuôi Nam Bắc: Biển Hồ chè (Biển Hồ trà). Mọi ưu phiền hay mệt mỏi như được vứt đi xa tít khi ngắm tận mắt những nương, đồi chè xanh ngắt, dài hút tầm mắt. Thoang thoảng trong không khí là mùi lá chè thơm thơm, tươi mát vô cùng. Tranh thủ chụp cho mình thật nhiều ảnh sống ảo, nhưng ĐỪNG ngắt lá chè để diễn bạn nhé!

Biển Hồ chè một ngày nắng nhẹ

Khám phá thiên nhiên hoang dã “gói gọn” trong Vườn Quốc gia Kon Ka KinhĐiểm nhấn tạo nên sức hấp dẫn cho các khu du lịch sinh thái của Gia Lai phần lớn nhờ vào tài nguyên rừng phong phú và địa hình độc đáo. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh – một trong 4 vườn quốc gia Việt Nam được Đông Nam Á công nhận là “Vườn Di sản Asean”. Đây là địa điểm chính mà chúng mình đã chọn để học tập, nghiên cứu và khám phá.

Kon Ka Kinh, chúng mình đến rồi!

Trong vườn chủ yếu là rừng nguyên sinh với các thảm thực vật rừng, bao gồm nhiều kiểu rừng: rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp (11.837ha, chiếm 28,9%); rừng kín hỗn giao lá rộng – lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp (1.253ha, chiếm 3,1%) – là kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam; rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (diện tích nhỏ); kiểu phụ thứ sinh nhân tác (rừng kín lá rộng thường xanh nghèo kiệt, rừng kín thường xanh phục hồi, rừng tre, nứa, rừng trồng, đất trống, trảng cỏ…). Nhiều cây pơ mu, chỉ thấy duy nhất ở vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Chúng mình chọn đi bộ xuyên rừng lên độ cao trên 700m để tham quan những cánh rừng nguyên sinh với các loài thực vật đa dạng về hình dáng, phong phú về màu sắc. Đặc biệt là những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, đồng thời thưởng thức khí hậu mát lành, phong cảnh hữu tình của thiên nhiên ban tặng.

Đi bộ ngao du

Kon Ka Kinh có một hệ thực vật hội tụ của những luồng thực vật như Luồng thực vật thuộc khu hệ Bắc Việt Nam (bao gồm các loài cây thuộc họ đậu, dâu tằm, na, giẻ, thầu dầu và mộc lan…), Luồng thực vật thuộc khu hệ Vân Nam-Quý Châu và chân dãy núi Himalaya (bao gồm các loài cây lá kim của ngành phụ hạt trần như thông nàng, hoàng đàn giả, kim giao, pơ mu…) Luồng thực vật thuộc khu hệ Malaysia-Indonesia (bao gồm các loài cây thuộc họ dầu như chò chai, chò đen, chò chỉ, cẩm). Luồng thực vật Ấn Độ-Myanmar (bao gồm một số loài cây thuộc họ bàng như choại; họ tử vi như bằng lăng ổi…).

Cây đa hàng trăm tuổi

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh không chỉ có thực vật mà ở đây còn có các loài thú lớn như vượn má hung, voọc vá chân xám, hổ mang Trường Sơn… chim thì có các loài mới được phát hiện trong vòng 30 năm trở lại đây như khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn, thày chùa đích đỏ. Động vật bò sát cũng phong phú với lớp bò sát ếch nhái, thằn lằn buôn lưới, chàng Sapa, ếch gai sần…Đây sẽ điều kiện lý tưởng để bạn trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái tham quan, quan sát và nghiên cứu động vật hoang dã.

Kon Ka Kinh, hệ động vật rừng đặc hữu cho cả Việt Nam và Đông Dương bao gồm 5 loài thú lớn như  (voọc vá chân xám, vượn má hung, hổ, mang Trường Sơn và mang lớn. 7 loài chim như (khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu kon ka kinh-loài mới được phát hiện cho khoa học trong vòng 30 năm trở lại đây ở khu vực châu Á, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thày chùa đít đỏ). 4 loài thuộc lớp bò sát ếch nhái (thằn lằn đuôi đỏ, thằn lằn buôn lưới, chàng Sapa, ếch gai sần).

Ngoài sự phong phú và đa dạng về tài nguyên, Kon Ka Kinh còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông lớn cung cấp nước tưới cho nông nghiệp và nước sinh hoạt cho các huyện của tỉnh Gia Lai và Kon Tum. 

Dòng suối nhỏ chảy qua vườn

Hơn thế nữa, Kon Ka Kinh còn có tiềm năng cho việc phát triển du lịch sinh thái. Đến với Kon Ka Kinh là đến với bản làng của các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Ba Na hiện vẫn được lưu giữ như thủa sơ khai.

Sức hấp dẫn, lôi cuốn của khu Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn nằm ở hệ thống sông, suối, thác, ghềnh tự nhiên tuyệt đẹp như thác Đắk Pooc, suối Knia, Đắk Kơ Bưng, thác Đắk Pooc, thác 95 nổi tiếng và đẹp nhất có độ cao khoảng 40m. Do địa hình đa dạng với nhiều dãy núi cao chia cắt với mây mù bao phủ quanh năm tạo nên một Kon Ka Kinh hùng vĩ và thơ mộng.

Điều đặc biệt ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh không chỉ nằm ở vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ, hoang sơ mà đâu đó còn là vẻ đẹp bình dị của con người làm công tác nơi hoang sơ hẻo lánh này. Chúng mình may mắn được gặp anh Trường- người làm công tác ở vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, được anh tận tình hướng dẫn, bổ sung nhiều kiến thức mới. Ở anh luôn ánh lên niềm vui, niềm hiếu khách cởi mở- đặc điểm mà chúng mình cảm nhận được ở người dân Gia Lai- khi chúng mình ghé thăm, tựa như chúng mình được thấy “anh thanh niên” trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long bằng xương bằng thịt vậy.

Anh Trường- người hướng dẫn tại vườn Quốc gia

Sau hơn một ngày rong chơi núi rừng Gia Lai, chúng mình tự hỏi tại sao ngần ấy năm lại bỏ lỡ một vùng đất hay ho như vậy, trong khi nó chỉ cách quê mình quãng đường gần 4 tiếng. Cảm ơn Gia Lai đã đón chúng mình bằng ánh nắng nhè nhẹ pha lẫn hơi sương, bằng những hàng thông, đồi chè, bằng bụi đất đỏ bạt ngàn. Mỗi nơi chúng mình ghé qua đều mang một vẻ đẹp rất riêng. Nhưng điều đẹp và tình nhất của Gia Lai, có lẽ là tình người. Vi vu Gia Lai chỉ vỏn vẹn hơn một ngày trời, nhưng sự nồng hậu đó đã lấp đầy cả album ảnh của chúng mình. Suy nghĩ hồi lâu vẫn không tìm được lý do nào để chán ghét miền đất đỏ này cả. Cơn say về miền đất đỏ dường như vẫn còn đuổi theo chúng mình về tận Quy Nhơn. Thanh xuân của 12Sinh vì Gia Lai mà thêm rực rỡ muôn phần.

Tác giả: Nguyễn Công Thịnh – HS lớp 12 chuyên Sinh học

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *