Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của thí sinh và phụ huynh là đạt điểm thi THPT mức nào sẽ đậu đại học. Các chuyên gia nhận định điểm chuẩn đại học năm nay ra sao?

Chỉ còn đúng một tuần nữa (đến 17h ngày 30-7), thí sinh phải hoàn tất việc điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Trên thực tế, không ít thí sinh đã trúng tuyển sớm cả chục trường nhưng vẫn muốn tiếp tục đăng ký xét tuyển (ĐKXT) bằng điểm thi THPT vào ngành, trường mong ước. 

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh muốn “đua vào ngành hot, trường top” dù có điểm thi cao vẫn lo lắng. Thí sinh nên chốt nguyện vọng xét tuyển thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển?

Trên 27 điểm có đậu trường y?

Năm nay, các trường tốp trên đào tạo nhóm ngành y dược đều dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi THPT. Các ngành y khoa, răng hàm mặt, dược học luôn là những ngành “cực hot”, có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thí sinh. 

Trong khi khảo sát dữ liệu điểm thi THPT năm nay cho thấy chỉ có tổ hợp B00 (toán – hóa – sinh) có số thí sinh điểm cao tăng và tổng số thí sinh cũng nhiều hơn năm ngoái. Theo đó, điểm trung bình của khối B00 năm 2023 là 19,4 điểm (cao hơn 1,21 điểm so với năm ngoái). Điều này khiến thí sinh đạt từ 26 điểm đang rất lo lắng.

Tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học 2023, do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 22-7, một phụ huynh hỏi: “Con tôi có điểm thi khối B00 đạt 27,5 và mong muốn đăng ký vào ngành răng hàm mặt của Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Mức điểm này có khả năng đậu không?”.

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM – cho hay điểm chuẩn ngành răng hàm mặt của trường năm 2022 là 27 điểm (điểm thi THPT khối B00) và 26,25 điểm (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế). Vì thế với thí sinh trên 27 điểm và có chứng chỉ IELTS có thể yên tâm khi ĐKXT vào ngành này năm nay. 

Đối với ngành y khoa của trường điểm chuẩn năm trước 27,55 và 26,6 điểm, ngành dược học 25,5 và 23,85 điểm. Còn điểm chuẩn năm 2022 của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngành y khoa 25,85 (thí sinh TP.HCM) và 26,65 (thí sinh toàn quốc); ngành dược học 25,45; răng hàm mặt 26,10 và 26,65 điểm…

“Về lý thuyết, nếu đạt từ mức điểm chuẩn năm ngoái trở lên sẽ có cơ hội đậu. Tuy nhiên, phổ điểm khối B00 năm nay lại cao hơn so với năm ngoái nên điểm chuẩn thế nào còn tùy thuộc vào số nguyện vọng thí sinh ĐKXT vào các trường, các ngành.

Chất lượng của thí sinh tham gia ĐKXT (dựa trên mức điểm) sẽ quyết định điểm trúng tuyển ở mỗi ngành. Thí sinh cứ ĐKXT vào ngành, trường mình yêu thích nhất bằng cách xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống” – ông Khôi khuyên.

Điểm chuẩn tăng, giảm ra sao?

Trong khi đó, các thí sinh có điểm thi khối A00 (toán – lý – hóa) mong muốn ĐKXT vào các ngành lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật, công nghệ…, đặc biệt là các trường tốp trên, vẫn đang có nhiều băn khoăn, chưa biết nên chốt nguyện vọng thế nào. 

Ông Phạm Đình Hải (phụ huynh ở Bình Phước) thắc mắc: “Con tôi thi THPT đạt 27,5 điểm khối A00. Mức điểm này có trúng tuyển vào nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM?”.

Theo ThS Phùng Quán – Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm chuẩn ngành công nghệ thông tin của trường năm 2022 là 27,2 điểm. Qua khảo sát về dữ liệu điểm thi THPT năm nay, số thí sinh đạt điểm 27 (tổ hợp A00) trở lên không nhiều, nên cơ hội trúng tuyển của thí sinh có điểm 27,5 vào ngành trên là có nhưng chưa chắc chắn. 

Trong khi đó, trường còn có các ngành gần với lĩnh vực công nghệ thông tin như toán ứng dụng và toán tin, vật lý điện tử và tin học… Thí sinh sẽ có nhiều hơn cơ hội trúng tuyển và vẫn có thể học liên quan đến công nghệ thông tin.

Ông Phùng Quán nhận định: “Dựa vào số liệu, có thể thấy nhóm các trường đại học ở phía Nam có điểm chuẩn từ 26 điểm trở lên, cụ thể: các tổ hợp A00, A01 điểm chuẩn có thể giữ nguyên hoặc giảm nhẹ so với điểm chuẩn năm ngoái (trừ các ngành siêu “hot” như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, công nghệ phần mềm…). 

Tổ hợp B00 điểm chuẩn có thể tăng nhẹ và tổ hợp D01 điểm chuẩn có thể tăng so với năm ngoái. Còn mức điểm chuẩn từ 21 – 26 điểm: tổ hợp A00, A01 điểm chuẩn không biến động nhiều; tổ hợp B00 và D01 có thể tăng so với năm ngoái”.

Yêu thích ngành nào cứ xếp nguyện vọng lên trên

PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho hay năm 2022 trường xác định điểm chuẩn dựa trên tỉ lệ 70% điểm thi đánh giá năng lực, 20% điểm thi THPT và 10% điểm học bạ THPT.
“Năm nay, công thức tính điểm có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng hồ sơ nhận được. Nếu tính điểm theo công thức trường đã công bố thấy điểm mình cao hơn điểm chuẩn năm ngoái không có nghĩa chắc chắn sẽ đậu và nếu điểm thấp hơn một chút cũng không có nghĩa sẽ rớt.
Điểm chuẩn các ngành khối kỹ thuật có thể sẽ giảm một chút, nên thí sinh không nên quá lo lắng với cách thức tính điểm của trường. Nếu yêu thích ngành nào thì cứ xếp nguyện vọng lên trên khi ĐKXT” – ông Thắng khuyên.

3 sai lầm

TS Bùi Quang Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho rằng thí sinh và phụ huynh thường có ba sai lầm trong chọn ngành tuyển sinh: 1. Phụ huynh tự quyết định chọn ngành, trường cho con. 2. Chọn ngành nghề không phù hợp với tính cách, đam mê của học sinh. 3. Quá chú trọng vào tên của chương trình đào tạo.
“Cần phải hiểu rằng trong đào tạo có ba nhóm: lĩnh vực, nhóm ngành và ngành. Trong đó, ngành đào tạo tập hợp các kiến thức, kỹ năng chuyên môn; nhóm ngành là những ngành liên quan có khối kiến thức chung; lĩnh vực là tập hợp các nhóm ngành.
Chọn ngành trong bối cảnh hiện nay phải theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, đừng chú ý quá nhiều đến tên chương trình đào tạo. Nếu một ngành nào đó điểm chuẩn cao quá, không phù hợp với năng lực học tập của mình thì cần xem xét chọn ngành khác trong nhóm ngành” – ông Hùng khuyên.

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *