Nhạc và lời: Lê Trọng Nghĩa
LỜI BÌNH CỦA TRẦN HÀ NAM:
Bài hát Quy Nhơn trùng khơi gió ngàn được sáng tác bởi Lê Trọng Nghĩa, là một ca khúc trữ tình lãng mạn hay về Quy Nhơn.
Tác giả Lê Trọng Nghĩa là người đa tài. Bản thân anh chỉ nhận mình là điêu khắc gia, đúng chuyên ngành anh được đào tạo bài bản, tốt nghiệp Thạc sĩ nghệ thuật thị giác tại Thái Lan và nhiều tác phẩm điêu khắc đã đạt giải cao cấp Trung ương và địa phương. Nhưng anh đồng thời còn đạt giải Đào Tấn – Xuân Diệu của tỉnh cả lĩnh vực thi ca, âm nhạc. Không những thế, anh còn là một guitarist có thể làm tan chảy trái tim người yêu nhạc. Chất nghệ sĩ tổng hòa nhiều loại hình nghệ thuật như vậy có thể nhận ra trong những tác phẩm của anh. Bài hát này chỉ là một trong nhiều minh chứng.
Ngay từ những ca từ đầu tiên ta đã nhận ra một chất thơ mềm mại quyện với những nét phác của nghệ thuật hội họa:
“Thành phố nghiêng mình ôm bờ biển ru
Chim yến bay về bay qua niềm nhớ
Dọc bước phi lao ngàn sóng lao xao
Muốn nói điều gì Quy Nhơn ơi….”
Tôi mường tượng ra một Quy Nhơn thật tha thướt duyên dáng và cũng thật nồng nàn trong khoảnh khắc “nghiêng mình ôm bờ biển ru…”. Không gin nghệ thuật điểm xuyết trong cánh én chao liệng “bay qua niềm nhớ”. Biển thật yên bình, lắng đọng đợi chờ khi chân lãng tử “dọc bước phi lao” ra với biển, lắng nghe tiếng “lao xao” của sóng, lắng nghe lòng mình bồi hồi với Quy Nhơn. Muốn nói điều gì cùng Quy Nhơn mà chưa thể thốt ra lời…
Giai điệu dìu lời ca dặt dìu theo từng nhịp sóng, để thăng hoa nỗi nhớ gửi ngàn trùng:
“Mây trôi trăng trôi hư huyền tháp cổ
Câu thơ thi nhân xưa còn vọng giữa miên man
Chơi vơi đâu đây một nỗi nhớ ru sương nhẹ buồn
Một nỗi nhớ Quy Nhơn – em dịu dàng
Ta – một thời nông nổi
Yêu em trùng khơi gió ngàn”
Chao ôi cái ánh trăng từng làm ám ảnh tâm hồn bao thế hệ thi nhân Bình Định! Lời hát đẹp lạ lùng trong cảm giác lãng đãng “mây trôi trăng trôi hư huyền tháp cổ” cùng tiết tấu miên man không đứt gãy nhịp, khiến cho mây – trăng – tháp cổ quyện vào nhau đắm đuối, gọi về hồn thơ lãng mạn thấm đẫm ánh trăng của thi nhân thuở Bàn thành tứ hữu. Cảm xúc cũng ùa về trong ca từ gợi không gian hoài niệm “hư huyền”, “miên man”, “chơi vơi”…Cảnh thực bỗng trở nên huyền ảo, của một không gian “như tự thượng tầng không khí xuống” (Hàn Mặc Tử), như “Từ trời xanh/rơi/vài giọt Tháp Chàm” (Văn Cao). Không gian chuẩn bị cho “một nỗi nhớ ru sương nhẹ buồn” – “Một nỗi nhớ Quy Nhơn – em dịu dàng”, nỗi nhớ tình yêu lãng đãng khói sương, người Quy Nhơn hiện nét dịu dàng choáng ngợp tâm tư! Bóng hình năm cũ tan vào mây – trăng – sương, quấn quít ôm bóng cổ tháp hư huyền. Giai điệu bài hát như càng làm rõ cảm giác của người đang kiếm tìm và lắng nghe “đâu đây” còn vương vấn dáng người xưa… để rồi chợt nhận ra “ta một thời nông nổi – yêu em trùng khơi gió ngàn”. Tôi chắc chắn một điều rằng câu hát này chạm vào thanh xuân của bao người Quy Nhơn, bao người đã và đang yêu. Còn gì mãnh liệt và nồng nàn hơn một tình yêu như thế! Vũ Quần Phương có một tứ thơ về tình yêu trước biển, hơi ồn ào với “cái cao xa thanh khiết không lời, cái dữ dội ngang tàng của gió…”, còn Lê Trọng Nghĩa đã bắt được hồn vía của biển, của Quy Nhơn trong bốn chữ “trùng khơi gió ngàn” thật phóng khoáng dào dạt. Dẫu tự nhận “một thời nông nổi”, nhưng có lẽ kẻ đang yêu nào cũng ước được nông nổi một lần như thế…
Cũng giống như thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo khi trở lại Quy Nhơn cũng nhận ra từ cuộc tình “có thể đã hóa thành không thể/Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi”!
Để rồi điệp khúc vang vọng lời nhắn gửi thiết tha:
“Người tình ơi nơi đó xa xôi
Ai về góp gió ngắm cầu Đôi
Hàng dừa xanh còn soi bóng em xanh
Xanh triền sóng vỗ phía ngàn khơi”
Cầu Đôi đến đồi Thi Nhân là trọn một vòng quanh thành phố Quy Nhơn ngày ấy! Tôi chợt hình dung chàng nghệ sĩ năm ấy phơi phới vượt đường xa, từ xứ Bàn Thành (An Nhơn) lóc cóc chiếc xe cà tàng, quên mệt nhọc vì “em ngồi ríu rít ở sau xe/em nói lòng anh mải lắng nghe” (Xuân Diệu). Giờ đây, cũng cung đường ấy, chỉ còn miên man nỗi nhớ, thống thiết gọi nhau: “Người tình ơi nơi đó xa xôi…”. Mà từng địa danh, từng cảnh sắc chấm phá bức tranh tình yêu rất trong sáng “gió cầu Đôi”, “hàng dừa xanh – ôm bóng em xanh”,”sóng ngàn khơi”… Gã nông nổi năm xưa, chiều nay chỉ còn một mình trước biển, về đồi Thi Nhân dõi sóng muôn trùng:
Biển chiều nay rớt xuống trái đơn côi
Ta về rung cảm Thi Nhân đồi
Nghe một thời nông nổi
Tan theo trùng khơi gió ngàn…”
Cũng giống Huy Cận một thời “vạn lí tương tư, vũ trụ tình” để “nghe nặng trái sầu rụng rơi”, Lê Trọng Nghĩa nhận ra biển “rớt xuống trái đơn côi”, để lòng mình hòa theo từng nhịp sóng, để nghe từng vang động “một thời nông nổi”, gặp lại một thời đã yêu mãnh liệt như “trùng khơi gió ngàn”…
“Quy Nhơn trùng khơi gió ngàn” đâu chỉ là một kỉ niệm riêng tư, vì mỗi hình ảnh, địa danh, cảm xúc trong bài hát chạm vào tâm tư người dân phố biển, yêu biển Quy Nhơn như yêu người tình muôn đời! Biển xóa đi tất cả, nhưng biển giữ lại tất cả, để khoảnh khắc bất chợt nào đó, âm vang “trùng khơi gió ngàn” vọng về, đánh thức trong ta bao yêu thương ân tình.
Tác giả: Thầy Trần Hà Nam, Tổ trưởng tổ Ngữ văn