“Đơn vị phát thanh: Đài tiếng nói thiếu nữ sành điệu VêCa2Hai“

Nếu ví tiết trời Quy Nhơn là người thiếu nữ hào sảng, bộc trực với những ngày ngập nắng và đậm mùi muối biển, thì có lẽ, Pleiku – vùng đất của những cao nguyên lộng gió, không khí se lạnh và khí hậu hiền hoà – lại mang một dung mạo của cô thôn nữ miền sơn cước: giản dị, phóng khoáng, niềm nở và cũng rất chiều lòng người.
Người ta thường đến với Pleiku bằng những hoài nghi, rằng, người con gái bản địa với tâm hồn đơn sơ như thế liệu có đủ sức để lại trong lòng người chút gì đó vấn vương, khi xung quanh người lữ khách có biết bao cô gái lụa là phấn son, sành điệu xa xỉ khác? Ấy vậy mà, khi rời đi, phố núi Pleiku đã để lại trong gia đình VêCa2Hai một khoảng trống rất sâu – một khoảng trống mà ai cũng đều tin rằng chỉ có thể lấp đầy bằng mùi hương của hoa dã quỳ, hơi ấm của lửa, âm vang mến khách của vũ điệu cồng chiêng và khung cảnh nên thơ của Biển Hồ mà không phải bằng thứ gấm vóc nào khác. Thân mời quý thính giả nghe đài tiếp tục hành trình khám phá bản tin thời tiết thành phố Pleiku, để VêCa2Hai có cơ hội được kể thêm về mảnh đất đã để lại trong chúng tớ một kỉ niệm đẹp để nhớ, để thương.
Làng Plei Têng – Đông Bắc Gia Lai
17h30 • 11/02/2023
Khi mặt trời dần ngả về phía Tây, những tia nắng cuối cùng của buổi hoàng hôn dần buông xuống trên mái nhà rông của người đồng bào, chuyến xe của gia đình VêCa2Hai cập bến. Làng Plei Têng hiện ra trước mắt chúng mình, với tất cả những mong đợi về một trong những nơi được xem là linh hồn của đồng bào sinh sống tại nơi đây. Sắc đỏ nơi gò má của người thôn nữ vùng cao đã in hằn lên bầu trời, rồi cứ thế lan rộng dần từ chân trời đến điểm dừng chân của người lữ khách. Phút chạng vạng với mây đỏ, gió mềm, chè thơm và nắng nhạt ấy đẹp như một giấc mơ, đẹp đến nỗi trong một phút giây bất chợt nào đấy, chúng tớ đã bằng lòng tin rằng những kỉ niệm khó quên tại Plei Têng cũng chính là giấc mơ viết tiếp của khúc dạo đầu lãng mạn của đất trời. Vậy mà, những gì đồng bào Jrai mang đến cho gia đình VêCa2Hai lại là những điều mắt có thể thấy, tai có thể nghe, da có thể chạm: Trời hoàng hôn đã cháy thành ngọn lửa đỏ, gió lãng du trong điệu nhạc của người nghệ nhân, hương hoa cỏ quẩn quanh bên mâm cơm thịnh soạn. Cảnh Jrai, trời Jrai và người Jrai đẹp như mộng đó, hóa ra, lại thật sự sống và tỏa nắng giữa cuộc đời.

Ở Plei Têng toát lên một không khí thiêng liêng, kỳ bí và tách biệt với thế giới bên ngoài. Đối với người dân tộc JRai, nhà rông Plei Têng từ lâu đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng đại diện cho linh hồn của bản làng và là niềm tự hào lớn lao về bản sắc độc đáo của dân tộc. Nếu như nhà rông của người Ba Na có phần to hơn, được xây dựng với những đường nét mềm mại nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghi thì nhà rông của người JRai lại có kiến trúc thanh thoát, phần mái mảnh và dẹt hơn tựa như lưỡi rìu dựng ngược lên trời. Đặc điểm chung của mỗi nhà rông là đều được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay tại khu vực trung tâm của buôn làng. Những ngôi nhà rông văn hóa cao vút thường là nơi diễn ra buổi sinh hoạt chung của du khách và người dân, giúp du khách được hòa mình cùng các phong tục truyền thống của làng.
Sau giây phút mải mê với những kiến trúc độc đáo của người Jrai, chúng mình đã được thưởng thức một bữa cơm với những đặc sản của người đồng bào nơi đây: gà nướng, cơm lam, rượu cần… Những ống cơm lam được nấu bằng thứ gạo rẫy dẻo thơm, dùng cùng muối giã lá é, sả và ớt bay, những chum rượu cần với đủ vị đắng, cay, chua, ngọt được ủ và lên men từ các loại lá rừng. Với chúng mình, những gia vị và món ăn đặc sản không đơn thuần chỉ là thứ để “ăn cho biết” và thẩm định chúng “ngon hay không ngon”. Từng đĩa muối, từng ống cơm là hiện thân của cả một vùng cao nguyên kỳ vĩ, được chế biến công phu qua đôi bàn tay của những vị đầu bếp nồng hậu và hiếu khách. Có dịp ngồi ở đây, thưởng thức những món ăn đã nuôi lớn người Jrai và cấp sức sống cho cả một vùng văn hóa xứ sở thực sự là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ; mà có lẽ, từ khoảnh khắc ấy về sau, chúng mình khó có thể tìm lại hương vị đó ở bất kỳ nơi nào khác không phải Plei Têng.
Đối với bạn, đâu là ý nghĩa thật sự của một chuyến đi? Với bọn mình, một chuyến đi ý nghĩa không đơn thuần chỉ là “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà đó còn là chuyến đi để chúng tớ cảm nhận niềm vui của mọi giây phút mình đang có và “cháy” hết mình với thực tại.
Và giây phút chờ đợi nhất đã đến, hòa quyện trong âm thanh trầm bổng của tiếng cồng chiêng là những cô gái Jrai trong trang phục dân tộc với những điệu múa mềm mại, uyển chuyển. Vẻ đẹp mang đậm nét văn hóa Jrai ấy làm chúng mình ngạc nhiên và phấn khích. Không cưỡng lại được: 1, 2 bạn…và rồi tất cả chúng tớ đã ùa ra, hòa mình vào không gian ngân vang của tiếng cồng chiêng và những điệu múa say mê ấy. Ca khúc cuối cùng ngân lên thì cũng đến lúc chúng mình phải gửi lời chào tạm biệt tới chốn bình yên của bản làng Plei Têng. Đây là lần đầu tiên gia đình VêCa2Hai được tiếp xúc và đón nhận nét đặc trưng văn hóa vùng miền rất riêng rất đậm đà của đồng bào JRai. Nếu nói đây là một kỉ niệm đẹp thôi thì có lẽ chưa đủ, mà phải dành hẳn một góc riêng trong trái tim để dành cho một kỉ niệm không thể nào quên!
Trường THPT Chuyên Hùng Vương – Trung tâm thành phố Pleiku
8h15 • 12/02/2022.
Tám giờ mười lăm phút sáng, nắng đã đậm màu và ủ ấm những bước chân đang háo hức được bước vào hành trình khám phá thành phố Pleiku. Dẫu đã trải qua một đêm dài vui chơi bên cồng chiêng, bếp lửa, chợ đêm, dường như chúng tớ vẫn chưa thể thích ứng kịp với việc mình đang ở trên một miền đất khác. Có lẽ vì thế mà tiết trời Pleiku cũng nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn, cẩn thận ôm lấy những đứa trẻ đến từ phương xa này. Nhận thấy tâm trạng ngẩn ngơ, bối rối ấy của chúng mình, thầy cô và người dẫn đoàn đã quyết định điểm đến đầu tiên trong ngày sẽ là trường THPT Chuyên Hùng Vương – trường chuyên duy nhất của tỉnh Gia Lai. Mọi người lên xe, mong đợi được ghé thăm môi trường học đường quen thuộc tại một vùng đất mới.

Ngày đến thăm, trường THPT Chuyên Hùng Vương đang rộn rã trong không khí của buổi tư vấn tuyển sinh. Nhìn các bạn học sinh tấp nập ra vào, chủ động hỏi đáp cùng ban tư vấn đến từ các trường Đại học, tất cả mọi người đều ngưỡng mộ tinh thần học tập và môi trường năng động, sáng tạo nơi đây. Đoàn chúng tớ cũng có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu và chụp ảnh cùng hiệu trưởng của trường – cô Lê Thị Thu. Giáo viên, phụ huynh và học sinh của VêCa2Hai đã được cô tiếp đón rất thân tình, nồng hậu, qua đó biết thêm về ngôi trường đã đi qua ba mươi năm lịch sử này. Buổi thăm quan, giao lưu ngày hôm ấy đã để lại trong chúng tớ những ấn tượng khó phai, để khi trở về lớp học của mình, học sinh của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn vẫn không ngừng ngưỡng mộ và phấn đấu để kiến tạo cho riêng mình môi trường học tập không kém phần thú vị, hăng say.
Nhà lao Pleiku – Trung tâm thành phố Pleiku
9h • 12/02/2022.
Rời trường THPT Chuyên Hùng Vương, không khí như cũng dần ấm lên theo từng nhịp quay của bánh xe trên đường phố. Mặt trời ngạo nghễ vươn cao, hâm nóng cỏ cây và vươn tay quấn lấy da thịt con người… Thời tiết ngày hôm nay khiến cho những ai dễ chịu nhất cũng phải cau mày. Nhưng có lẽ, khoảnh khắc ấy chính là lời tiên báo cho những gì sắp sửa xảy ra. Mặt trời dẫu nóng đến đâu vẫn phải “chào thua” trước không khí ngột ngạt của những căn phòng giam chật kín người, cái chau mày trước tiết trời oi bức càng gay gắt thêm khi đứng trước mô hình tái hiện cảnh tra tấn dã man của kẻ ngoại bang. Và cũng không ai trong chúng tớ có thể ngờ rằng, giọt mồ hôi lăn dài trên trán khi tản bộ dưới tán nắng lại trở thành những dòng nước mắt không kịp lau đi, khi chúng tớ được sống lại trong giai đoạn lịch sử đầy đau thương và thống khổ của người chiến sĩ cách mạng.

Được ví như “địa ngục trần gian”, nhà lao Pleiku một thời là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với đồng bào Tây Nguyên trong thời kì kháng chiến giành lấy toàn vẹn non sông của dân tộc.
Đoàn chúng mình đến thăm quan từng phòng giam, chứng kiến từng loại hình tra tấn được phục dựng. Trên gương mặt của một thanh thiếu niên tuổi mười bảy, mười tám, người ta mong được nhìn thấy những nụ hoa đang đâm chồi nảy lộc trên nét cười non trẻ chứ chẳng phải là bão giông chôn sâu trong đôi mắt đã nhìn qua vô vàn nỗi đau của cuộc đời. Nhưng, khi được trực tiếp quan sát các mô hình phục dựng, chúng tớ đã không thể giữ được nụ cười và niềm vui của đêm hôm trước. Tất cả những gì còn lại là cái nhíu mày và đôi vai run lên khi nhìn thấy những người dân yêu nước đang chịu đựng các hình phạt hà khắc, tiếng thở dốc vì ngột ngạt trong căn phòng chật chội chỉ vỏn vẹn 10m2 nhưng đã từng giam giữ hơn 200 tù nhân, tiếng tim đập dồn dã và cổ họng nghẹn bứ lại như có tên quản ngục nào vươn tay bóp chặt… Giây phút ấy, những trạng thái cảm xúc trong tâm hồn chúng mình như va đập, trộn lẫn vào nhau: căm phẫn vì tội ác kinh hoàng giặc gieo rắc cho biết bao nhiêu người dân vô tội, khâm phục những chiến binh mang tinh thần thép… và thậm chí cả chút băn khoăn vô hình về lý do họ lại kiên cường và anh dũng đến như vậy.
Sau khi tham quan các dãy phòng, bọn mình cùng tụ họp lại ở khu nhà chung (bấy giờ là nơi trưng bày những hiện vật còn sót lại) để cùng xem cuốn phim tài liệu ngắn của những nhân chứng sống trở về từ “địa ngục trần gian”. Lắng nghe lời chia sẻ tâm tình của người chiến sĩ “quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh” ngày ấy, chúng mình thật sự bồi hồi và xúc động. Nhất là khi phóng viên hỏi động lực nào đã khiến người chiến sĩ ấy chiến thắng sự đày đọa tàn ác của quân thù, bác lập tức trả lời ngay, nghe như có vẻ bông đùa, rằng: “Đã có nhiều lần tôi muốn đầu hàng lắm chứ, cứ vậy mà khai hết ra để cho mình đỡ khổ, nhưng suy đi tính lại thì tôi vẫn nghĩ cái chết chỉ tới có một lần, nếu như sự hi sinh của mình có thể đổi lấy sự thống nhất nước nhà, con cháu được sống ấm no hạnh phúc ở một đất nước độc lập, thế thì còn gì bằng!”.
Được học nhiều tài liệu trong sách vở, nhưng đến tận ngày hôm nay, chúng mình mới có cơ hội để tự mình trải nghiệm một trong những chứng tích huy hoàng của cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc. Đặt chân đến Nhà tù Pleiku, chúng mình đã thấm thía hơn ý chí bất khuất và sức sống diệu kỳ của những người cộng sản ở vùng đất cao nguyên nồng hậu nhưng đầy anh dũng này.
Lắng đọng lại trong giây phút bồi hồi tưởng niệm, chúng mình thắp một nén hương như gửi lời biết ơn khôn xiết gửi đến người chiến sĩ cách mạng đã trung kiên và anh dũng cho đến hơi thở cuối cùng. Người ta chẳng mong nhìn thấy trên gương mặt người trẻ nước mắt và nỗi đau; nhưng có lẽ, buồn đau đôi khi cũng cần thiết. Những giọt nước mắt mà chúng mình kí gửi lại nơi đây sẽ là minh chứng cho sự trưởng thành trong nhận thức của mỗi thành viên, là lời cảm ơn của hậu thế đến thế hệ cha ông đã mãi mãi nằm lại trong quá khứ. Ta buồn, để ta học và ta lớn. Ngẫm chuyện ngày xưa, để nhìn thấy lối đi cho những ngày sau.
Đồng hồ điểm đúng mười giờ, chuyến tham quan nhà lao kết thúc. Nắng vẫn chiếu trên da thịt, nhưng không còn cay rát mà mềm mại như ôm ấp vỗ về những vị khách vẫn còn kẹt trong nỗi u hoài về một “địa ngục trần gian”…
Đồi chè – Đông Bắc Gia Lai
12h • 12/02/2023

Nép mình trong vùng Đông Bắc của phố núi Pleiku, đồi chè Gia Lai phủ lên mình tấm lụa nắng vàng ươm khi canh trưa đã điểm. Cái nóng thường trực của những giấc mơ trưa dường như đã bỏ quên chốn này, làm cho người ta dẫu đứng giữa cung đường ngập nắng vẫn cảm thấy khoan khoái và dễ chịu biết bao. Lối nhỏ đưa ta về với đồi chè phủ xanh vùng trời nơi đây được ví von là “cung đường tình” lãng mạn bậc nhất thành phố Pleiku. Không có những rừng thông hùng vĩ đậm mùi gỗ mang phong vị lãng tử, trữ tình như Đà Lạt, không có cây cầu với những ổ khóa tình yêu muôn hình muôn sắc như Đà Nẵng. Cung đường tình của Pleiku đẹp theo cách rất riêng, với hoa muồng vàng, gió heo may và những đồi chè xanh ngát. Tình yêu của con người Pleiku có lẽ cũng mộc mạc và tự nhiên như thế, được gửi vào mây gió qua hàng nghìn năm nay để tạo nên cho đồi chè một nốt hương rất riêng đủ sức níu giữ chân người khách lạ.
Dẫu thế, nếu không muốn nhìn đồi chè bằng đôi mắt của một người đang yêu, người ta vẫn có thể yêu lấy nơi đây dưới tư cách của một người khách tham quan mang trong mình tấm lòng ngưỡng vọng cái đẹp. Có chút gì đó làm xao xuyến lòng người từ men say của đất trời, sự phóng khoáng và tự do của cỏ cây vạn vật, từ sắc xanh biếc của màu trời, sắc xanh tưới mát hồn người của những lá chè tươi và của cả hàng thông trăm tuổi nghiêm mình che chở cho một phần mảnh đất Tây Nguyên. Tất thảy đã tạo nên một chân trời khám phá đầy mới lạ và cuốn hút đối với bất cứ ai có dịp ghé thăm; và đối với đại gia đình VêCa2Hai, những ấn tượng về đồi chè Pleiku sẽ trở thành một phần kí ức không thể nào quên.
Biển Hồ – Tây Bắc Gia Lai
14h40 • 12/2/2023
Nắng chiều Pleiku chỉ vừa rơi xuống những giọt đầu tiên, nhưng chuyến xe của tập thể VêCa2Hai chẳng mấy chốc đã phải dừng chân ở điểm đến cuối cùng.

Chúng mình đã quyết định để biển hồ Pleiku thay mặt mọi thành viên viết nên đoạn kết của chuyến đi ngắn ngủi nhưng đầy kỉ niệm này. Biển hồ Pleiku, hay còn được biết đến là hồ T’Nưng, được người dân ưu ái gọi là “đôi mắt đẫm lệ” của thành phố núi. Nắng đã róc rách chảy qua mọi ngõ ngách của chốn cao nguyên hồn hậu này, nhưng dường như, tại nơi đây, những hàng thông xanh mát cao vút dọc lối đi đã đỡ lấy bao nhiêu là nắng, là gió, giữ cho những vị khách ghé thăm biển hồ một không gian mát lành, bình yên và thư thái đến lạ. Bước dọc cung đường dài, rộng và ngập hương gỗ thông, chúng tớ thúc giục chân mình chạy nhanh hơn xuống cuối đường để không phải lỡ hẹn với cảnh hồ trong vắt. Đến tận bây giờ đây, khi hồi tưởng lại, mình vẫn cảm nhận rất rõ nỗi xuyến xao dâng lên trong lòng khi được trực tiếp ngắm nhìn món quà quý giá được mẹ thiên nhiên gửi đến mảnh đất Tây Nguyên. Giữa bầu trời đầy thoáng đãng, mặt nước long lanh từng “giọt lệ” cho tia nắng soi mình và vùng đồi núi bao phủ khắp không gian cảnh vật. Ở nơi ấy, đã có sự gặp gỡ giữa nắng, gió và làn nước xanh. Cuộc tri ngộ ấy đã mở ra cơ hồ là nỗi thương, nỗi nhớ cho những người bắt gặp, gieo thơ vào lòng của cả những ai không phải thi sĩ. Không còn là không khí ngột ngạt của những tòa nhà chọc trời ở trung tâm thành phố, cũng chẳng còn nhịp sống tất bật, bộn bề nơi phố thị; trong khoảnh khắc ấy, chúng tớ được gác lại những căng thẳng, lo âu trong học tập, giải toả những phiền muộn trong lòng, để sống thật, sống gần gũi nhất với thiên nhiên. Mỗi khắc trôi qua thật bình yên, êm đềm khép lại chuyến trải nghiệm thú vị, tràn ngập niềm vui với những cảm xúc khó quên!
Khép lại bản tin thời tiết thành phố Pleiku, Đài tiếng nói thiếu nữ sành điệu VêCa2Hai xin gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn thể quý thính giả nghe đài. Mong rằng những trải nghiệm nhỏ bé này có thể đem Pleiku đến gần hơn với mỗi một vị thính giả, thay mặt đồng bào Jrai ngân lên khúc hát chào mừng những bước chân sắp sửa tìm đến miền đất đỏ bazan.
Tác giả: Tập thể học sinh lớp 12 chuyên Văn – Khóa 22